Cuộc chiến giữa xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu đến hồi quyết liệt

Đầu năm 2018 đang trôi qua với trạng thái thị trường hoàn toàn trái ngược với mọi dự báo trước đó. Dòng xe nhập khẩu với mức thuế 0% đã không thể làm thị trường sôi sục bởi sự xuất hiện đầy bất ngờ của Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT. Lượng xe nhập khẩu sụt giảm nặng trong hai tháng đầu năm mặc cho mức thuế nhập khẩu 0% đã có hiệu lực. Trong khi đó, cuộc giằng co quyền lợi giữa các nhà nhập khẩu và sản xuất – lắp ráp xe hơi trong nước đã lên đỉnh điểm nhưng Chính phủ vẫn chưa đưa ra một tín hiệu rõ ràng nào trong việc có thể thay đổi những quy định liên quan đến các chính sách vừa ban hành. Vậy mà màn xuất hiện đột ngột của khoảng 2.000 chiếc ôtô Honda nhập khẩu từ Thái Lan với đầy đủ giấy tờ theo quy định xem ra có thể làm đảo chiều cục diện thị trường.
Cuộc chiến giữa xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu đến hồi quyết liệt
Buổi hội thảo, cuộc tranh luận về nội dung quy định trong Nghị định 116 đã diễn ra khá thẳng thắn giữa một bên là các doanh nghiệp Việt Nam và một bên là các doanh nghiệp liên doanh

Từ cuối năm 2016, thị trường ôtô đã có những phản ứng chờ đón thời điểm mức thuế nhập khẩu được cắt giảm hoàn toàn vào hai năm sau đó. Viễn cảnh xe nhập khẩu sẽ chiếm ưu thế trước xe lắp ráp nội địa càng rõ ràng hơn khi nhiều doanh nghiệp liên doanh lắp ráp xe rục rịch tuyên bố sẽ ngừng sản xuất xe lắp ráp trong nước để tập trung kinh doanh xe nhập khẩu. Còn phía người tiêu dùng, tâm lý chờ đợi để mua được xe giá rẻ cũng ngày càng lan rộng. Doanh số bán hàng trong năm 2017 chứng kiến sự sụt giảm nhẹ, nhưng đem lại niềm lạc quan về một năm 2018 sẽ bùng nổ do nhu cầu bị kìm hãm rất lớn. Dòng xe nhập khẩu cũng đã có một năm 2017 đạt mức tăng trưởng ấn tượng so với dòng xe lắp ráp nội địa với lượng xe nhập về Việt Nam trong cả năm đạt 94.000 chiếc. Trong khi tất cả đều đổ dồn về cột mốc 2018 và sẵn sàng chờ đón sự thay đổi lớn của thị trường thì sự xuất hiện đầy bất ngờ của Nghị định 116 và Thông tư 03 đã làm đảo lộn mọi dự đoán của giới tiêu dùng chỉ trong vài ngày trước khi bước sang năm 2018. Trong tháng cao điểm dịp Tết Nguyên đán năm nay, doanh số của thị trường ôtô gây thất vọng lớn bởi sự bất ổn và khan hiếm lượng cung trầm trọng do xe nhập khẩu chưa thể vào thị trường.

Sau hai tháng nhận được nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp, đồng thời chứng kiến sự xáo động thực tế của thị trường ôtô trong nước, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sáng ngày 26-2, Chính phủ đã tổ chức buổi đối thoại về chính sách tại Nghị định 116 và Thông tư 03. Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì hội nghị với sự có mặt của ông Lê Đình Thọ – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương, đại diện đại sứ quán Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu cùng đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ôtô tại Việt Nam. Trong buổi hội thảo, cuộc tranh luận về nội dung quy định trong Nghị định 116 đã diễn ra khá thẳng thắn giữa một bên là các doanh nghiệp Việt Nam và một bên là các doanh nghiệp liên doanh. Cuộc tranh luận tập trung chủ yếu vào ba yêu cầu trong Nghị định 116, gồm giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu, kiểm tra chất lượng xe nhập khẩu theo từng lô và độ dài đường thử xe trước khi xuất ra thị trường của nhà sản xuất. Kiến nghị tại hội thảo, ông Phạm Văn Dũng – Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam cho rằng: “Giấy chứng nhận kiểu loại thường được cấp bởi nước nhập khẩu chứ không phải là nước sản xuất. Nước sản xuất chỉ cấp cho xe lưu hành trong nước”. Tuy nhiên theo ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trường Hải, doanh nghiệp hiện đang nhập khẩu sản phẩm của chín thương hiệu xe nước ngoài thì: “Quy định về giấy chứng nhận này có từ năm 2006, rồi được tái lập ở Thông tư 31 năm 2011 chứ không phải mới có. Tác dụng của giấy này giống như lý lịch của một chiếc xe, nói lên công nghệ cũng như các tính năng của xe, được chứng thực bằng cơ quan được ủy quyền chứ không phải bằng phương thức quảng cáo, marketing của các thương hiệu, từ đó giúp người tiêu dùng biết được tính năng của chiếc xe định mua”. Liên quan đến vấn đề này, trong buổi họp báo trước đó trong ngày 2-2, ông Mai Tiến Dũng đã từng nêu rõ: “Chúng ta phải hiểu giấy chứng nhận phù hợp không phải là giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà là cơ quan hiệp hội có thẩm quyền. Các hãng sản xuất cũng sẵn sàng cấp giấy chứng nhận cho nhà nhập khẩu của họ, rồi cả hiệp hội chuyên ngành ở nước đó cũng sẽ cấp chứng nhận rằng mẫu xe có nguồn gốc từ nhà sản xuất nào đó để bảo đảm chất lượng, đồng thời có trách nhiệm thu hồi xe nếu để xảy ra lỗi trong quá trình sản xuất. Tất cả cũng là để bảo đảm quyền lợi cho nhà sản xuất và người tiêu dùng”.

