Các vụ xịt sơn, vẽ bậy lên xe ôtô, hay dùng vật sắc nhọn cào xước xe,… nhằm mục đích dằn mặt chủ xe ôtô đỗ xe chắn cửa nhà, lối đi của người dân hay các cửa hiệu liên tiếp xảy ra. Vậy trách nhiệm pháp lý của các bên trong những vụ việc này như thế nào?
Mới đây, vụ việc gây tranh cãi trên mạng xã hội xuất phát từ một video clip ghi lại cảnh một người đàn ông lớn tuổi cầm hai chai sơn đỏ liên tục vẩy và đổ vào chiếc xe ôtô màu trắng đang đỗ ở lề đường Tân Phú, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Trong video clip, người đàn ông lớn tuổi chuẩn bị sẵn hai chai sơn đỏ, lần lượt dùng những chai sơn này bôi lên phần đầu xe, gương và kính xe. Sau khi đổ hết, người này ném cả vỏ chai lên thân xe và chửi mắng chủ xe. Điều đáng nói đến là, khi đó chiếc xe ôtô “đen đủi” kia đang đỗ dưới lòng đường, trước một cửa hàng sửa chữa ôtô xe máy có vỉa hè khá rộng.
Trước đó, ngày 17-5, tại khu vực ngõ 49/28 đường Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội), một chiếc ôtô hiệu Ford Ranger đỗ trước ngõ đã bị ai đó dùng sơn xịt hồng lên khắp thân xe. Người này “tặng” kèm theo đó là chữ “Ngu” cùng với nhiều viên gạch lát đường đè lên phần kính trước và nắp capô.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Phạm Xuân Nghĩa (thuộc VPLS Hoàng Huy – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết:
Thứ nhất, đối với bên đỗ xe nếu không vi phạm Luật Giao thông đường bộ về hành vi dừng đỗ xe thì chỉ được coi là gây sự bất tiện cho người khác, cần có ý thức hơn mỗi khi dừng đỗ để tránh gây phiền hà cho người khác.
Nếu vi phạm quy định về dừng đỗ không đúng nơi quy định thì bị xử lý hành chính theo các khoản 2, 3, 4 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Theo đó, người điều khiển xe có thể bị phạt tiền lên đến 1,2 triệu đồng tùy hành vi vi phạm.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Tuyên truyền và Phổ biến pháp luật Cục CSGT (Bộ Công an), cũng cho rằng tùy vào từng tình huống cụ thể mà hành vi đậu xe chắn trước cửa nhà có bị phạt hay không. Nếu luật không cấm, tài xế sẽ không bị phạt.
Thứ hai, đối với hành vi xịt sơn, vẽ bậy, cào xước,… lên xe người khác thì tùy vào mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự, hành chính và phải bồi thường dân sự. Cụ thể như sau:
Nếu thiệt hại chưa đến 2 triệu đồng và không thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy và phòng chống bạo lực gia đình. Theo đó, người này có thể bị phạt tiền lên tới 5 triệu đồng về hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”.
Nếu thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 178 thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản:
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
- Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Có tổ chức;
- Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- Tài sản là bảo vật quốc gia;
- Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
- Để che giấu tội phạm khác;
- Vì lý do công vụ của người bị hại;
- Tái phạm nguy hiểm,
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Những vụ việc người dân tự ý đổ sơn, bôi bẩn, nhằm mục đích dằn mặt chủ xe là do vì bực tức trước những xe ôtô đỗ chắn cửa nhà mình, hoặc đỗ gây cản trở giao thông. Nguyên nhân chính là do tâm lý người dân cho rằng, vỉa hè trước cửa nhà mình, ngõ đi vào nhà mình là thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình. Ngay cả trong trường hợp những tuyến phố được phép dừng đỗ xe ôtô, nhưng một số chủ những gia đình có nhà mặt đường cũng tỏ ra khó chịu khi những chiếc xe ôtô đỗ chắn ngay mặt tiền nhà mình, nhất là khi họ đang hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, người dân không nên tự ý bôi bẩn, viết bẩn lên xe ôtô, vì thực ra, người vi phạm đang dừng đỗ xe sai quy định tại đất công cộng, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu tự ý bôi bẩn, vẽ bẩn lên tài sản của họ nhẹ thì bồi thường, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu chủ tài sản có đơn đề nghị khởi tố vụ án hình sự về hành vi làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản.
Về việc tài xế đỗ xe chắn cửa nhà không bị xử lý do không vi phạm? LS Nguyễn Anh Thơm (Đoàn LS TP. Hà Nội) cho rằng dù không vi phạm pháp luật giao thông nhưng hành vi này sai quy tắc giao thông. Mặc dù pháp luật không cấm nhưng người lái xe vẫn phải bảo đảm thuận tiện việc đi lại cũng như không làm cản trở người khác.
Do đó, khi xảy ra cớ sự, mỗi bên chịu một nửa thiệt hại trong thỏa thuận dân sự. Việc giải quyết như vậy cũng là cách nhắc nhở, nâng cao ý thức cho người lái xe.