Thị trường ôtô Việt Nam: Sẵn sàng cho cuộc đua cân sức

Tin về lô xe Honda nhập khẩu đầu tiên về Việt Nam được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% cho thấy một cơn sóng xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN sẽ hiện diện trong vài tháng tới. Sự quan tâm hiện tại của giới tiêu dùng là liệu dòng xe nào sẽ chiếm ưu thế hơn, xe sản xuất, lắp ráp trong nước hay xe nhập khẩu. Liệu sẽ xuất hiện một trật tự mới trên thị trường ôtô Việt Nam khi có hơn 20 mẫu xe nhập khẩu từ các nước láng giềng trong khối ASEAN đang sẵn sàng tràn về với sự hiện diện của nhiều mẫu xe mới trên các phân khúc thị trường quan trọng?

Thị trường ôtô Việt Nam: Sẵn sàng cho cuộc đua cân sức

Cơ hội cho xe sản xuất, lắp ráp nội địa

Theo số liệu thống kê gần nhất của VAMA, doanh số bán hàng trong tháng 2 hoàn toàn thuộc về dòng xe lắp ráp trong nước với 10.680 chiếc trong tổng số 12.394 xe trên toàn thị trường. Mặc dù có doanh số áp đảo trong tháng nhưng dòng xe lắp ráp trong nước vẫn bị sụt giảm gần một nửa so với tháng trước, còn tỷ lệ giảm ở dòng xe nhập khẩu lên đến 68%. Trong danh sách mười mẫu xe dẫn đầu về doanh số của tháng 2, có thể thấy ba mẫu xe lắp ráp trong nước đang dẫn đầu là Toyota Vios, Mazda CX-5 và Toyota Innova. Trên thực tế, dòng xe lắp ráp trong nước vẫn thỏa mãn được thị hiếu người tiêu dùng trên nhiều phân khúc quan trọng, điển hình là trên phân khúc hatchback hạng A và sedan hạng B. Sự xuất hiện của Toyota Wigo và Suzuki Celerio tại sự kiện Vietnam Motor Show 2017 có thể đã tạo nên sự phấn khích cho giới tiêu dùng khi phân khúc này đang hoàn toàn bị thống trị về thị phần bởi hai mẫu xe lắp ráp nội địa là Kia Morning và Hyundai i10 trong nhiều năm qua. Trong khi Toyota Wigo đang chờ được đưa về Việt Nam thì Suzuki Celerio đã gia nhập thị trường từ cuối năm 2017 với giá bán chỉ 359 triệu đồng và chắc chắn sẽ có mức giá hấp dẫn hơn nữa khi được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% trong thời gian tới.

Được chủ động về kế hoạch sản xuất cũng như thời gian đưa sản phẩm ra thị trường và có sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua việc cắt giảm thuế nhập khẩu linh kiện lắp ráp, dòng xe lắp ráp nội địa hiện đang có lợi thế và nâng thêm được sức cạnh tranh. Thành công của hai mẫu xe lắp ráp trong nước là Toyota Vios và Honda City về mặt thị phần là nhờ cả từ giá trị thương hiệu lẫn nhiều yếu tố khác về giá cả, chất lượng, kiểu dáng, kích thước, mức tiêu thụ nhiên liệu, sức bền… so với những đối thủ nhập khẩu như Suzuki Ciaz hay Mitsubishi Attrage.

Xe nhập khẩu nỗ lực vượt rào để về đích

Cho dù dòng xe lắp ráp trong nước được đánh giá là đạt được nhiều thành quả vượt bậc trong vài năm gần đây nhưng số lượng mẫu xe lắp ráp nội địa vẫn còn khá khiêm tốn so với ôtô nhập khẩu. Gần như chiếm lĩnh được phân khúc hạng sang, xe nhập khẩu cũng lấn át xe lắp ráp trong nước ở nhiều phân khúc phổ thông có doanh số cao như bán tải, SUV hay MPV. Hiện tại, toàn bộ các mẫu xe bán tải đang có mặt trên thị trường Việt Nam đều thuộc dòng xe nhập khẩu, mà đa phần từ Thái Lan. Với mức giảm từ 5% xuống 0% của thuế nhập khẩu, dù được đánh giá sẽ không có biến động mạnh về giá bán như nhiều phân khúc khác nhưng cuộc cạnh tranh giữa Ford Ranger, Toyota Hilux, Mitsubishi Triton, Chevrolet Colorado hay Nissan NP300 Navara hẳn sẽ kịch tính hơn khi các thương hiệu bắt đầu tập trung sự quan tâm nhiều hơn cho phân khúc thị trường đang rất màu mỡ này. Tương tự, phân khúc xe SUV bảy chỗ ngồi hiện cũng chỉ là cuộc đua nội bộ giữa các mẫu xe nhập khẩu như Toyota Fortuner, Ford Everest, Isuzu mu-X, Mitsubishi Pajero Sport và tân binh Chevrolet Trailblazer. Sự ách tắc trong nhập khẩu đã khiến cho đường cung của phân khúc này trở nên khan hiếm trầm trọng trong nhiều tháng qua. Không còn xe để bán, doanh số bán hàng của những mẫu xe bán chạy như Toyota Fortuner hay Ford Everest chỉ còn ở hàng chục trong tháng 2 và vẫn sẽ ít ỏi trong vài tháng nữa.

Trong khi các nhà nhập khẩu đang nỗ lực đáp ứng mọi thủ tục để vượt rào cản, đưa xe về thị trường trong thời gian ngắn nhất thì doanh số của xe lắp ráp trong nước vẫn chưa thể hiện khả năng nắm bắt được cơ hội làm thay đổi tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng. Vì thế, những mẫu xe ăn khách như Toyota Fortuner, Ford Ranger, Honda CR-V cùng với những tân binh đầy triển vọng như Toyota Wigo, Honda Jazz, Chevrolet Trailblazer… khi vượt qua được rào sẽ tạo nên sóng lớn cho thị trường cũng như tăng thêm áp lực cho dòng xe lắp ráp nội địa.

Mặc dù vậy, khó có thể đưa ra phán đoán chính xác dòng nào, xe nhập khẩu hay xe lắp ráp trong nước sẽ chiếm ưu thế trên thị trường trong thời gian tới. Sự kiện xây dựng thêm nhà máy sản xuất ôtô của Tập đoàn Thaco, những mẫu xe mang thương hiệu Việt VinFast được cho là sắp chính thức hiện diện trên thị trường và sự quay trở lại lắp ráp xe tại Việt Nam của các thương hiệu lớn… là những tín hiệu cho thấy dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn có nhiều cơ hội trong cuộc đua với xe nhập khẩu trong thời gian tới. Sự cạnh tranh cần thiết và công bằng có thể là một cú hích quan trọng để thị trường ôtô nói chung, ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước nói riêng đạt đến sự tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định hơn trong những năm tiếp theo.

Exit mobile version