Thị trường cạnh tranh khắc nghiệt, chính sách “bủa vây”, doanh số xe bán tải sụt giảm

Thị trường cạnh tranh khắc nghiệt hay sự bấp bênh trong chính sách đã đẩy dòng xe này lún sâu vào sự suy giảm nhanh hơn tại Việt Nam?

Tình hình tiêu thụ xe bán tải pickup tại Việt Nam tiếp tục giảm mạnh dù đây là dòng xe đang hưởng mức thuế phí và có nhiều điều kiện phù hợp với đường sá Việt Nam. Về lượng tiêu thụ, tính chung, tám tháng năm 2018, lượng tiêu thụ dòng xe này tại Việt Nam chỉ đạt hơn 7.600 chiếc, thấp hơn nhiều so với mức tiêu thụ cùng kỳ năm ngoái (hơn 15.700 chiếc).

doanh-so-xe-ban-tai-sut-giam-Tin-051018-2.jpg-1

Một trong những nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ xe bán tải giảm trong năm 2018 là do thị trường có nhiều mẫu xe, dòng xe mới ra mắt như CRV, HRV, Jazz của Honda, Toyota Rush… với thiết kế bắt mắt, đa dụng và sở hữu mức giá cạnh tranh với dòng xe bán tải tại thành phố, thị xã.

Điểm yếu lớn nhất của xe bán tải hiện nay là mức giá bán không giảm. Các dòng xe bán tải đều có mức giá trên 500 triệu đồng, mẫu ăn khách như Ford Ranger bản thấp nhất cũng trên 570 triệu đồng, thuế phí thêm khoảng 60 triệu đồng, giá lăn bánh dao động từ 650 đến 700 triệu đồng/chiếc dành phiên bản rẻ nhất.

Trong khi đó, mẫu Triton của Mitsubishi hiện có giá rẻ nhất đời 2018 cũng trên 550 triệu đồng. Mức giá này khiến dòng bán tải cạnh tranh với các mẫu xe đa dụng đô thị khác trên thị trường như Ford EcoSport hay Hyundai Kona.

Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách “bủa vây” quanh dòng xe bán tải. Theo tính toán của các đại lý kinh doanh xe, có ba chính sách ảnh hưởng cực lớn đến doanh số bán dòng xe bán tải là Nghị định 116, đề xuất tăng thuế TTĐB, tăng phí trước bạ.

Đầu tháng 9-2018 Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ.

Bộ này dự tính sửa lệ phí trước bạ của xe bán tải, van (chở người hai chỗ ngồi) đăng ký lần đầu tăng bằng 60% của lệ phí xe con dưới chín chỗ ngồi trở xuống (hiện vào khoảng 10% đối với 62 tỉnh và 12% với Hà Nội).

Như vậy, với đề xuất trên, mức phí trước bạ đối với xe bán tải đăng ký lần đầu trên địa bàn 62 tỉnh sẽ vào khoảng 6% và 7,25% đối với Hà Nội. Hiện các dòng xe bán tải đều được hưởng mức phí trước bạ ưu đãi 2%, nếu trường hợp mức phí trước bạ tăng cao hơn, giá của dòng xe bán tải đều tăng lên.

Không chỉ điều chỉnh về thuế trước bạ, giữa năm 2017, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đều có đề xuất tăng thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn đối với dòng pickup để bảo vệ sản xuất ôtô trong nước.

Các dòng xe bán tải đều được nhập khẩu với thuế suất 5%, thuế tiêu thụ đặc biệt phiên bản dung tích 2.5L là 15%, dung tích trên 3.0L là hơn 25%.

Theo đề xuất của Bộ Công thương, năm 2019 trở đi cần điều chỉnh thuế nhập khẩu lên 30% theo đúng với thuế các dòng xe chở người chín chỗ ngồi trở xuống.

Bên cạnh đó, thuế TTĐB cũng cần thay đổi theo dung tích xilanh như các dòng xe dưới chín chỗ ngồi trở xuống với mức thuế áp trên 45% đến 60% đối với hầu hết các dòng bán tải. Với đề xuất trên, theo tính toán các dòng xe bán tải có thể tăng từ 200 đến 400 triệu đồng/chiếc so với thời điểm hiện nay.

Trên thực tế, tại Việt Nam, xe bán tải thời gian qua được thừa hưởng ưu đãi lớn về thuế và khi chịu sức ép điều chỉnh thì tăng thêm nhiều bất lợi về giá so với các dòng xe khác. Chính điều này khiến cho việc đại lý e dè nhập thêm xe về bán ra thị trường, nhất là từ thời điểm đầu năm 2018, khi Nghị định 116 chính thức có Thông tư hướng dẫn thực hiện.

Exit mobile version