Xe nhập khẩu trở lại, thị trường đang chuyển mình

Sau nhiều tháng bị ngưng trệ nguồn cung, ngay từ đầu tháng 8, nhiều thương hiệu công bố lượng xe nhập khẩu đã về đến cảng, tạo nên sự phấn khích cho không ít người đang muốn sắm xe...

Thị trường ôtô Việt Nam kết thúc tháng 8 với mức doanh số chỉ giảm chút ít, tiêu thụ được 20.504 xe. Có thể nói đây là kết quả khá tích cực có được từ sự quay trở lại của dòng xe nhập khẩu ngay từ đầu tháng. Tuy nhiên, trong bối cảnh bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi tốt thì lại đang có nhiều thay đổi đáng quan tâm về sự tăng – giảm giá xe và sự mất – còn của nhiều mẫu xe.

xe-nhap-khau-tro-lai-thi-truong-oto-Viet-Nam-1

Sau nhiều tháng bị ngưng trệ nguồn cung, ngay từ đầu tháng 8, nhiều thương hiệu công bố lượng xe nhập khẩu đã về đến cảng, tạo nên sự phấn khích cho không ít người đang muốn sắm xe. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ giữa tháng 7 đến nay, lượng xe nhập khẩu trung bình đạt hơn 1.500 xe/tuần, chứng tỏ dòng xe này đã đáp ứng được những quy định trong Nghị định 116/2017-NĐ-CP để bắt đầu tràn về thị trường Việt Nam. Chỉ riêng trong tháng 8, lượng xe nhập về đã bằng con số trung bình hằng tháng của năm 2017, khoảng hơn 11.000 chiếc.

Nếu xe nhập khẩu đang có những dấu hiệu hồi phục tốt thì xe lắp ráp nội địa lại ở trong trạng thái khó tiên đoán. Màn ra mắt ấn tượng của mẫu xe “Made in Việt Nam” – Vinfast cùng việc công bố khởi động lại việc lắp ráp xe trong nước của một số thương hiệu đang tạo nên những hy vọng mới cho ôtô nội địa. Vậy mà doanh số bán hàng của dòng xe này trong tháng 8 lại bị giảm đến 18%, cho dù lượng xe bán ra vẫn áp đảo so với dòng xe nhập khẩu.

Tháng 8 cũng là khoảng thời gian biến động đối với xe bán tải khi có thông tin đề xuất thay đổi mức phí trước bạ đối với dòng này. Vừa là một chiếc xe chở hàng, vừa là một chiếc sedan phổ thông có đầy đủ tiện nghi cùng với lợi thế về thuế suất thấp, những mẫu pick-up đã trở thành sự lựa chọn của nhiều gia đình Việt. Từ tháng 1 năm nay, dòng bán tải càng tăng được sức cạnh tranh khi thuế nhập khẩu từ mức 5% đã trở về 0%, trong khi hầu hết xe bán tải được bán tại Việt Nam đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đề xuất tăng phí trước bạ đối với dòng xe này lên bằng 60% so với mức phí dành cho những mẫu ôtô dưới chín chỗ đang tạo nên những cơn sóng lớn. Nếu đề xuất đó được thông qua, giá xe của xe pick-up dự đoán sẽ tăng vài chục triệu đồng và như vậy, ưu thế cạnh tranh về giá của dòng này sẽ bị giảm sút nhiều.

Liên quan đến giá xe, trong tháng 8 vừa qua, giới tiêu dùng Việt Nam cũng chứng kiến màn tăng – giảm một cách bất thường của các thương hiệu ôtô trên thị trường. Đại diện cho phía giảm giá là Ford và mức giảm gây sốc nhất thuộc về mẫu Ford Everest thế hệ mới nhất – giảm đến 500 triệu đồng! Kế tiếp là thương hiệu GM với quyết định giảm giá được vận dụng đối với mẫu bán tải đang ăn khách Colorado, mẫu SUV Trailblazer, rồi cho cả những mẫu xe đô thị nhỏ gọn như Aveo, Spark, Cruze… (mức giảm từ 40 đến 80 triệu đồng). Ngược lại, nhiều thương hiệu khác lại công bố tăng giá, có khi chỉ 1 triệu đồng, điển hình là Mitsubishi. Thương hiệu ôtô Nhật Bản này vừa có động thái tăng giá tượng trưng khác lạ ngay từ đầu tháng 9 sau khi đã hoàn tất đợt giảm giá xe mạnh trong tháng 8 (mức giảm từ 15 đến 51 triệu đồng tùy mẫu xe).

Toyota cũng tiếp tục gia tăng giá bán đối với những mẫu hút khách của họ. Mẫu quán quân về doanh số là Vios được điều chỉnh tăng thêm từ 18 đến 41 triệu đồng, trong khi hai mẫu xe nhập khẩu là Fortuner và Hilux cũng rục rịch nâng giá khi bắt đầu quay trở lại thị trường với mức tăng từ 22 đến 45 triệu đồng so với giá hồi cuối năm ngoái.

Không chỉ chứng kiến những sự xáo động về giá bán xe, thị trường ôtô trong tháng 8 còn chứng kiến một sự chuyển hóa khá mạnh. Bên cạnh việc xuất hiện hàng loạt mẫu xe mới là sự biến mất của nhiều mẫu xe từng hiện diện trong các showroom, đại lý phân phối của một số thương hiệu. Nếu những mẫu xe mới được quảng bá từ trước đã kịp có mặt trên thị trường như Honda Jazz, Suzuki Celerio MT Hatchback, Chevrolet Trailblazer, Toyota Fortuner Diesel, Mitsubishi Xpander… cùng với Honda HR-V, Toyota Rush, Toyota Avanza, Toyota Wigo, Hyundai Kona… thì nhiều người cũng ngạc nhiên trước sự ra đi âm thầm của Chevrolet Orlando, Suzuki Ertiga, Mazda 2 Hatchback, Subaru Levorq GT-S, Subaru Legacy, BR-V…

Trái ngược với phân khúc xe phổ thông nhập khẩu đã có những bước chuyển mình sau thời gian ách tắc, đến thời điểm này, hầu hết các thương hiệu thuộc phân khúc xe hạng sang lại chưa nói gì về thời gian xe sang về đến Việt Nam trong khi lượng tồn kho từ năm trước đã cạn kiệt. Ngoại trừ màn ra mắt của BMW X2, hầu hết các thương hiệu xe sang như Porsche, Audi, Lexus, thậm chí cả Mercedes-Benz vẫn chưa có công bố chính thức nào về chủng loại cũng như lượng xe đã được nhập về.

Theo ước tính của Bộ Công thương, lượng ôtô được sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ đạt khoảng 235.000 chiếc trong năm nay, giảm 1,3% so với năm 2017. Trong bối cảnh lượng xe xuất xưởng giảm, doanh số bán hàng cũng đang có xu hướng giảm, còn dòng xe nhập khẩu đang hồi phục thì mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô trong nước phát triển như kỳ vọng có lẽ là một nhiệm vụ không đơn giản nếu không có những định hướng rõ ràng hơn từ các cấp quản lý. Nhìn chung, bất chấp những biến động đang gây nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng, thị trường ôtô Việt Nam từ tháng 9 sẽ đạt mức tăng trưởng cao vì nguồn cung dồi dào hơn nhờ ở sự quay trở lại của dòng xe nhập khẩu và mùa cao điểm mua sắm cuối năm cũng đã cận kề.

– Theo DoanhnhanPlus.vn

Exit mobile version