Thị trường xe nhập miễn thuế năm 2018: Chưa thấy giá rẻ như kỳ vọng

2018 là năm đầu tiên Việt Nam hưởng thuế nhập khẩu ôtô 0% từ ASEAN. Tuy nhiên, giá xe nhập không hạ như kỳ vọng, thậm chí một số sản phẩm còn tăng giá để bù đắp khoảng trống kinh doanh thời Nghị định 116.

Giai đoạn càng cận tết, nhu cầu mua sắm ôtô để phục vụ đi lại của người dân càng tăng cao. Thế nhưng, nửa đầu tháng 12, lượng xe lại đột ngột giảm.

“Vượt khó” Nghị định 116

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số “vàng”, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu – những khách hàng tiềm năng lớn của dòng xe cá nhân được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong thời gian từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Dự báo, tăng trưởng tiêu thụ xe của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 22,6%/năm trong giai đoạn 2018 – 2025 và đạt khoảng 18,5%/năm trong giai đoạn 2025-2035.

Thị trường xe nhập miễn thuế năm 2018 5

Tuy nhiên, thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, 11 tháng đầu năm 2018, cả nước nhập 66.283 ôtô nguyên chiếc các loại với tổng kim ngạch gần 1,5 tỉ USD. Mặc dù tình hình nhập khẩu ôtô liên tục tăng trưởng, nhưng hết tháng 11, sản lượng xe nhập khẩu vẫn đang giảm khoảng 20% trong khi kim ngạch giảm 21% so với cùng kỳ 2017. Xét về xuất xứ, hết tháng 11, Thái Lan và Indonesia dẫn đầu về số lượng ô tô nguyên chiếc NK và kim ngạch.

Thái Lan và Indonesia là 2 quốc gia trong Đông Nam Á xuất khẩu ôtô chính sang Việt Nam trong năm 2018. Tính từ đầu năm đến hết tháng 11, lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc về nước đạt 67.283 chiếc. Trong đó, số lượng xe có xuất xứ từ Thái Lan là 47.359 chiếc, còn xe nhập Indonesia là 12.893 chiếc. Ôtô nhập khẩu từ hai nước này chiếm gần 89,6% tổng lượng xe nhập khẩu về Việt Nam.

Không chỉ nhiều về lượng, xe nhập Thái Lan và Indonesia còn đa dạng về chủng loại. Rất nhiều mẫu xe mới lần đầu có mặt tại Việt Nam. Những mẫu khác được nâng cấp. Có xe đổi từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu. Tuy nhiên, giá bán của xe nhập ASEAN về Việt Nam trong năm qua biến động khó lường, từ xe hoàn toàn mới tới facelift.

Xe hoàn toàn mới cạnh tranh giá, xe cũ nâng cấp giá khó lường

Nissan Terra là mẫu SUV bảy chỗ mới nhất được nhập từ Thái Lan. Xe bắt đầu xuất hiện từ tháng 10 tại VMS 2018 nhưng đến ngày 18-12 mới có giá bán chính thức. Hiện nay, lượng xe Terra nhập khẩu còn hạn chế nên vẫn chưa giao khách. Nissan Việt Nam cho biết sẽ giao xe Terra trước tết.

Nằm cùng phân khúc Terra là Trailblazer. Mẫu SUV của Chevrolet có mặt trước từ cuối tháng 5. Từ khi bắt đầu mở bán đến hết tháng 11, đã có 1.647 chiếc Chevrolet Trailblazer bán ra thị trường.

Ở phân khúc xe nhỏ hơn, Toyota mang về các mẫu Rush, Avanza và Wigo. Rush và Avanza đều là xe gầm cao 5+2 chỗ ngồi. Wigo là xe nhỏ hạng A, đấu Kia Morning và Hyundai Grand i10. Loạt xe nhập Indonesia của Toyota gây sốc với mức giá ngang với các đối thủ cùng phân khúc. Tuy vậy, trang bị bị cắt bỏ, nghèo nàn hơn vẫn là điểm trừ và tác động tới tâm lý “giá chưa tương xứng” từ phía khách hàng.

Honda bổ sung hai mẫu xe hạng B, gồm Jazz gầm thấp và HR-V gầm cao. Honda Jazz được định vị cạnh tranh Toyota Yaris với mức giá mềm hơn. Ngược lại, Honda HR-V có giá cao nhất phân khúc khi so với Ford EcoSport và Hyundai Kona.

Mitsubishi năm nay có Xpander là dòng xe 5+2 chỗ như Toyota Rush. Giá xe tuy được coi là rẻ nhưng nguồn cung chưa bao giờ đủ so với nhu cầu khách hàng trong nước.

Phân khúc SUV 7 chỗ thay đổi toàn diện. Các mẫu xe Toyota Fortuner, Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport và Isuzu mu-X đều được nâng cấp hoặc điều chỉnh lại trang bị.

Fortuner năm nay tiêu chuẩn hóa bốn phanh đĩa, cân bằng điện tử và bảy túi khí, đồng thời thêm bản máy dầu 2,8 lít. Đây được đánh giá là cách làm khéo léo của Toyota Việt Nam nhằm tăng giá Fortuner dù được hưởng lợi thuế nhập 0%. Giá xe tăng cao nhất 45 triệu đồng.

