Thị trường ôtô Việt Nam: Tiến thoái lưỡng nan

Năm 2017 vừa khép lại với quá nhiều biến động dành cho thị trường ôtô Việt Nam, đặc biệt là về giá xe. Đến tận những ngày cuối cùng của năm, cả giới kinh doanh lẫn người tiêu dùng vẫn có cảm giác náo loạn bởi nhu cầu đã bắt đầu tăng tốc thì khả năng cung ứng lại bị mắc kẹt bởi quy định mới. Có thể nói chưa bao giờ thị trường lại trong trạng thái căng thẳng đến vậy. Sau nhiều tháng nắm vị thế quyết định, nay giới tiêu dùng lại đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi có tiền mà chưa chắc đã mua được xe.

Thị trường ôtô Việt Nam: Tiến thoái lưỡng nan

Nếu chọn một cụm từ đặc trưng cho thị trường ôtô Việt Nam năm 2017 thì có lẽ đó là “giảm giá”. Cuộc chạy đua kích cầu bằng giá được khởi động mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu năm 2017 với sự sôi động diễn ra trên phân khúc xe có dung tích trên 3.0L theo lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu từ cam kết WTO cùng hiệp định AFT. Điển hình như Volkswagen tặng 100% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua xe dung tích trên 3.0L hay Lexus gây sốc với mức giảm lên đến 210 triệu đồng cho mẫu LX570.

Từ tháng 2 trở đi, thị trường bắt đầu chứng kiến màn sập domino của giá xe khi hàng loạt chương trình giảm giá được các hãng liên tục tung ra cho tới tận những tháng cuối năm. Giá xe phân khúc phổ thông tại Việt Nam trong năm 2017 được cho là đã ngang bằng với giá bán của nhiều nước trong khu vực, nhưng số liệu thống kê hằng tháng của VAMA cho thấy mức giảm vẫn nhiều hơn tăng. Theo thường lệ, tháng 11 khởi động cho mùa cao điểm bán hàng, thế mà doanh số của toàn thị trường chỉ đạt 24.752 xe, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Với ước tính tổng số xe bán ra trong 11 tháng đạt gần 245 ngàn chiếc thì doanh số cả năm 2017 có khả năng giảm 10% so với năm trước.

Đi cùng với mức giảm mạnh về doanh số, sự thay đổi bất ngờ từ các chính sách quản lý cũng là một yếu tố quan trọng đưa thị trường vào trạng thái bất thường. Ngay từ tháng 8, các nhà nhập khẩu đã phải nỗ lực giảm giá để mong đạt được mục tiêu doanh số cả năm, thậm chí phải giảm giá kịch sàn, chấp nhận chịu lỗ. Thế nhưng, sự xuất hiện của Nghị định 116/2017/NĐ-CP trong tháng cuối cùng của năm đã làm đảo lộn mọi kế hoạch. Những quy định siết chặt hơn làm cho dòng xe nhập khẩu bị kẹt lại, không thể tạo nên sự bùng nổ vào đầu năm 2018 như dự đoán (nguyên nhân là lượng xe cũ đã bán hết sau nhiều đợt giảm giá mà xe mới thì chưa về được vì vướng quy định). Dòng xe lắp ráp nội địa có cơ hội đảo ngược vị thế bằng cách công bố giá bán trong năm 2018.

Nắm bắt tâm lý lo sợ mất tiền vì giá xe giảm liên tục cùng với ưu đãi có được từ Nghị định 125 trước đó, ngay từ tháng 11, các thương hiệu xe sản xuất trong nước đã chủ động công bố giá bán chính thức trong năm 2018 nhằm phá vỡ tâm lý chờ đợi của khách hàng. Đi đầu, Toyota Việt Nam đã công bố các mức giá bán trong năm 2018 mà nổi bật là sự giảm giá kể cả đối với mẫu xe bán chạy nhất là Toyota Vios, kế đó là Toyota Innova và Toyota Corolla. Tiếp bước Toyota, Hyundai Thành Công cũng đưa ra giá bán lẻ chiếc best-seller Hyundai i10 trong năm 2018 với mức giảm từ 20 đến 40 triệu đồng so với thời điểm mẫu này được tung ra thị trường. Chỉ sau đó một ngày, Thaco cũng giới thiệu bảng giá áp dụng cho hai tháng cuối năm 2017 và cả năm 2018 đối với hầu hết các dòng xe mang thương hiệu Kia và Mazda với khung giảm giá từ 5 đến 25 triệu đồng tùy mẫu xe và phiên bản.

Động thái này cho thấy với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nghị định 125/2017/NĐ-CP, các nhà sản xuất, lắp ráp nội địa đã vượt lên các nhà nhập khẩu trên đường đua giảm giá. Giả như không có chính sách mới liên quan đến việc nới lỏng quy định siết chặt đối với xe nhập khẩu thì xe lắp ráp nội địa đã trở thành lựa chọn hợp lý và an toàn nhất cho người tiêu dùng. Hậu quả là lượng xe nhập khẩu trong những tháng cuối năm 2017 đã bị sụt giảm mạnh, trừ sự hồi phục tất yếu trong tháng 12 vì các doanh nghiệp phải hoàn tất các đơn hàng đã đặt trước đó trong năm.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng ôtô nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 12 ước đạt 10.000 chiếc, đưa tổng lượng xe nhập về của cả năm 2017 lên khoảng 94 ngàn chiếc với giá trị kim ngạch hơn 2,15 tỉ USD, giảm 16,8% về lượng và 9,6% về giá trị so với năm 2016. Nếu không được cởi trói, chắc chắn sẽ không có nhiều biến động tích cực về lượng xe nhập khẩu trong hai tháng cao điểm trước Tết Nguyên đán, đồng thời doanh số bán hàng của thị trường khó đạt bằng các năm trước, cho dù nhu cầu mua sắm xe hiện đang khá lớn. “Biến đổi khôn lường” là cụm từ thích hợp dành cho bức tranh thị trường những tháng đầu năm 2018 khi hiện đã có rất nhiều khách hàng bị hủy đơn đặt hàng những mẫu xe nhập khẩu cùng với sự làm giá hỗn loạn tại thị trường bên ngoài. Trong khi các nhà nhập khẩu vẫn chưa thuyết phục được cấp quản lý trong việc nới lỏng những quy định tại Nghị định 116, giới tiêu dùng lại tiếp tục nhắc lại “điệp khúc chờ” một cách hoàn toàn bị động.

Nhìn chung, bên cạnh ảnh hưởng của Nghị định 116, áp lực thị trường còn xuất phát từ nhu cầu dồn nén quá lâu của giới tiêu dùng. Thời điểm mua sắm cuối năm đã tới mà tình trạng cung – cầu như vậy ắt tạo nên một trạng thái bất ổn thật sự. Sự bùng nổ doanh số của thị trường trong hai tháng đầu năm 2018 có thể sẽ không như mong đợi khi lượng cung đang gặp vấn đề như hiện nay, nhưng chắc chắn là nhu cầu lớn vẫn còn và với việc giá xe đã được giảm theo thuế suất, thị trường ôtô Việt Nam tất nhiên sẽ có năm 2018 tăng trưởng tốt về doanh số, tạo cơ hội mở rộng hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Exit mobile version