Thị trường ôtô nhập khẩu: Vẫn còn nhiều rào cản để bứt phá

Trung tuần tháng 5, Triển lãm ôtô quốc tế Việt Nam (VIMS) lần thứ 3 đã tổ chức họp báo trong bối cảnh thị trường ôtô nhập khẩu đang có nhiều biến động trong những tháng đầu năm và được dự đoán sẽ tiếp tục còn nhiều sóng lớn trong thời gian tới. Để đối phó với khuynh hướng trì hoãn đợi chờ của người tiêu dùng khi cột mốc thuế nhập khẩu còn 0% đang đến rất gần, các thương hiệu vẫn đang trong cuộc đua giảm giá rất quyết liệt trên thị trường. Dẫu biết rằng khả năng thuyết phục người tiêu dùng sắm xe trong thời điểm này không dễ chút nào nhưng nỗ lực kích cầu bằng giảm giá sâu là một tín hiệu tích cực từ các thương hiệu và VIMS 2017 có thể là sự kiện đầu tiên đánh dấu sự khởi đầu cho một thời kỳ phát triển mới của dòng xe nhập khẩu tại thị trường Việt Nam.

Thi-truong-oto-nhap-khau-XH-708-2017

VIMS 2017 – Sự kiện đáng quan tâm của dòng xe nhập khẩu

Đến hẹn lại lên, Triển lãm ôtô quốc tế (VIMS) 2017 vừa được họp báo công bố chương trình hoạt động sẽ được diễn ra từ ngày 25 đến ngày 29-10-2017 vẫn tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn. Việc công bố tiếp tục trình diễn VIMS được xem như một sự kiện quan trọng đánh dấu bước khởi đầu cho những thay đổi lớn dành cho dòng xe nhập khẩu tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới trong bối cảnh đang có rất nhiều biến động liên quan đến dòng xe này hiện nay. Với sự thành công của VIMS 2016, các nhà tổ chức đang kỳ vọng VIMS 2017 sẽ có ấn tượng hơn với sự hiện diện của nhiều hơn nữa những mẫu xe mới và đa dạng từ các thương hiệu nổi tiếng cùng với hàng loạt những trải nghiệm mới lạ dành cho khách tham quan. Mặc dù hiện chỉ mới có bảy thương hiệu xác nhận sẽ tham gia gồm Audi, Jaguar, Land Rover, Maserati, Mercedes-Benz, Subaru và Volkswagen nhưng ban tổ chức cũng dự kiến sẽ có thêm nhiều thương hiệu khác đăng ký trong thời gian tới cùng với rất nhiều sự có mặt của các thương hiệu phụ tùng, phụ kiện, các dịch vụ tài chính và bảo hiểm tại triển lãm năm nay. Có thể nói, VIMS 2017 hứa hẹn sẽ đem lại nhiều cảm xúc và thông tin hữu ích cho người tiêu dùng trong bối cảnh thị trường xe nhập khẩu Việt Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới đầy bất ngờ.

Cuộc đua giảm giá vẫn đang rất quyết liệt

Doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 4-2017 do VAMA công bố đã cho thấy số lượng bán hàng của dòng xe nhập khẩu đã giảm đến 35% so với tháng trước đó đồng thời theo số liệu từ cục hải quan thì lượng nhập khẩu của dòng xe du lịch dưới chín chỗ ngồi trong tháng này cũng đã có sự sụt giảm mạnh nhất kể từ trong vòng một năm qua với chỉ 6.962 xe được doanh nghiệp nhập về giảm 37,8% so với tháng 3. Trong khi giảm lượng nhập về, các thương hiệu cũng liên tục tung ra các đợt giảm giá xe trên thị trường nhằm giải phóng một lượng hàng tồn kho nhất định. Chỉ trong bốn tháng đầu năm đã có hơn ba đợt giảm giá được các thương hiệu tung ra với những mức giảm giá được xem là ngày càng hấp dẫn hơn không chỉ với xe lắp ráp nội địa mà còn cả với nhiều dòng xe nhập khẩu trong đó có cả những mẫu xe không đến từ ASEAN. Như vậy, không chỉ với người tiêu dùng, chính các thương hiệu dường như cũng đang tỏ ra khá dè dặt đối với thị trường trong thời điểm nhạy cảm này. Một mặt họ đang nỗ lực giải phóng lượng xe còn tồn kho để chuẩn bị đón làn gió mới, mặt khác cũng bắt đầu tiết giảm số lượng nhập về nhằm chờ đợi những thay đổi bất ngờ của thị trường.