Về quy định kiểm tra xe nhập khẩu theo lô, khi các đại diện của Toyota, Ford, GM… cho rằng gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp thì các doanh nghiệp trong nước đã có ý kiến khác, ví dụ ông Lê Ngọc Đức – Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công cho rằng: “Hiện chúng tôi vẫn thử nghiệm theo từng lô cho các linh kiện. Tất nhiên không kiểm tra thì thuận lợi nhất, nhưng ai sẽ đứng ra bảo vệ người tiêu dùng nếu phát hiện ra lỗi?”.

Mặc dù hội nghị kết thúc mà chưa có một kết luận nào được đưa ra từ người phát ngôn của Chính phủ về việc có thay đổi hay vẫn giữ nguyên những quy định trong Nghị định 116 và Thông tư 03, nhưng từ phát biểu của người chủ trì hội nghị cũng có thể hiểu được nhiều điều. Ông Mai Tiến Dũng nêu rõ rằng Việt Nam là nước đang phát triển, đang hội nhập sâu rộng, đang tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, song chúng ta cũng cần có bước đi của mình, một mặt để tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu ôtô, mặt khác bảo đảm cho nền sản xuất tự chủ, không đặt vấn đề dựng rào cản bảo hộ sản xuất trong nước, nhưng cũng phải có sự quan tâm ở mức độ nào đó. Tóm lại, có thể hiểu rằng Chính phủ vẫn rất quyết tâm với chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô nước nhà.

Tuy nhiên, trên thực tế, hai nghị định và thông tư vừa được ban hành không thể gây khó, mà lại tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp thụ hưởng được nhiều ưu đãi hơn vì có thể vừa tăng thêm lợi nhuận từ việc kinh doanh xe nhập khẩu, vừa hưởng nhiều ưu đãi khi quay lại sản xuất, lắp ráp xe trong nước.

Có thể sự mất đà về doanh số của Toyota trong hai tháng đầu năm ở một số mẫu xe nhập khẩu đã đem lại cơ hội cho nhiều thương hiệu lắp ráp nội địa trong việc gia tăng thị phần như Mazda hay Hyundai. Thế nhưng sau khi thể hiện sự mong muốn quay lại với sản xuất trong nước bằng những công bố tái lắp ráp các mẫu xe chiến lược tại Việt Nam, sự xuất hiện bất ngờ của 2.000 chiếc Honda nhập khẩu trong những ngày đầu tháng 3 và cuộc gặp mặt giữa Bộ trưởng Thương mại Indonesia với các nhà quản lý thuộc Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam để tìm hiểu nhu cầu về xe nhập khẩu từ Indonesia cho thấy các chính sách mới không thể làm khó được các doanh nghiệp. Thị trường ôtô Việt Nam trong những tháng tiếp theo của năm nay sẽ còn nhiều bất ngờ khi các nhà nhập khẩu vượt qua được rào cản và làn sóng xe nhập khẩu sẽ ồ ạt tràn về Việt Nam như đúng dự đoán.

Cán cân ưu thế giữa dòng xe sản xuất, lắp ráp nội địa và xe nhập khẩu trên thị trường hiện vẫn chưa thể xác định được vì yếu tố quyết định sự lựa chọn của người tiêu dùng vẫn là giá bán. Chi phí phải tăng thêm do vướng những quy định từ Nghị định 116 làm cho mức cắt giảm thuế nhập khẩu 0% không còn nhiều tác động đối với giá xe nhập khẩu. Theo phân tích của giới chuyên môn, bên cạnh việc phải trả chi phí cho việc kiểm tra chất lượng từng lô (lên đến khoảng chục ngàn USD), nhà nhập khẩu còn phải tốn thêm phí lưu kho bãi chờ kiểm định trong vài tháng và theo cách tính thuế như hiện tại, giá xe nhập khẩu tại Việt Nam sẽ giảm xuống như kỳ vọng là điều khó xảy ra. Tương tự, dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù nhận được nhiều tín hiệu lạc quan hơn khi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng xe cũng được cắt giảm về 0% nhưng với chi phí đầu tư cho sản xuất và kinh doanh còn khá cao thì việc giảm mạnh giá xe để cạnh tranh cũng là điều không đơn giản.

Mặc dù đã bước vào mùa thấp điểm, thị trường ôtô vẫn có thể sẽ có nhiều xáo động khi các dòng xe nhập khẩu từ Indonesia hay Ấn Độ rồi cũng hoàn tất được thủ tục để nhập về Việt Nam. Biết đâu, sau nhiều tháng xáo động vì khan hiếm hàng, thị trường ôtô Việt Nam lại rơi vào tình cảnh trái ngược trong những tháng tới khi một lượng lớn xe nhập khẩu đổ vào thị trường cùng một lúc nhưng nhu cầu mua sắm xe hơi đã giảm đi rất nhiều.

Exit mobile version