Thị trường ôtô Việt Nam 2018: Có tạo được sự bùng nổ như kỳ vọng?

Kết thúc tháng 11, doanh số bán hàng toàn thị trường chỉ đạt con số tăng trưởng khá khiêm tốn là 4% so với năm 2017 với 253.956 xe. Con số không như kỳ vọng khi nhu cầu chờ đợi sự bùng nổ trong năm 2018 vì mức thuế nhập khẩu xe trong khu vực đã trở về 0%.

Hầu hết các thương hiệu đều đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, trừ một vài thương hiệu xe nhập khẩu bị sụt giảm doanh số do không có nguồn cung kịp thời vì vướng nghị định 116 trong hơn nửa đầu năm nay.

Doanh số tháng 11 của thị trường đạt 30.540 xe khi là một trong hai tháng chủ lực của mùa cao điểm cuối năm với mức tăng trưởng lên đến 23% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng nếu xét tình hình thị trường thì con số này không tạo được sự bùng nổ như kỳ vọng khi nhu cầu của người mua đã bị kìm hãm trong suốt năm 2017 và nửa năm đầu 2018 vì nhiều tác động khác nhau.

Xe nhập khẩu giảm – thời cơ xe lắp ráp

Khi tổng doanh số của cả 11 tháng cũng chỉ tăng vỏn vẹn 4% so với năm cũ thì dự báo doanh số tháng cuối cùng của năm cũng khó tạo được kỳ tích. Sự hồi phục nguồn cung của dòng xe nhập khẩu có được từ quý III chỉ giúp cho doanh số của thị trường thoát cảnh đìu hiu kéo dài hơn nửa năm trước đó.

Tháng 11, doanh số của dòng xe nhập đạt 11.512 xe tăng 2% so với tháng 10 và chiếm gần 38% thị phần trong khi tỷ lệ này chỉ đạt trên dưới 20% ở những tháng trước. Điều này thể hiện rõ nhất khi doanh số tổng 11 tháng của dòng xe này của năm 2018 chỉ đạt 60.269 chiếc giảm đến 14% so với năm 2017 và chỉ chiếm thị phần ở mức chỉ gần 24%.

Thị trường ôtô Việt Nam 2018 2

Hoàn cảnh khó khăn của dòng xe nhập khẩu cũng giúp cho dòng xe lắp ráp nội địa nâng cao tỷ lệ chiếm thị phần khi liên tục đạt tỷ lệ tăng trưởng cao trong từng tháng, trong tháng 11 dòng xe này đạt con số bán hàng lên đến 19.028 chiếc tăng 8% so với tháng trước, đưa tổng doanh số 11 tháng của năm lên con số 193.688 xe tăng 11% so với năm 2017.

Tuy nhiên tỷ lệ tăng trưởng của dòng xe lắp ráp trong nước trong năm 2018 vẫn chưa đủ mạnh để chi phối thị trường khi đa số người tiêu dùng vẫn trông chờ dòng xe nhập khẩu vốn bị vướng quá nhiều rào cản trong thời gian vừa qua.

Mặc dù có nhiều sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường đến từ Hyundai hay Thaco, nhưng Toyota vẫn là tên tuổi nắm giữ thị phần xe du lịch cao nhất trong tháng 11 với 7.430 xe chiếm 25,3% thị phần, Thaco giữ 23,1% với ba thương hiệu Mazda (3.706 chiếc chiếm tỷ lệ 12,6%), Kia (2.660 xe chiếm tỷ lệ 9,1%) và Peugeot (406 xe giữ tỷ lệ 1,4%). Mặc dù không được thống kê trong báo cáo VAMA nhưng với doanh số đạt 6.373 xe trong tháng 11, Hyundai được xếp vị trí thứ 3 trong top.

Thương hiệu xe Mỹ – Ford vẫn duy trì thị phần ổn định với tỷ lệ chiếm giữ 11,1% khi bán được 3.466 chiếc trong khi Honda với sự xuất hiện của nhiều mẫu xe mới hấp dẫn giữ vị trí thứ 5 với doanh số 2.940 xe đạt 10% thị phần. Tuy nhiên dựa trên con số của tổng doanh thu 11 tháng của năm 2018 thì vị trí trên thị trường xe du lịch có sự thay đổi đáng kể khi Thaco vượt lên dẫn đầu với 59.865 xe, Toyota xếp thứ 2 với 56.864 xe cao hơn Hyundai với 49.920 chiếc. Chiến lược bán hàng thành công cũng giúp cho Honda có doanh số 11 tháng đạt 23.994 xe cao hơn Ford chỉ đạt 20.667 chiếc.

Gam màu còn xám

Mặc dù không đạt được sự bùng nổ như kỳ vọng về doanh số nhưng hầu hết các thương hiệu xe tham gia thị trường đều đạt được sự tăng trưởng về bán hàng so với năm 2017, trong đó nổi bật là thương hiệu xe Peugeot khi đạt mức tăng lên đến 1.491%, Honda tăng 109%, Mitsubishi và Suzuki tăng 40% trong khi Mazda và Kia tăng 30%, cao hơn rất nhiều so với con số chỉ 7% dành cho Toyota. Tuy nhiên, vẫn có những sự sụt giảm mạnh ở nhiều thương hiệu khác đặc biệt là trên phân khúc xe sang và xe nhập khẩu.

Sau một năm 2017 thành công vang dội về doanh số cũng như duy trì sự tỏa sáng ở quý đầu của năm 2018 với sự góp sức của mẫu bán tải Ford Ranger, thương hiệu Ford kết thúc 11 tháng của năm với con số bán hàng khá thất vọng khi chỉ đạt 20.667 xe giảm 21% so với cùng kỳ năm 2017 do mẫu xe chủ lực bị tắc đường nhập về vì vướng quy định.

Tương tự, thương hiệu xe sang Mercedes-Benz cũng chịu chung mức giảm doanh số 12% so với 11 tháng của năm 2017 khi chỉ bán được 5.504 xe, trong khi Lexus nhận gam màu xám hơn rất nhiều khi chỉ bán được 107 chiếc trong 11 tháng với mức giảm lên đến 52%.

Thị trường ôtô Việt Nam đã bước vào tháng quan trọng của mùa cao điểm cuối năm, lượng xe nhập khẩu vẫn chưa có nhiều đột biến, có thể tạo điều kiện cho dòng xe lắp ráp nội địa làm nên những cuộc đột phá mới khi người tiêu dùng không thể chờ đợi xe nhập khẩu. Tuy nhiên, cũng chưa chắc chắn điều gì có thể diễn ra khi nhu cầu người mua còn rất lớn, nhưng giá xe vẫn ở mức cao cùng với xu hướng thích chọn xe nhập khẩu vẫn còn rất mạnh mẽ ở người dùng Việt Nam.

Exit mobile version