Dẫn đầu doanh số thị trường về xe du lịch nhưng Toyota vốn hiếm khi đưa ra những chương trình giảm giá sâu và đại trà cũng tham gia vào cuộc đua giảm giá khi ngay từ đầu năm 2017 hãng xe Nhật này đã thay đổi các mức giá bán cho nhiều mẫu xe của mình chủ yếu tập trung vào những mẫu xe hãng đang lắp ráp tại Việt Nam như Altis, Vios, Innova, Camry… chỉ có mẫu SUV đang nắm ngôi vương trên phân khúc hiện nay là Fortuner là vẫn giữ nguyên mức giá công bố. Kể cả thương hiệu hạng sang của Toyota là Lexus, sau tháng 3 với doanh số có chiều hướng giảm sút đã được kích cầu bằng mức giảm khủng lên đến 210 triệu đồng. Tương tự, đồng hương Honda cũng không kém cạnh khi giảm giá hầu hết các mẫu xe đang phân phối trên thị trường với mức giảm cao nhất cũng lên đến 110 triệu đồng chưa kể Honda còn kèm theo những chương trình quà tặng là những bộ phụ kiện có giá trị khác. Một thương hiệu Nhật khác là Nissan cũng gây sốc với mức giảm giá tới 125 triệu đồng cho mẫu xe đang ăn khách là X-Trail trong khi các mẫu xe khác cũng được hạ giá vài chục triệu đi kèm với những bộ quà tặng phụ kiện khác. Không đứng ngoài lề, hãng xe xếp vị trí thứ ba về doanh số Ford trong tháng 5 cũng đã nhanh chóng gây ấn tượng với mức giảm giá cao nhất lên đến 134 triệu đồng dành cho mẫu SUV Everest nhằm cạnh tranh lại với Toyota Fortuner vốn đang làm mưa gió trên phân khúc. Không chỉ với Everest, hãng xe Mỹ cũng đồng loạt giảm giá các mẫu xe khác với mức giảm không thua sút từ 25 triệu đến 89 triệu đồng tùy theo phiên bản.

dav

Cùng chung cuộc đua giảm giá còn có Hyundai với mức giảm 70 triệu đồng dành cho khách hàng mua xe SataFe và 50 triệu đồng cho mẫu sedan hạng C Elantra trong khi mặc dù không công bố chính thức nhưng Chevrolet vẫn tung ra các mức giá giảm dành cho các đại lý mà điển hình là mức giảm lên đến 60 triệu đồng dành cho mẫu pick-up Colorado giúp mẫu xe này đạt được mức doanh số cao chỉ sau Ranger trong tháng 4 vừa qua. Cuộc đua giảm giá chỉ chủ yếu diễn ra trên phân khúc xe phổ thông không phân biệt xe nhập khẩu hay lắp ráp trong nước. Đây có thể được xem là hệ quả của nhu cầu giải phóng một số lượng hàng tồn kho cộng với việc thuế nhập khẩu giảm 10% và thuế tiêu thụ đặc biệt giảm mạnh trên các dòng xe dung tích dưới 2.0 giúp các thương hiệu có thể tung ra những chương trình giảm giá ấn tượng trong năm 2017. Tuy nhiên, thị trường xe nhập khẩu dành cho năm 2018 sẽ vẫn là một bức tranh bí ẩn khi diễn biến về thuế, phí và các chế tài tác động khác có nhiều khả năng tạo bất ngờ chưa thể tiên đoán được.

Liệu giá xe có như mơ trong năm 2018 khi…?

Theo quy luật thị trường, xe nhập khẩu dự đoán sẽ có một cuộc lấn át mạnh mẽ đối với dòng xe lắp ráp nội địa trong năm 2018 khi thuế nhập khẩu về 0%. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn một chút thì dường như viễn cảnh cũng không dễ dàng bởi rất nhiều rào cản đang hiện hữu. Thứ nhất, thuế nhập khẩu 0% chỉ dành cho những mẫu xe nhập khẩu từ các nước thuộc ASEAN đi kèm với tỷ lệ nội địa hóa phải đạt 40% trở lên và số lượng mẫu xe nhập khẩu hiện nay trên thị trường đáp ứng được những yêu cầu này không nhiều. Thứ hai, mức thuế này không chỉ dành cho xe nhập khẩu nguyên chiếc mà còn dành cho cả phụ tùng nhập khẩu nên dòng xe lắp ráp trong nước vẫn có lợi thế cạnh tranh về giá.

Bên cạnh đó, mặc dù cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thức về việc cấp quản lý sẽ tăng các mức phí đối với xe nhập khẩu để bù lỗ cho khoản mất đi từ thuế nhập khẩu nhưng nguy cơ xe nhập khẩu sẽ phải chịu thêm phí là có khả năng xảy ra. Mặt khác, sau khi loại bỏ Thông tư 20, thị trường xe nhập khẩu Việt Nam hiện lại đang nổi sóng với sự xuất hiện của những đề xuất yêu cầu nhà nhập khẩu phải có cơ sở vật chất đáp ứng bảo hành, bảo dưỡng xe và cam kết thu hồi từ nhà sản xuất vốn là những yếu tố khó có thể đáp ứng đối với những nhà nhập khẩu không chính hãng. Một tác động không hề nhẹ cho thị trường xe nhập khẩu nếu được thông qua khi số lượng xe nhập về cùng với quyết định giá bán thuộc sở hữu của một số lượng giới hạn những đơn vị nhập khẩu chính hãng. Và trên hết, việc chính phủ vẫn tỏ ra rất quyết liệt trong nỗ lực phát triển nền công nghiệp ôtô nước nhà cùng với thực trạng nan giải về việc đáp ứng hạ tầng giao thông tại các thành phố lớn hiện nay có thể sẽ đưa đến viễn cảnh giá xe nhập khẩu sẽ không có nhiều thay đổi so với hiện nay, hoặc sự sụt giảm sẽ chỉ mang tính ước lượng không như mơ ước. Tất cả vẫn phải chờ ở phía trước.

 

Exit mobile version