Xu hướng xe xanh đang ngày càng mở rộng, nhưng với những quốc gia đang phát triển, đây lại là một thách thức không nhỏ, không chỉ đối với việc triển khai phương tiện mà cả trong hoạt động cải thiện hạ tầng, nguồn nhiên liệu.
Trao đổi với báo giới bên lề Triển lãm ôtô Tokyo 2017 (TMS 2017) – sự kiện lớn có tầm quan trọng bậc nhất của ngành công nghiệp ôtô châu Á, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Honda toàn cầu Takahiro Hachigo đã đưa ra một số nhận định đáng chú ý về trào lưu phát triển của xe xanh.
Trước hết, vị lãnh đạo này cho rằng xu hướng xe xanh là tất yếu. Đây là điều hoàn toàn chính xác bởi với bất kỳ ai có tìm hiểu về ngành công nghiệp ôtô, việc nhận ra phát triển xe xanh đang là con đường mà nhiều quốc gia lựa chọn, từ phương Tây với các quốc gia phát triển như Đức, Mỹ… đến phương Đông như Nhật Bản, Trung Quốc… Thực tế này không chỉ là hệ quả của việc các chính phủ liên tục siết chặt quy định khí thải nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, mà còn xuất phát từ chính nhu cầu của người dân về việc sở hữu một phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, sạch sẽ và có những tiện nghi phù hợp với nhu cầu thời hiện đại. Theo số liệu từ Bộ Môi trường Nhật Bản, lượng phát thải CO2 năm 2007 tại đất nước Mặt trời mọc đã giảm 21 triệu tấn so với năm 2001 nhờ các biện pháp tiết kiệm nhiên liệu (bao gồm việc khuyến khích sử dụng xe xanh).
Thứ đến, ông Hachigo nhận định rằng “cuộc chơi” xe xanh không cho phép bản thân Honda hay bất cứ nhà sản xuất nào khác hành động đơn độc. Thay vào đó, sẽ cần tới nhiều nhà sản xuất xe, nhiều nhà cung cấp linh kiện… tất cả cùng chung tay phát triển công nghệ điện cho xe ôtô để có thể tạo thành hạ tầng chung. Nói cách khác, nỗ lực hợp tác giữa các đơn vị tham gia cuộc chơi xe xanh sẽ đóng vai trò tối quan trọng trong việc phổ biến loại phương tiện này trong thời gian tới.
Mối quan hệ này sẽ không chỉ giới hạn trong số những nhà sản xuất xe, mà cả chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp về hạ tầng giao thông, và dĩ nhiên không thể thiếu chính phủ của mỗi quốc gia. “Hiện nay, Honda cũng đang có nhiều mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực xe xanh, mà điển hình là với Hitachi để phát triển mô-tơ điện, hay với General Motors (GM) trong lĩnh vực xe sử dụng nhiên liệu Hydro” – ông nói. Honda hiện đang góp vốn với GM để xây dựng nhà máy và thành lập liên doanh để cùng phát triển công nghệ pin nhiên liệu Hydro.
“Cuộc chơi” xe xanh không cho phép bản thân Honda hay bất cứ nhà sản xuất nào khác hành động đơn độc. Thay vào đó, sẽ cần tới nhiều nhà sản xuất xe, nhiều nhà cung cấp linh kiện… tất cả cùng chung tay phát triển công nghệ điện cho xe ôtô để có thể tạo thành hạ tầng chung.
Đáng chú ý, trước câu hỏi liệu hướng tiếp cận này có đánh đồng các sản phẩm hay không, ông Hachigo cho rằng điều đó sẽ không thể xảy ra. Các nhà sản xuất sẽ tạo ra sự khác biệt bằng những công nghệ riêng của mình – yếu tố quan trọng để tạo thế mạnh cạnh tranh. Với Honda – tính năng động của sản phẩm là một ví dụ.
Cuối cùng, nhận định về khả năng triển khai xe xanh tại các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam), nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Honda cho rằng chính phủ mỗi nước nên có những tính toán cụ thể để tìm ra thời điểm phù hợp nhất cho việc chuyển đổi từ xe chạy nhiên liệu hóa thạch, sang các loại xe xanh – dù đó là xe hybrid, xe điện hay xe hydro – từ đó đề ra lộ trình phát triển phù hợp. Tuy nhiên, ông Hachigo cho rằng việc thiết lập hạ tầng thích hợp cho xe xanh vào lúc này là rất khó khăn với các nước đang phát triển, do khoảng hành trình của xe còn khá hạn chế. Điều này sẽ khiến mật độ các trạm cung ứng phải tăng lên, dẫn tới chi phí cao. Chính vì vậy, không riêng Honda, mỗi hãng xe không thể hành động đơn lẻ mà tất yếu cần có mối quan hệ hợp tác hài hòa giữa các đơn vị như đề cập ở trên.
