Nghị định 116 đẩy các doanh nghiệp tư nhân vào đường cùng, nhường chỗ cho doanh nghiệp chính hãng trong mảng kinh doanh ôtô nhập khẩu.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 116 về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô. Đây là Nghị định “hậu” Thông tư 20 đã hết hiệu lực vào tháng 7-2016. Theo chuyên gia kinh tế – PGS-TS Ngô Trí Long, Nghị định thể hiện rõ ý muốn siết chặt thị trường ôtô nhập khẩu, không còn đường lách cho các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô tư nhân.
Có không chuyện gian lận thương mại?
Trong một buổi hội thảo cuối 2016, giới chuyên gia bày tỏ lo ngại về chuyện gian lận thương mại của các đại lý nhập khẩu tư nhân.
Để tạo công bằng trên thị trường, kiến nghị được chú ý nhất là việc yêu cầu cung cấp tài liệu Vehicle Data (Thông số kỹ thuật xe) cho mỗi chiếc xe nhập khẩu, từ đó có thể liệt kê chi tiết mọi linh kiện và phụ tùng đã được nhà máy lắp ráp, đi cùng số VIN tương ứng. Cơ quan Hải quan sẽ có cơ sở giám sát nhà nhập khẩu và áp thuế chính xác theo đơn giá công bố của nhà sản xuất.
Các nhà nhập khẩu tư nhân tận dụng cách này để khai thuế thấp, trong khi các nhà nhập khẩu chính hãng công bố từng phiên bản xe có những linh kiện và trang bị cụ thể. Lãnh đạo của một hãng xe nhập khẩu tại Việt Nam giải thích xe nhập khẩu về Việt Nam qua năm cách như sơ đồ bên dưới, trong đó các hãng xe nhập khẩu chính hãng tại Việt Nam đi theo cách C và D.
Phía bên kia, các nhà nhập khẩu tư nhân đi theo đường A và B, với nhiều bước hơn. Vị lãnh đạo đặt vấn đề tại sao qua nhiều bước hơn, nhưng xe nhập khẩu tư nhân luôn rẻ hơn và nhiều trang bị hơn xe nhập khẩu chính hãng?
Ông khẳng định rõ ràng ở đây tồn tại gian lận thương mại, và ông rất ủng hộ Nghị định 116 – biện pháp được cho là giúp thanh lọc thị trường, tạo nên một thị trường cho những bên thực sự có năng lực chứ không mở rộng đường cho việc làm ăn chộp giật của nhiều doanh nghiệp “mua đứt bán đoạn”.
Nghị định viết một doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh nhập khẩu ôtô tại Việt Nam phải đủ hai điều kiện. Một là, có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô. Hai là, phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp có quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất để thực hiện lệnh thu hồi.
Bàn về vấn đề này, lãnh đạo một doanh nghiệp nhập khẩu ôtô chính hãng nhìn nhận yếu tố cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô là điều mà bất kỳ đơn vị nhập khẩu nào đều phải làm, vì không thể bán xe xong là hết trách nhiệm. Quy định này giúp giải quyết vấn đề tồn tại lâu nay trên thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh tình trạng nay mua xe ở đại lý này, ngày mai họ đóng cửa.
Trước đây vì lý do này, giá bán xe ở đại lý tư nhân luôn rẻ hơn. Một đại lý để có quyền nhập khẩu chính hãng buộc phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn của phía nhà sản xuất. Có rất nhiều thứ cần đáp ứng, một trong số đó là cơ sở bảo hành, bảo dưỡng phải đủ tiêu chuẩn của hãng, từ phụ tùng chính hãng cho đến việc đào tạo nhân viên theo quy chuẩn. Những chi phí đó buộc phải cộng vào giá bán.
Còn khi một hãng xe đưa ra lệnh thu hồi là để đảm bảo an toàn cho người dùng và chiếc xe, một công ty nhập khẩu bán xe ra không đủ khả năng thu hồi, thì người thiệt vẫn là người tiêu dùng.
Ông Choi Duk Jun – Giám đốc Điều hành mảng kinh doanh xe du lịch của Mercedes-Benz Việt Nam – cho biết: “Tôi vui mừng vì quyền lợi của người tiêu dùng một lần nữa được đề cao”.
Yêu cầu kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu chưa qua sử dụng gây cản trở nhất định tới doanh nghiệp kinh doanh. Tuy nhiên, một doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng tại Việt Nam cho rằng việc kiểm định theo từng lô có ảnh hưởng đến giá bán, nhưng không như đa số mọi người nghĩ.
