Nếu lệ phí trước bạ được giảm 50% so với hiện hành, khách mua các mẫu ô tô sản xuất trong nước sẽ tiết kiệm được tương đương 5-6% giá trị tiền mua chiếc xe, nhưng điều này xem ra không hề dễ dàng.
Giảm phí để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất
Trước thực trạng thị trường ô tô gặp nhiều khó khăn và lượng bán hàng sụt giảm mạnh, vào đầu tháng 3 vừa qua, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có một số đề xuất, gửi Chính phủ cũng như các bộ ban ngành liên quan về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành ô tô.
Gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong dự thảo này có nêu rõ giải pháp nhằm kích cầu ngành ô tô, gồm việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020, đồng thời xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ngành ô tô nội.
Theo thông tin trên báo chí, trước đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 để kích cầu tiêu dùng.
Các nhà kinh doanh lẫn người có ý định mua xe ô tô tin rằng, nếu dự thảo và đề xuất này được thông qua sẽ giúp người mua xe lắp ráp trong nước có thể giảm một khoản tiền đáng kể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/xe.
Bởi lẽ, ở phân khúc sedan hạng A hoặc B, hiện các mẫu lắp ráp trong nước như Honda City, Toyota Vios, Mazda 3,Hyundai Accent, Kia Cerato,… là những dòng xe được ưa chuộng và bán được tốt. Nếu được giảm 50% lệ phí trước bạ khi mua các dòng xe này, thì đó là tín hiệu rất đáng mừng cho người mua xe trong thời gian tới.
Ở thời điểm hiện tại, lệ phí trước bạ đối với ô tô tại một số tỉnh thành đang áp ở mức 10-12% giá trị xe.
Lấy đơn cử như phiên bản cao cấp nhất của chiếc Honda City hiện có giá bán trên thị trường khoảng 600 triệu đồng. Theo quy định hiện nay, mức đóng lệ phí trước bạ đối với khách hàng đăng ký tại TPHCM là 10%, tương đương 60 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu mức phí trước bạ giảm 50%, người mua xe Honda City sẽ phải còn đóng 30 triệu đồng.
Theo đại diện của một đại lý ô tô Honda ở TPHCM, mức giảm này tương đối đáng kể cho khách hàng hiện nay. Mặt khác vì nhằm thúc đẩy khách hàng mua ô tô, một số đại lý còn áp dụng chính sách giảm giả hoặc hỗ trợ người mua. Đơn cử như đại lý này kết hợp phần hỗ trợ của nhà sản xuất Honda Việt Nam cùng việc giảm giá của chính đại lý thì mức giảm hiện nay cho xe Honda City là khoảng 48 triệu đồng.
Như vậy, nếu kết hợp cả các chính sách giảm giá từ nhà sản xuất, đại lý phân phối lẫn giảm 50% lệ phí trước bạ thì người mua xe Honda City phiên bản cao cấp tại đại lý ở TPHCM nói trên tiết kiệm lên đến 78 triệu đồng (tương đương với 12-13% tổng giá trị tiền mua chiếc xe).
Đối với một mẫu xe hạng sang lắp ráp tại Việt Nam như Mercedes-Benz E300 AMG có giá bán 2,92 tỉ đồng, nếu được giảm 50% lệ phí trước bạ, đăng ký tại TPHCM thì chủ xe sẽ chỉ phải bỏ ra số tiền lệ phí trước bạ khoảng 141 triệu đồng, thay vì 292 triệu đồng như hiện nay.
Do đó, việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được các doanh nghiệp kinh doanh ô tô kỳ vọng sẽ phần nào tạo được “cú hích” giúp thúc đẩy sức mua sau đại dịch do Covid-19 này.
Không dễ hiện thực hóa các đề xuất
Điểm đáng lưu ý, đề xuất kích cầu qua việc giảm lệ phí trước bạ nêu trên chỉ tập trung hỗ trợ cho các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Ô tô nhập khẩu không nhận được ưu đãi kích cầu dù trước đó VAMA đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách mua xe nhập khẩu lẫn xe sản xuất, lắp ráp trong nước để thúc đẩy thị trường chung.
Do đó, nếu đề xuất nêu trên được thông qua thì khả năng các nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ không thể đứng yên vì khách hàng mua xe của họ không được hưởng quyền lợi. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nguyên chiếc cũng tương đương với lượng doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước.
Giảm 50% lệ phí trước bạ không ảnh hưởng đến giá bán xe của các doanh nghiệp ô tô trong nước, do đây là khoản thu sau khi khách hàng đã mua xe. Tuy nhiên, nếu lệ phí trước bạ giảm 50% chỉ áp dụng với xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ tạo ra lợi thế cho sản phẩm nội địa trước xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Theo các chuyên gia, việc áp đặt phí trước bạ có lợi cho ô tô nội địa sẽ phải đối mặt với rủi ro bị kiện tụng và bị trả đũa hay trừng phạt bởi các nước đối tác.
Bởi lẽ nguyên tắc đối xử quốc gia là một nguyên tắc xương sống trong thỏa thuận của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà Việt Nam là một thành viên. Theo đó, các nước thành viên WTO không được đối xử phân biệt giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu.
Tuy WTO có một số điều khoản ngoại lệ cho việc phân biệt đối xử như trợ cấp cho nhà sản xuất nội địa, bảo hộ bằng thuế mang tính phân biệt trong trường hợp một nước kém phát triển muốn khuyến khích một ngành công nghiệp non trẻ nào đó… nhưng xem ra không dễ dàng đề thực hiện trong trường hợp này.
Mặt khác, theo một số người am hiểu, đây chỉ là đề xuất giải pháp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nếu Chính phủ thông qua thì còn phải đợi HĐND các địa phương quyết nữa, nên xem ra không thể áp dụng trong một sớm một chiều được.
Trong bối cảnh nhiều mẫu mã ô tô lắp ráp, sản xuất từ năm 2019 vẫn còn tồn kho, thị trường ô tô năm 2020 lại chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ngay từ giai đoạn đầu năm dẫn đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn.
Bất chấp hàng loạt chương trình ưu đãi, giảm giá bán kèm theo quà tặng được nhà sản xuất, đại lý phân phối ô tô áp dụng từ đầu năm đến nay, sức mua ô tô vẫn sụt giảm, kéo lượng bán ra của nhiều hãng xe bị lao dốc.
Cụ thể lượng bán hàng của KIA tại Việt Nam trong quí 1-2020 giảm 25%, Mazda giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thành viên khác thuộc VAMA như Ford giảm 48%, Honda giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái…
Báo cáo bán hàng của VAMA tính đến hết quí 1-2020 cho thấy, tổng lượng ô tô bán ra của các thành viên thuộc Hiệp hội đạt khoảng 52.560 xe, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Liều thuốc” giảm giá, hỗ trợ các khoảng phí, bảo dưỡng,… trong thời gian qua được các doanh nghiệp kinh doanh ô tô áp dụng hiện vẫn chưa đủ hiệu quả để kích thị trường, và họ đang trông chờ những thay đổi chính sách giảm thuế, phí từ phía Nhà nước… có thể kích cầu thị trường tăng trở lại trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng.