Theo Quy chuẩn Kỹ thuật mới, nhiều dòng xe bán tải chỉ có thể lưu thông giới hạn theo giờ bắt đầu từ ngày 1/7/2020 tới đây.
Trước kia, theo QC41/2016, xe bán tải (pickup) có kết cấu thùng chở hàng đi liền thân xe, có khối lượng chuyên chở dưới 1.5 tấn và tối đa 5 chỗ ngồi đều được xếp vào hạng xe con.
Nhờ được xếp vào xe con, mức thuế phí thấp, giá rẻ, khả năng vận hành mạnh, ít hao dầu, đủ tiện nghi như sedan, chở đồ tải hàng tốt và không bị cấm lưu thông theo giờ như xe tải khiến cho xe pickup trở thành lựa chọn rất nhiều gia đình, công ty, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo QC41/2019, chỉ những xe bán tải, xe van có khối lượng chuyên chở dưới 950kg mới được xem là xe con. Còn những xe bán tải, xe van có khối lượng chuyên chở trên 950kg sẽ được xem là xe tải kể từ ngày 1/7/2020 và sẽ không còn được lưu hành tự do nữa mà chỉ được vào trong đô thị trong khung giờ theo quy định như xe tải.
Trên thực tế, tại thị trường Việt Nam, quy định này gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng và cả người dùng trong việc phân biệt đâu là xe tải, đâu là xe bán tải. Bởi trong cùng một hãng xe, cùng một sản phẩm, nhưng lại có nhiều phiên bản khác nhau, rất khó phân biệt, đôi khi chỉ khác nhau ở tem xe, hộp số, động cơ còn lại hình dáng kích cỡ gần như tương đương.
Lấy ví dụ dòng Ford Ranger, một trong những dòng bán tải bán chạy nhất nước ta có tới 8 phiên bản khác nhau. Trong đó, phiên bản XLS nhập Thái, sản xuất năm 2015 có khối lượng hàng chuyên chở cho phép là 957kg, nhưng phiên bản 2016 lại có khối lượng chuyên chở cho phép là 827kg, thậm chí bản Ford Ranger XLS 2013 còn có khối lượng chuyên chở cho phép là 991 kg. Như vậy chỉ có phiên bản XLS 2016 mới được lưu hành như trong phố mà không gặp bất kì khó khăn nào.
Quy chuẩn 41/2019 đối với các loại xe van cỡ nhỏ, như KIA Morning, Chevrolet Spark, hay lớn hơn như Hyundai Grand Starex (3 chỗ hoặc 6 chỗ), hầu hết có tải trọng cho phép dưới 950 kg, nên vẫn sẽ được coi là xe con, không bị cấm vào đô thị. Quy định mới này tới đây sẽ trở thành ưu thế bất ngờ đối với các dòng xe tải bé của Suzuki như Carry, Window Van, Blind…
Ở thời điểm hiện tại, người dùng có thể mở sổ đăng kiểm để xác định xe mình được xếp vào loại xe nào bằng cách sau:
Xác định mục “Loại phương tiện”:
- Nếu có chữ “Ô tô tải (Pickup)” thì là xe bán tải (pickup).
- Nếu có chữ “Ô tô tải VAN” thì là xe VAN
Nếu không có hai dòng chữ trên, chắc chắn xe bạn được xếp vào xe tải.
- Tiếp theo tìm mục “Khối lượng hàng CC theo TK/CP TGGT” trên sổ đăng kiểm: Nếu con số thể dưới 950kg, bạn có vui mừng vì có thể lái chiếc xe của bạn trong phố như xe con và không gặp bất cứ trở ngại nào cả.
- Nếu từ 950kg trở lên, xe của bạn được xếp vào dạng xe tải, buộc phải lưu thông theo khung giờ quy định.
Trong khi đó, phân khúc xe tải nhẹ 1,25 tấn, hàng loạt cái tên sẽ không còn được ưu ái như quy chuẩn hiện tại khi chính thức bị cấm vào đô thị (theo giờ), trong số này có JAC (1,29 và 1,49 tấn), Thaco KIA, Hyundai Porter hay VEAM VPT950… Tất cả các dòng xe này sẽ không còn được lưu hành “tự do” như xe con trong các khu đô thị lớn.