Trên thực tế, việc kiểm định từng lô vô cùng đơn giản, không phải chạy thử 3.000 – 5.000km. Họ lấy một chiếc chạy thử một quãng đường vài trăm mét, rồi kiểm định khí thải, tổng chi phí 30 triệu đồng. Thời gian chờ chỉ nằm trong khoảng hai tuần tới một tháng.
Đối với những hãng xe về mỗi lô hàng trăm, hàng nghìn xe, chi phí cộng vào giá bán không đáng kể. Ảnh hưởng nhiều nhất chỉ là nhóm nhỏ những mẫu xe dành cho số ít, như Rolls-Royce, Bentley hay Lamborghini. Nhưng với người mua những loại xe này, việc tăng vài chục triệu đồng không tạo nhiều trở ngại.
Doanh nghiệp nhập khẩu ôtô tư nhân hết cửa lách
Thị trường ôtô nhập khẩu chia thành hai nhóm lợi ích, giữa một bên là các nhà nhập khẩu chính hãng và các nhà nhập khẩu tư nhân. Ngay từ Thông tư 20, quy định trong văn bản nghiêng lợi thế về phía một số doanh nghiệp nhất định, và ở đây là các nhà nhập khẩu chính hãng, hoạt động chuyên nghiệp, quy mô và tổ chức bài bản.
Tuy nhiên, khi Nghị định 116 được ký và có hiệu lực từ 17-10, sự trao quyền đã rõ ràng hơn. Chuyên gia kinh tế – PGS-TS Ngô Trí Long nhận định Nghị định này không còn đường lách cho các doanh nghiệp nhập khẩu tư nhân.
Quy định có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, nếu doanh nghiệp nhập khẩu ôtô tư nhân không có khả năng xây dựng, hoàn toàn có thể đi thuê. Nhưng với văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô nước ngoài thực hiện lệnh thu hồi là bất khả thi. Từ trước đến nay, những giấy tờ này chỉ được cấp cho các nhà nhập khẩu chính hãng.
Cơ hội không chia đều cho tất cả, vậy có lợi ích nhóm ở đây không? Trả lời cho câu hỏi này, lãnh đạo của một hãng xe nhập khẩu chính hãng tại Việt Nam khẳng định có, nhưng là sự cân nhắc về chất lượng hơn là số lượng.
“Chọn một bên ít về số lượng, nhưng đóng thuế một năm hàng nghìn tỉ và tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm, hay một bên nhiều về số lượng, nhưng đóng thuế không bằng một phần nhỏ dù đã cộng dồn tất cả. Đây là chưa kể đến vấn đề gian lận thương mại hay làm thất thu thuế của nhà nước”, vị lãnh đạo nói.
Việc các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô tư nhân đóng cửa còn dấy lên mối lo ngại về độc quyền, đánh mất đi tính cạnh tranh trong ngành kinh doanh ôtô. Tuy nhiên, hướng khách hàng đến các đại lý chính hãng là cách mà nhiều nước phát triển đang đi. Chưa kể đến yếu tố xe nhập khẩu tại Việt Nam còn phải cạnh tranh với xe lắp ráp. Việc áp giá cao chẳng khác nào từ bỏ cơ hội cạnh tranh.
Khe cửa nhỏ khả thi cho các nhà nhập khẩu ôtô tư nhân tồn tại, có chăng là tài sản di chuyển hoặc quà biếu. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế – PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng điều này rất khó, nếu có thì nguồn cung cũng rất ít, vì khi chính phủ muốn siết chặt, việc tìm cửa lách gần như vô vọng.
Một vị lãnh đạo hãng ôtô nhập khẩu lấy dẫn chứng một chiếc xe về Việt Nam theo đường quà biếu tặng chỉ giới hạn 1 xe/người/năm. Hơn nữa, khi chiếc xe về Việt Nam, nếu muốn bán, người nhận phải đăng ký biển số, đóng phí trước bạ, cộng thêm lợi nhuận doanh nghiệp, dẫn đến giá bán tăng thêm 20%, một bất lợi rất rõ ràng.
Bên cạnh đó, Nghị định 116 cũng gây khó khăn cho các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng. Vị chuyên gia kinh tế cho biết: “Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở nước ngoài rất khó. Ngay cả Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ có thể cấp cho xe nội địa, chứ không cấp cho xe bán ra nước ngoài. Nhiều quốc gia trên thế giới không làm, trong khi Việt Nam lại đặt điều kiện quá cao”.