Việt Nam vẫn còn cơ hội sản xuất, xuất khẩu ôtô

Thaco sẽ xây dựng nhà máy sản xuất, lắp rắp Mazda mới. Đó là thông tin được ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco Trường Hải – cho biết trong buổi ra mắt mẫu xe Mazda CX-5 mới vừa diễn ra tại Quảng Nam.

Theo ông Dương, đứng trước yêu cầu cạnh tranh hội nhập khu vực ASEAN vào năm 2018, đặc biệt là đón đầu xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, mà cơ bản là sản xuất tự động hóa và đồng thời phải đáp ứng yêu cầu đặt hàng riêng lẻ của khách hàng.

haco sẽ xây dựng nhà máy sản xuất, lắp rắp Kia, Mazda mới.
Thaco sẽ xây dựng nhà máy sản xuất, lắp rắp Kia, Mazda mới. Ảnh: Công Trung

Do đó, Thaco có chiến lược với chu kỳ đầu tư phát triển mới là xây dựng hầu hết các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô mới như: nhà máy xe du lịch Kia, Mazda, xe du lịch cao cấp, nhà máy bus, nhà máy tải, cũng như các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các nước ASEAN.

Trong đó nhà máy Thaco Mazda là nhà máy lớn nhất của Mazda tại Đông Nam Á có công nghệ hiện đại nhất, tự động hóa hoàn toàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất lắp ráp các dòng xe Mazda thế hệ thứ 7. Dây chuyền của nhà máy này được cung cấp từ các nhà sản xuất thiết bị nổi tiếng của châu Âu, Nhật Bản.

Việt Nam vẫn còn cơ hội phát triển ngành công nghiệp ôtô

Việt Nam vẫn còn cơ hội sản xuất, xuất khẩu ôtô

Trong bối cảnh các DN chuyển dần sang nhập khẩu xe hơi trong khối ASEAN thì Chủ tịch THACO – ông Trần Bá Dương khẳng định, Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển mạnh ngành công nghiệp này. Hy vọng cuối cùng và duy nhất của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam không phải là một số liên doanh sản xuất lâu đời mà sẽ dựa vào những đối tác hoàn toàn mới chưa có nhà máy lớn trong khu vực ASEAN.

Trước đây việc phát triển công nghiệp ôtô dựa quá nhiều vào DN liên doanh nhưng ngày nay phải xem lại vì đã có nhiều đơn vị chuyển sang nhập khẩu xe từ khu vực ASEAN nơi họ đã có thế mạnh sản xuất sẵn có. Mặc dù trong ASEAN, Việt Nam là thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân, ôtô chưa phổ cập nhưng các DN đã có nhà máy lớn trong khu vực sẽ không đầu tư mạnh đặc biệt là khi thuế suất về 0% trong khi đây lại là sức hút lớn đối với những hãng xe chưa có nhà máy trong khu vực.

Việc chiếm thị trường gần trăm triệu dân có nhiều tiềm năng sẽ dễ dàng hơn so với việc tham gia thị trường đã có những thương hiệu gắn bó lâu đời. Nếu có được chỗ đứng tại Việt Nam các DN này hoàn toàn có thể xuất khẩu sang các nước trong khu vực để chiếm thị trường nhờ ưu đãi thuế. Đây là xu hướng tất yếu bởi tại Thái Lan, Malaysia hay Indonesia các thương hiệu xe hơi truyền thống của Nhật Bản vẫn đang chiếm phần lớn thị phần khiến nhiều nhà sản xuất mới gia nhập lao đao. Vào năm ngoái Ford đã phải tuyên bố từ bỏ thị trường Indonesia vì doanh số quá thấp dù đạt được không ít thành công tại Thái Lan, Philippines hay Việt Nam.

Nhận định của ông Trần Bá Dương là hoàn toàn có cơ sở trong bối cảnh cột mốc 2018 đang cận kề, việc hội nhập, cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong khu vực là yếu tố bắt buộc. Trong khi đó, công nghiệp ôtô nước nhà vẫn bị đánh giá là quá non trẻ, chưa bài bản, quy mô như nước bạn. Các liên doanh sản xuất ôtô có mặt tại Việt Nam như Toyota, Honda, Mitsubishi, Suzuki đều đã có nhà máy lớn trong khu vực và đang có xu hướng chuyển dần sang nhập khẩu thay vì lắp ráp trong nước. Điều này có thể đẩy công nghiệp ôtô Việt Nam vào nguy cơ “vỡ trận” chí ít là khó tăng trưởng về mặt quy mô.

Trong số những nhà sản xuất ôtô tại Việt Nam, THACO và Thành Công là hai cái tên sáng giá nhất có thể giúp vực dậy ngành công nghiệp ôtô. Bởi Thành Công với thương hiệu Hyundai, THACO với KIA, Mazda hay sắp tới là BMW đều chưa có nhà máy thực sự quy mô trong khu vực ASEAN. Điều này được xem là thiệt thòi lớn khi thuế xuất nhập khẩu xe trong khu vực về 0% đi kèm nhiều ưu đãi khác từ năm 2018.

Việc sản xuất trong nước tối ưu giá thành có thể giúp các thương hiệu này có được chỗ đứng vững chắc để chinh phục thị trường khi quy mô doanh số ngày một mở rộng đồng thời làm bàn đạp tấn công các nước trong khu vực với ưu đãi đáng kể từ thuế, phí vận chuyển… Đó cũng là nguyên nhân chính khiến cả THACO lẫn Thành Công đều chọn hướng đi ngược lại so với nhiều thành viên khác trong khối VAMA.

Việc phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước hứa hẹn tạo tiền đề để giảm nhập siêu đồng thời kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp liên quan… Tất nhiên, để làm được điều này rất cần những chính sách liên quan ổn định mang tính lâu dài để DN yên tâm đầu tư.

Tổng hợp TNO, TTO

Exit mobile version