“Hội thảo Công nghệ Toyota Hybrid” do Toyota Việt Nam tổ chức trong đầu tháng 6 vừa qua đã chia sẻ một cách khá đầy đủ các thông tin về công nghệ xe lai xăng – điện tại Việt Nam. Những đánh giá, phân tích được nêu ra tại hội thảo từ các chuyên gia cũng cho thấy phân khúc thị trường xe xanh Việt Nam đã có đầy đủ những chất xúc tác để khởi động tăng trưởng tạo nên một nền giao thông bền vững hơn. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa cho sự góp mặt của dòng xe thân thiện môi trường này, một cách hơi nghịch lý, vẫn còn nhiều rào cản từ các chính sách ưu đãi thuế tuy đã có nhưng chưa đi vào cuộc sống. Đó cũng là những nguyên nhân khiến cho nhiều mẫu xe lai điện nổi tiếng mặc dù nhà sản xuất rất muốn nhưng vẫn chưa thể ra mắt chính thức tại thị trường Việt Nam.
Thị trường ôtô Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định khi doanh số đạt được của năm năm trở lại đây đều đạt mức tăng tốt. Theo đánh giá của Toyota, nhờ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đi cùng sức mua ngày càng gia tăng từ giới tiêu dùng, Việt Nam sẽ có thể bước vào giai đoạn ôtô hóa sau năm 2020. Bên cạnh đó, việc thuế nhập khẩu đối với ôtô nhập khẩu trong khu vực ASEAN sắp được dỡ bỏ vào năm 2018 cũng sẽ giúp cho Việt Nam đẩy mạnh hội nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đây được xem là những yếu tố có tác động quan trọng để nước ta có thể phát triển một nền giao thông bền vững bằng những giải pháp thiết thực để kiểm soát hiệu quả nguồn nhiên liệu sử dụng và khí thải ô nhiễm. Theo đó, Toyota nhấn mạnh đến giải pháp đồng bộ, sự cần thiết phải có mối liên kết chặt chẽ giữa chính phủ, cộng đồng và các nhà sản xuất ôtô trong việc theo đuổi các giải pháp giao thông bền vững tại Việt Nam trong thời điểm này. Các ví dụ về sự thành công của mô hình giải pháp này cũng được chia sẻ trong đó thương hiệu đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc triển khai dán nhãn tiêu thụ nhiên liệu – một bước khởi đầu cho việc thu thập dữ liệu tiêu thụ nhiên liệu từ đó có thể đưa đến những chính sách tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả và thực tiễn hơn. Tương tự, với sự hỗ trợ của Nhật Bản, Thái Lan – quốc gia đứng đầu về dung lượng thị trường tại khu vực Đông Nam Á cũng đã thành công bước đầu trong việc xây dựng khuôn khổ chính sách nhằm giảm khí nhà kính thông qua việc thu thập dữ liệu phát thải khí CO2. Chương trình đào tạo “Lái xe sinh thái” hay còn gọi là Eco-Drive tại Nhật Bản cũng được nêu ra tại hội thảo để minh chứng cho hiệu quả của giải pháp đồng bộ mà thương hiệu Toyota đang muốn cùng với Chính phủ Việt Nam hướng tới.
Vai trò của các nhà sản xuất ôtô cũng được nhấn mạnh với trách nhiệm phải cung cấp ra thị trường ngày càng nhiều dòng xe thân thiện với môi trường như hybrid, điện hay pin nhiên liệu,… Tại thị trường Việt Nam, những mẫu xe điện hay lai điện hiện chỉ xuất hiện lác đác trên một vài dòng xe nhập khẩu cao cấp của các thương hiệu như BMW, Ford, Lexus, Nissan,… Trong vòng hơn sáu năm, theo thống kê từ Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam chỉ nhập 1.299 ôtô hybrid, rất nhỏ so với con số hơn 10.848 xe hybrid hiện đang lưu thông tại Singapore. Sau khi nổi sóng với thông tin hàng trăm chiếc xe lai điện Nissan Leaf có thể được đầu tư cho dòng xe taxi bảo vệ môi trường tại Việt Nam, sức hút của dòng xe này cũng giảm sút mạnh khi phân khúc này vẫn chưa có được cơ hội bước vào đời sống của thị trường ôtô Việt cho đến thời điểm này. Đây cũng chính là trăn trở của Toyota khi mẫu xe Prius đã được giới thiệu tại VMS 2015 nhưng vẫn chưa thể chính thức phục vụ người tiêu dùng khi chính sách ưu đãi thuế đã có nhưng không thể áp dụng được. Nhu cầu dành cho xe hybrid hiện đang ở đà tăng cao tại các quốc gia lân cận khi các chính phủ sở tại đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho các sản phẩm bảo vệ môi trường. Tại Thái Lan, xe hybrid có dung tích động cơ dưới 3.000 phân khối, xe điện và xe sử dụng pin nhiên liệu chỉ phải chịu mức thuế nội địa là 10% thấp hơn nhiều so với mức từ 30 – 50% dành cho các dòng xe khác trong khi tại Hàn Quốc, chủ nhân của những chiếc ôtô hybrid cũng được hưởng nhiều ưu đãi về thuế cũng như được hưởng mức giá mua bảo hiểm thấp hơn so với các dòng xe thông thường.
Là loại xe kết hợp động cơ xăng với mô-tơ điện, Prius Hybrid được Toyota xếp vào hạng mục sản phẩm xe xanh bởi khả năng có thể tiết kiệm nhiên liệu từ 20 – 30% so với các mẫu xe động cơ đốt trong. Nhờ vào cấu tạo đặc biệt, Prius có thể tự tính toán thời điểm vận hành bằng nhiên liệu xăng hay điện để giảm thiểu tối đa lượng khí thải ra môi trường trong quá trình vận hành của xe. Tuy nhiên, theo hướng dẫn áp dụng thuế từ Bộ Tài chính thì chỉ những mẫu xe plug-in-hybrid, tức là xe sử dụng nhiên liệu xăng kết hợp với điện nhưng có hệ thống nạp điện ngoài mới là đối tượng được xem xét để áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi theo luật. Như vậy, Prius của Toyota không thuộc diện được xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt tại Việt Nam bởi mẫu xe này được thiết kế với hệ thống chuyển đổi năng lượng hao phí trong quá trình phanh, giảm tốc thành điện năng đồng thời có thể nạp điện từ hoạt động của động cơ xăng. Không chỉ xe Prius Hybrid của Toyota mà nhiều xe Hybrid của các hãng khác không trang bị hệ thống sạc ngoài cũng không được xem xét để được áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi theo quy định của luật thuế hiện hành.
Trong khi xu thế tiêu dùng đang được định hướng về những dòng sản phẩm thân thiện với môi trường, các mẫu ôtô xanh như hybrid với giá bán không thể rẻ vì sử dụng công nghệ cao khiến chi phí sản xuất cao. Nếu nhận được những ưu đãi, hỗ trợ từ Chính phủ thì dòng xe bảo vệ môi trường sẽ được tiếp cận gần hơn với khách hàng. Với nỗ lực cam kết tăng cường quan hệ đối tác với người dân và Chính phủ Việt Nam trong việc theo đuổi giải pháp giao thông bền vững bằng sự hiện diện của những mẫu xe bảo vệ môi trường và các hoạt động hỗ trợ khác từ Toyota, hy vọng trong thời gian tới, sẽ có những điều chỉnh thích hợp từ cấp quản lý để người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội sử dụng những mẫu xe xanh với mức giá hợp lý hơn.
- Huỳnh Khôi