Nữ chủ tịch Lê Thị Thu Thuỷ của VINFAST lần đầu tiết lộ kế hoạch với GM hậu thâu tóm

Theo nữ chủ tịch Lê Thị Thu Thuỷ của VINFAST, công ty này sẽ sản xuất các mẫu hatchback tại nhà máy của GM. Trong tương lai, nếu phù hợp, VINFAST sẽ tiếp nhận tất cả công nghệ trong thiết kế, sản xuất và quản lý chất lượng ô tô từ GM nhờ vào thương vụ mua lại này.
Nữ tướng VINFAST lần đầu tiết lộ kế hoạch với GM hậu thâu tóm.
Bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Chủ tịch Công ty VINFAST.
Vì sao VINFAST lại nhắm đến GM cho thương vụ M&A đầu tiên của mình trong lĩnh vực ô tô thưa bà?

GM hiện là một trong những nhà sản xuất (OEM) uy tín hàng đầu trên thế giới và họ đã có bề dày kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên toàn cầu, ở nhiều quốc gia khác nhau. Chúng tôi rất tin tưởng sự hợp tác này là sự kết hợp giữa quy mô, công nghệ và chuyên nghiệp toàn cầu của GM với sức mạnh nội địa của VINFAST và khả năng tiếp cận ở Việt Nam, từ đó củng cố tiềm năng tăng trưởng to lớn cho cả hai thương hiệu.

Thoả thuận này cũng đánh dấu việc GM sẽ trở thành một trong những đối tác công nghệ ô tô của VINFAST, mở ra những cơ hội tiềm năng để chia sẻ sản phẩm trong tương lai cũng như chuyển giao công nghệ, không những thúc đẩy thương hiệu Chevrolet hay thương hiệu VINFAST phát triển, mà là toàn bộ ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam. Cả hai bên đều rất tin tưởng về mối quan hệ đối tác tiềm năng này.

Trong những thông tin bên lề, VINFAST đã khởi động thỏa thuận này từ nửa năm trước, tức là ngay khi nhà máy VINFAST tại Hải Phòng khởi công. Tại sao VINFAST không dồn vốn mua đứt nhà máy của GM để thúc đẩy hoạt động sản xuất trước, thay vì tiêu tốn hàng tỷ USD để xây đại công trình ở Cát Hải?

Chúng tôi xác định sẽ sản xuất quy mô lớn ngay từ đầu, với công suất dự kiến 250.000 xe ô tô trong giai đoạn 1 và hướng tới 500.000 xe trong giai đoạn tiếp theo. Việc tiếp nhận nhà máy của GM tại Hà Nội sẽ bổ sung năng lực cho VINFAST bên cạnh nhà máy tại Hải Phòng, nhằm hoàn thành mục tiêu sản xuất như trên.

Ông James DeLuca – Tổng giám đốc VINFAST – chia sẻ rằng thỏa thuận là nhân tố quan trọng để triển khai đúng kế hoạch ra mắt 5 mẫu xe VINFAST vào năm 2019. Cụ thể, việc M&A với GM sẽ tác động vào kế hoạch này ra sao?

Chúng tôi sẽ nhận chuyển nhượng toàn bộ nhà máy GM tại Hà Nội và triển khai những hoạt động đầu tư tăng năng lực để sản xuất dòng xe ô tô cỡ nhỏ (là 1 trong 5 mẫu xe mà James DeLuca nói ở trên) , dự kiến ra mắt vào cuối năm 2019. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp nhận tất cả những công nghệ phù hợp trong thiết kế, sản xuất và quản lý chất lượng ô tô từ GM, cũng như phương thức quản lý sau bán hàng để phục vụ cho quá trình ra mắt các sản phẩm sắp tới.

Mua lại quyền phân phối Chevrolet tại Việt Nam (thương hiệu vốn nổi tiếng với các dòng xe giá rẻ và hạng trung), VINFAST sẽ đặt mục tiêu sản xuất dòng xe riêng của mình ở phân khúc nào?

Sản phẩm của chúng tôi sẽ nằm ở tất cả các phân khúc, từ cao cấp đến bình dân và cả xe điện.

Việc tận dụng hệ thống phân phối của GM sau khi hoàn tất thỏa thuận là điều dễ hiểu, nhưng sẽ ra sao nếu chiếc xe mang thiết kế Ý, chất lượng Đức lại áp dụng chế độ phân phối và hậu mãi kiểu Mỹ?

GM là một trong những công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp ô tô thế giới, do đó, sự hợp tác này sẽ tạo cơ hội cho chúng tôi tiếp nhận từ GM các kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực sản xuất ô tô. Về phía VINFAST, chúng tôi sẽ có những tiêu chuẩn bán hàng và sau bán hàng riêng của mình.

Trong quá khứ, GM mua lại Vidamco từ liên doanh của Daewoo, và chỉ duy trì sản xuất xe dưới thương hiệu này trong vòng 4 năm, sau đó là thay thế bằng Chevrolet. VINFAST có chiến lược tương tự như vậy hay không?

Chúng tôi không có kế hoạch như vậy.

– Theo Nhịp sống Kinh tế

Exit mobile version