Riêng các mẫu SUV khác giảm giá mạnh để đẩy mạnh doanh số bán hàng cuối năm. Everest giảm nhiều nhất 537 triệu đồng, trong khi động cơ, hộp số và công nghệ an toàn đều được nâng cấp. Pajero Sport thêm máy dầu. Bản máy xăng giảm giá 176 triệu đồng. Isuzu mu-X thay động cơ, thêm trang bị, giá tiêu chuẩn giảm 79 triệu đồng. Toyota Fortuner vẫn thống trị hoàn toàn với doanh số trung bình tháng hơn 1.000 xe trong khi các đối thủ đều dưới 400 chiếc.

Ở phân khúc bán tải, Ford Ranger có thay đổi đáng kể nhất. Tương tự mẫu SUV Everest, Ranger thay động cơ, hộp số và thêm công nghệ an toàn hiện đại. Mẫu xe này còn có bản Raptor với cấu hình tối ưu cho off-road. So với năm ngoái, phiên bản Wildtrak có nhiều trang bị mới nhất, giá giảm 7 triệu đồng. Hilux năm nay nâng cấp facelift nhẹ, đưa động cơ 2,8 lít trở lại, tiêu chuẩn hóa trang bị an toàn như Fortuner và tăng giá 22 triệu đồng.

Honda Civic năm nay thêm hai phiên bản. Bản cao cấp nhất duy trì trang bị như năm ngoái, giá không thay đổi. Sau đó, giá xe tăng nhẹ 5 triệu đồng.

Phân khúc B có nhiều mẫu xe được nâng cấp hơn. Suzuki Swift vừa ra mắt đầu tháng 12 với thiết kế, động cơ và hộp số mới. Giá xe giảm 60 triệu đồng. Mazda2 đổi từ lắp ráp sang nhập khẩu với năm phiên bản. Giá xe tăng nhẹ tỷ lệ thuận với trang bị bổ sung. Mẫu hatchback hạng B khác cũng có thay đổi nhỏ là Yaris, giá tăng 8 triệu đồng.

Đà bùng nổ cho năm 2019?

Diễn biến từ đầu năm cho thấy giá xe tại Việt Nam khó có cơ hội rẻ như mong đợi của người tiêu dùng, đặc biệt là những ai ngóng chờ “xe giá rẻ” suốt từ cuối năm 2017. Dù hưởng lợi thuế nhập khẩu 0% nhưng các mẫu xe từ ASEAN lại đang phải cõng thêm nhiều thuế, phí khác để đáp ứng Nghị định 116, các khoản chi phí “bôi trơn”…

Lý giải về lượng xe lại đột ngột giảm vào cuối năm 2018, ông Lưu Mạnh Tưởng –  Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho hay: “Tết đã cận kề, trong khi các tháng trước xe nhập về tăng rất nhiều, cao nhất là tháng 11. Tuy nhiên, xe nhập về nhiều nhưng chưa bán được bởi các doanh nghiệp vẫn vướng mắc trong thủ tục kiểm định chất lượng của Cục Đăng kiểm Việt Nam, mất nhiều thời gian. Vì vậy, các doanh nghiệp đang cân đối lượng hàng để làm xong thủ tục và bán trước Tết cho khách hàng”.

Với việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), nguồn thu ngân sách của Hải quan bị sụt giảm mạnh trong năm 2018. Theo Cục Thuế Xuất nhập khẩu, riêng với Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), dù 11 tháng đầu năm nay lượng nhập ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống tăng nhưng thu thuế lại thấp vì tới 90% lượng nhập khẩu là từ các nước ASEAN, hưởng thuế nhập khẩu 0%. Thuế nhập khẩu giảm nên thuế tiêu thụ đặc biệt đánh trên thuế nhập khẩu cũng giảm.

Nhìn lại những tháng đầu năm 2018, việc Nghị định 116 ra đời đã siết chặt các tiêu chuẩn đối với xe nhập khẩu như về xuất xứ, kiểu loại, mức độ khí thải, an toàn giao thông… Các quy định chặt chẽ này cùng với Thông tư 03 được Bộ Giao thông Vận tải ban hành đã gần như sập cửa đối với các công ty nhập khẩu xe đơn thuần. Cũng do đó, lượng ôtô nhập khẩu trong thời gian này luôn ở tình trạng về nhỏ giọt.

Năm 2019, xe nhập từ ASEAN được dự đoán tiếp tục sôi động khi có thêm hàng loạt mẫu hoàn toàn mới cũng như nâng cấp mẫu sẵn có ở Việt Nam. Với tình hình giá các loại xe này không những không giảm mà với một số mẫu xe, khách hàng còn phải chấp nhận trả thêm tiền để được sở hữu. Chính vì vậy, người Việt đang dần bỏ tâm lý chờ đợi để chọn đúng điểm đích là các mẫu xe hợp với túi tiền và mục đích sử dụng.

Exit mobile version