Riêng với Việt Nam, ông nhận định rằng thị trường xe hơi vẫn phải trải qua các bước lần lượt, đi từ xe xăng-dầu truyền thống. Lý do là cũng như nhiều nước đang phát triển khác thị trường xe Việt Nam vẫn chưa chín muồi, nên để chuyển sang xe điện còn mất nhiều thời gian. Ông Shinji Aoyama, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Honda châu Á, cũng cho rằng trong thời gian tới các nhà sản xuất chủ yếu tìm cách để giá xe sử dụng nhiên liệu truyền thống ngày càng hợp lý hơn để người dân có thể tiếp cận được, thay vì tiếp cận xe xanh ngay lập tức. Ngoài ra, một số thương hiệu cũng có thể sẽ sử dụng xe hybrid như một bước đệm để tận dụng tối đa hạ tầng giao thông hiện tại, đồng thời đem lại khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn.
Hiện nay, Honda và một số nhà sản xuất khác đã có những mẫu xe ôtô chạy điện với thiết kế hoàn toàn mới, không bị ràng buộc bởi những đặc tính cố hữu của những chiếc ôtô suốt hơn một thế kỷ qua – mà điển hình là Urban EV Concept được trưng bày trong TMS năm nay. Đây là những chiếc xe có khả năng vận hành và tiện nghi tối ưu cho môi trường đô thị dựa trên công nghệ điện và những nhu cầu cơ bản trong thế giới hiện đại. Tuy nhiên, nhiều rào cản công nghệ vẫn khiến chúng chưa thể trở nên phổ biến trong tương lai gần. Theo ông Hachigo, dù khoảng hành trình của những mẫu xe điện giờ đây đã khá phù hợp cho việc di chuyển trong đô thị, nhưng để thương mại hóa các nhà sản xuất sẽ còn phải nỗ lực hơn nữa. Dù vậy, nhà lãnh đạo Honda cũng rất tự tin khi cho biết tới năm 2030, 65% số xe hãng chế tạo và tung ra thị trường sẽ là xe chạy điện.
Ông Shinji Aoyama cho biết bên cạnh việc phát triển công nghệ, vấn đề chi phí cũng là thách thức rất lớn đối với xe điện và xe sử dụng nhiên liệu Hydro. Ông nhấn mạnh rằng hiện nay hầu hết các linh kiện xe điện vẫn phải sản xuất ở các nước đang phát triển, do việc sản xuất tại chỗ hầu như bất khả thi.
Vì thế, giá thành của mỗi chiếc xe xuất xưởng vẫn còn cao. Khi cộng thêm chi phí cho hạ tầng, nhiên liệu, ông Shinji Aoyama nhận định rằng trong thời điểm hiện tại, nếu thiếu đi sự hỗ trợ từ phía các chính phủ, người dân sẽ rất khó tiếp cận loại phương tiện này. Tại Anh, với việc cắt giảm CO2 20 – 25%, các dòng xe hybrid thường được hưởng ba đến bốn mức thuế thấp hơn các dòng xe chỉ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tại Pháp, xe hybrid phát thải CO2 ít hơn 20g/km sẽ được nhận ưu đãi bảo hiểm nhân thọ lên đến 6.300 euro. Ở Đông Nam Á, chính phủ Thái Lan cũng đã đưa ra chính sách ưu đãi thuế cho các dòng xe hybrid với dung tích động cơ đốt trong không quá 3.000cc. Các loại xe này sẽ được hưởng mức thuế 10% – 30% tương ứng với lượng khí CO2 phát thải từ dưới 100g/km cho tới 101 – 120g/km.
Nhìn chung, qua những trao đổi chân thành và thẳng thắn, hai lãnh đạo hàng đầu của Honda toàn cầu đã một lần nữa khẳng định lại vai trò tất yếu của xe xanh đối với nhu cầu di chuyển của loài người trong tương lai. Dù mỗi quốc gia có thể còn đối mặt với những khó khăn khác nhau trong việc tiếp cận phương tiện sạch này, nhưng rõ ràng việc cần có sự chuẩn bị sẵn sàng khi tới thời điểm chuyển đổi phù hợp là điều cần thiết.