40 quốc gia trong đó có Nhật Bản và EU sẽ bắt buộc xe hơi trang bị phanh khẩn cấp tự động vào năm 2020. Trong khi đó Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ không tham gia vào quy định mới này.
Ủy ban châu Âu cho biết các tổ chức của Liên minh châu Âu vừa hoàn thành một thỏa thuận chính trị tạm thời về các tiêu chuẩn an toàn dành cho các phương tiện di chuyển sẽ có hiệu lực vào năm 2022.
Một số tính năng an toàn mới bắt buộc trang bị gồm có hệ thống cảnh báo buồn ngủ/ cảnh báo mất tập trung, hỗ trợ giữ làn đường và hệ thống phanh khẩn cấp tiên tiến. Các dòng xe cũng cần bổ sung dây an toàn cải tiến, hệ thống lùi xe an toàn (có camera hoặc cảm biến) và máy ghi dữ liệu/ hộp đen để xem xét thông tin sau tai nạn.
Về bản chất, bộ giới hạn tốc độ này sẽ “giới hạn sức mạnh động cơ, ngăn không cho xe tăng tốc vượt quá giới hạn tốc độ hiện tại trừ khi thiết bị này bị tắt”. Có vẻ như quy định này sẽ cho phép hệ thống được “ngưng hoạt động”, nhưng trước mắt thỏa thuận của EU tạm thời chỉ dừng lại ở đó.
Có thể các tài xế sẽ không mấy hào hứng với bộ giới hạn tốc độ này, cho nên Hội đồng an toàn giao thông châu Âu đã trích dẫn một nghiên cứu năm 2014 của Na Uy, cho họ thấy đây là hệ thống hỗ trợ cứu hộ người lái xe hiệu quả nhất. Và tất nhiên, công nghệ này cũng đã đi được một chặng đường dài kể từ thời điểm đó.
Theo bà Elżbieta Bieńkowska – Ủy viên châu Âu người Ba Lan phụ trách thị trường nội bộ, công nghiệp, doanh nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ: “Mỗi năm, có 25.000 người mất mạng trên đường. Đại đa số các tai nạn xảy ra do lỗi của người điều khiển. Chúng ta có thể và phải hành động để thay đổi điều này”.
Ủy ban châu Âu mong muốn các quy định này có thể giúp ngăn chặn hơn 25.000 ca tử vong và ít nhất 140.000 người bị thương nặng vào năm 2038. Đến năm 2050, ủy ban nhắm đến mục tiêu gần như không có tử vong và thương tích nghiêm trọng nào.