Lái xe chậm không đồng nghĩa với việc an toàn tuyệt đối. Trẻ em ngồi trên xe nếu không được thắt dây an toàn hoặc ngồi ở hàng ghế trước trên ôtô thường bị thương nặng thậm chí tử vong nếu xảy ra tai nạn. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho con trẻ khi ở trên xe là vô cùng cần thiết.
Trẻ em vốn hiếu động nên nếu bạn bế trẻ ngồi trên lòng và lái xe, có thể xảy ra tình huống trẻ nghịch ngợm, khiến bạn sao nhãng, rất dễ dẫn đến va chạm với xe phía trước hoặc không kịp xử lý tình huống bất ngờ.
Dù bạn lái chậm, nhưng nếu trẻ ngồi ghế trước, dù có cài dây an toàn hoặc ngồi trên ghế dành riêng cho trẻ em, thì cũng vẫn nguy hiểm, bởi nếu va chạm xảy ra, tốc độ và lực lúc túi khí bung có thể gây chấn thương cho trẻ. Một tình huống bị động khác là bạn đi chậm nhưng có thể bị xe khác đâm từ phía sau.
Video thử nghiệm dưới đây để hiểu hơn về lực bung túi khí trong trường hợp xảy ra va chạm.
Trẻ ngồi vị trí nào và ngồi như thế nào trên ôtô là an toàn nhất?
Tạp chí tiêu dùng uy tín Consumer Reports cho biết, vị trí an toàn nhất dành cho trẻ em dưới 12 tuổi là ở ghế sau.
Việc chọn được chiếc ghế ngồi ôtô em bé phù hợp với độ tuổi, chiều cao và cân nặng của trẻ là rất quan trọng. Trẻ ngồi ghế ôtô vừa vặn sẽ giúp bảo vệ an toàn tối đa. Thông thường, trẻ em cần sử dụng ghế nâng cho đến khi đạt chiều cao tối thiểu 145cm, và từ 8 đến 12 tuổi. Đó là khi có thể dùng dây an toàn của xe. Đồng thời, khi đó, bộ xương của trẻ cũng đã phát triển hoàn thiện, cứng hơn và có thể chịu được áp lực từ dây an toàn khi xe phanh đột ngột hoặc xảy ra va chạm.
Kết quả nhiều cuộc thử nghiệm va chạm đã cho thấy, trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi ngồi trên ghế dành riêng, lắp quay mặt về phía sau và lắp ở hàng ghế sau sẽ được bảo vệ tốt nhất, ngay cả khi xảy ra va chạm từ phía sau.
Trẻ nên được đặt ngồi như trên càng lâu càng tốt, hoặc ít nhất là cho tới khi trẻ đủ 2 tuổi, hoặc khi trẻ có chiều cao và cân nặng không còn thoải mái khi ngồi quay về phía sau. Khi trẻ đủ lớn, có thể cho ngồi trên ghế dành riêng, lắp quay mặt về phía trước, nhưng vẫn phải ở hàng ghế sau.
Với trẻ từ 5-6 tuổi hoặc đủ chiều cao, câng nặng (tùy quy định của từng nước – thường là 20kg), thì có thể sử dụng lại ghế nâng đơn giản, không cần dựa lưng ôm trọn thân trên của trẻ (hình dưới).
Dạy trẻ kỹ năng an toàn khi ngồi trên ôtô
Người lớn cần dạy cho trẻ các thói quen an toàn khi ngồi trên ôtô như: Cách lên xuống xe, cách thắt dây đai an toàn,…
Lưu ý rằng:
Chúng ta không được để trẻ nhỏ tự ý mở cửa xe, nhất là cửa xe bên trái khi xe đỗ lại bên lề đường; không xuống xe ở cửa xe bên trái, là phía có thể có các phương tiện giao thông khác từ phía sau chạy tới gây va quệt, tai nạn. Khi trẻ đã ngồi trong xe phải khóa chốt cửa an toàn, không táy máy kéo mở chốt, không tì người lên cửa, không mở cửa kính thò đầu, tay ra ngoài xe.
Trường hợp cần để trẻ mở cửa hoặc xuống xe ở phía trái thì phải quan sát kỹ phía sau xe. Khi vào xe, nhắc trẻ phải ngồi ngay ngắn, an toàn trong xe rồi mới đóng cửa xe, tránh vội vàng làm kẹt tay chân hoặc quần áo và các vật dụng khác khi dập mạnh cửa xe.