Việc giảm thuế và phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đang được Chính phủ xem xét trong gói hỗ trợ DN chống dịch covid-19.
Giải cứu thị trường và ngành ô tô Việt Nam
Đại dịch Covid-19 đang khiến thị trường ô tô suy giảm mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà đầu tư và doanh nghiệp sản xuất trong nước. Số liệu do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô trong nước (VAMA) vừa công bố cho thấy, thị trường ô tô Việt đã mất 41% doanh số so với một năm trước đó.
Trước những khó khăn đang và sẽ phải đối mặt trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa xác định được thời điểm kết thúc, VAMA đã kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) và 50% lệ phí trước bạ để kích cầu tiêu dùng với thị trường ô tô và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp sản xuất.
Ngay sau đó, Bộ Công thương cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án giảm 50% phí trước bạ cho người mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết 2020. Đề xuất của Bộ Công thương không bao gồm phương án giảm thuế VAT cho mặt hàng ô tô như ý kiến của VAMA.
Tại dự thảo Nghị quyết các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ, nêu rõ: “Lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước sẽ giảm 50% tới hết năm 2020; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2020; 50% thuế suất VAT cho các hàng hóa dịch vụ, nguyên liệu đầu vào.”.
Nếu giải pháp này được Chính phủ xem xét và được Quốc hội thông qua sẽ mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường ô tô và phần nào tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Các doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu nguyên chiếc sẽ không nhận được ưu đãi này.
Trong khi đó, người tiêu dùng sẽ được hưởng ưu đãi kép khi giá xe giảm do các doanh nghiệp sản xuất được được giảm 50% thuế VAT nguyên liệu đầu vào và 50% thuế trước bạ khi đăng ký xe mới.
Người mua xe lắp ráp trong nước tiết kiệm được bao nhiêu tiền?
Khi các ưu đãi trên được phê chuẩn thì khoản tiền mà người tiêu bỏ ra mua xe sản xuất và lắp ráp trong nước từ thời điểm chính sách ưu đãi có hiệu lực đến hết năm 2020, sẽ thấp hơn nhiều so với hiện tại.
Với ưu đãi giảm 50% thuế VAT nguyên liệu đầu vào, giá thành phẩm của một chiếc xe sản xuất và lắp ráp trong nước sẽ giảm, tuy nhiên, mức giảm cụ thể nhiều hay ít phụ thuộc hoàn toàn vào tính toán của nhà sản xuất.
Trong khi đó, với ưu đãi giảm 50% thuế trước bạ khi đăng ký xe mới, người tiêu dùng có thể tính được ngay số tiền được hưởng. Xe giá trị càng cao thì khoản tiền tiết kiệm được càng lớn. Nhóm khách hàng mua ô tô con dưới 10 chỗ ngồi sẽ được hưởng lợi nhiều nhất với mức giảm cụ thể tuỳ thuộc vào mức tính lệ phí trước bạ của từng địa phương.
Hiện mức tính lệ phí trước bạ đối với ô tô con dưới 10 chỗ ngồi trên cả nước được phân thành 3 nhóm, trong đó nhóm A (tạm đặt tên) gồm 8 tỉnh thành Hà Nội, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ áp dụng mức 12%; nhóm B có Hà Tĩnh áp dụng mức phí trước bạ là 11%; và nhóm C là toàn bộ các tỉnh thành còn lại đang áp dụng mức lệ phí trước bạ 10%.
Chính bởi vậy, với cùng một chiếc xe, người mua xe ở các tỉnh thành thuộc các nhóm khác nhau sẽ nhận được những khoản tiết kiệm chênh lệch.
Cụ thể, với một chiếc Mazda3 bán ra thị trường hiện tại đang có mức áp giá tính lệ phí trước bạ 660 triệu đồng, người mua xe sẽ phải đóng lệ phí trước bạ (phí trước bạ = giá tính lệ phí trước bạ x % lệ phí trước bạ) tương ứng theo các nhóm A,B,C tương ứng là 79,2 triệu, 72,6 triệu và 66 triệu đồng. Nếu chính sách ưu đãi được áp dụng, thì người mua chiếc Mazda3 sẽ tiết kiệm được lần lượt theo các nhóm là 39,6 triệu, 36,3 triệu và 33 triệu đồng.
Tương tự, một chiếc Toyota Vios 1.5G CVT có giá niêm yết 570 triệu đồng, nếu được Chính phủ áp dụng chính sách ưu đãi, thì người mua xe sẽ tiết kiệm được khoản tiền tương ứng với các nhóm A,B,C là 34,2 triệu, 31,35 triệu và 28,5 triệu đồng.
Khi mua mẫu xe bán chạy nhất của Hyundai tại Việt Nam Grand i10 hatchback với giá niêm yết 379 triệu đồng, người mua cũ sẽ tiết kiệm được khoản tiền lần lượt theo từng nhóm tỉnh thành phố là 22,74 triệu, 20,845 triệu và 18,95 triệu đồng.
Ở phân khúc xe hạng sang, Mercerdes-Benz là thương hiệu xe duy nhất được hưởng ưu đãi nếu chính sách mới được thông qua, và khách hàng mua xe thương hiệu này cũng là những người được hưởng lợi nhiều nhất, với những khoản tiền tiết kiệm được so với hiện tại lên đến cả trăm triệu đồng.
Một chiếc Mercerdes-Benz GLC 300 đang có giá niêm yết 2,399 tỷ đồng. Lệ phí trước bạn người mua phải đóng ở thời điểm hiện tại sẽ lần lượt là 288 triệu, 264 triệu và 240 triệu đồng tuỳ từng nhóm. Một khi chính sách ưu đãi có hiệu lực, người mua sẽ tiết kiệm được lần lượt là 144 triệu, 132 triệu và 120 triệu đồng, với riêng khoản lệ phí trước bạ.
Trái ngược với những ưu đãi lớn mà người mua xe con dưới 10 chỗ ngồi được hưởng, những khách mua xe thương mại chỉ nhận được lợi ích ít ỏi nếu chính sách tương ứng được áp dụng. Bởi mức lệ phí phải đóng với xe thương mại hiện tại đang được áp dụng chỉ ở mức 2% giá bán xe, nên mức giảm 50% lệ phí trước bạ là khá ít ỏi, kể cả trong trường hợp giá bán xe lên đến hàng tỷ đồng.