Nhiều ngân hàng đang cạnh tranh khá khốc liệt trong mảng mua ôtô trả góp với nhiều chương trình ưu đãi lãi suất cho vay mua xe. Các ngân hàng mạnh tay cho vay mua ôtô, với lãi suất khá cạnh tranh. TPBank, VIB, SeABank,… đang tập trung khá mạnh vào phân khúc này.
Khảo sát lãi suất cho vay tại một số ngân hàng cổ phần có thể nhận thấy các ngân hàng thường đưa ra chương trình ưu đãi với mức lãi suất thấp trong một thời gian cố định. Sau đó lãi suất sẽ áp dụng theo quy định của từng bên thường là lãi suất tiết kiệm 12 hoặc 13 tháng cộng biên độ (3,5 – 3,9%).
Nhu cầu sở hữu ôtô ngày càng tăng
Theo đánh giá từ các chuyên gia vận tải, nhu cầu đi lại tăng cao sẽ khiến ôtô ngày càng trở thành phương tiện phổ biến của người dân. Ngoài mục đích cá nhân, đảm bảo an toàn cho gia đình trong mỗi chuyến đi, người dân còn có xu cầu mua ôtô để phục vụ việc kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng có nhu cầu đầu tư các loại xe tải, xe khách, hay xe chuyên dụng… để vận chuyển, mở rộng và thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Sau thời gian phình to về dư nợ cho Vay mua ôtô, một số ngân hàng bắt đầu than khổ khi xử lý nợ quá hạn.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, năm 2018, tổng lượng xe ôtô cá nhân bán ra toàn thị trường đạt gần 270.000 chiếc, tăng rất mạnh so với năm 2017. Quý I-2019, tiêu thụ của toàn ngành ôtô đạt 73.297 xe, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Việt Nam đã cải thiện nhanh chóng trong năm năm qua và không ngừng tăng lên. Do đó, nhu cầu sở hữu ôtô được dự báo vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2019 và sắp tới. Tuy nhiên, để chi một khoản tiền lớn mua xe không phải là điều đơn giản với nhiều người. Đây chính là cơ hội cho các ngân hàng đẩy mạnh vốn tín dụng ở phân khúc màu mỡ này.
Cơ hội không mấy béo bở với ngân hàng
Khách hàng cá nhân sẽ được hưởng mức lãi suất cho vay rất cạnh tranh tại VIB, như Vay mua ôtô với lãi suất chỉ từ 7,4%/năm; vay mua nhà chỉ từ 7,5%/năm. Lãnh đạo VIB cho biết, Ngân hàng quyết định mức lãi suất cho vay dựa trên cơ sở các loại chi phí hợp lý, bao gồm cả chi phí huy động vốn trung, dài hạn, nhưng luôn đảm bảo tính cạnh tranh hợp lý về mặt bằng lãi suất cho vay dành cho khách hàng.
Nam A Bank đã liên kết cùng Công ty cổ phần Ôtô Kim Thanh triển khai chính sách ưu đãi dành cho các khách hàng mua xe ôtô hãng Honda với hạn mức cho vay lên đến 100% nhu cầu vốn, lãi suất hấp dẫn chỉ từ 9,5%/năm cố định trong 12 tháng đầu, thời hạn cho vay linh hoạt lên đến 84 tháng, tài sản đảm bảo chính là xe mua hoặc tài sản khác của khách hàng. Chính sách này cũng áp dụng cho các doanh nghiệp.
Mảng kinh doanh cho Vay mua ôtô được coi là tiềm năng và có sự tranh giành thị phần quyết liệt giữa các ngân hàng. Tuy nhiên, sau thời gian phình to về dư nợ cho vay, một số ngân hàng bắt đầu than khổ khi xử lý nợ quá hạn.
Theo quy định, ôtô mua trả góp buộc phải thế chấp giấy đăng ký gốc tại ngân hàng, còn việc quản lý tài sản đảm bảo là ôtô được giao cho khách hàng. Vì vậy, trường hợp khách hàng mang ôtô đi thế chấp chỗ khác thì ngân hàng sẽ không biết.
Theo đại diện một ngân hàng, gần 50% nợ xấu mảng ôtô của nhà băng này liên quan đến việc các tài sản đảm bảo được thế chấp hoặc cầm cố ở nhiều nơi khác nhau, trong đó nhiều nhất là ở cửa hàng cầm đồ.
Trong trường hợp này, việc xử lý tài sản đảm bảo phải có sự phối hợp của nhiều bên. Nếu các bên cùng thỏa thuận được là cách tốt nhất, còn không, ngân hàng và bên cầm đồ phải làm việc với nhau để tìm giải pháp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chủ cửa hàng cầm đồ không chịu gặp ngân hàng, khách hàng thì trốn biệt tăm khiến việc xử lý khoản vay gặp khó khăn.
Trong khi đó, phía ngân hàng không thể bỏ thêm tiền để lấy xe ra từ cửa hàng cầm đồ, nên giải pháp tốt nhất là tất toán khoản vay trước và bên hàng cầm đồ có thể thanh lý tài sản với đầy đủ giấy tờ. Tuy nhiên, vướng mắc vẫn chưa hết, giá trị thế chấp, cầm cố trong nhiều trường hợp vượt xa giá trị tài sản đảm bảo.
Các ngân hàng thường cho vay tối đa 80 – 100% giá trị xe, còn cửa hàng cầm đồ thường cho cầm cố tiếp từ 20 – 30% giá trị, dẫn tới thực tế là giá trị hai khoản cao hơn giá trị của tài sản đảm bảo, chưa tính tới trường hợp mất giá do qua sử dụng nhiều.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), cho vay ôtô hiện do năm ngân hàng giữ thị phần lớn nhất là VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh cao buộc ngân hàng hạ lãi suất, tăng tỷ lệ giải ngân trên giá trị xe, giảm thời gian thẩm định, kéo theo nhiều hệ lụy sau đó.
Đại diện một ngân hàng cho hay, quy trình xử lý tài sản thế chấp là ôtô đơn giản hơn bất động sản, nên quá trình triển khai đã phát sinh nhiều bất cập khi xuất hiện các khoản nợ xấu. Ngân hàng này từng mất gần hai tháng đi khắp nơi mới tìm ra tung tích của chiếc xe đang thế chấp. Nhưng sau khi tìm được tài sản đảm bảo, việc thanh lý lại không dễ dàng. Khách hàng vay 85% giá trị xe, nhưng do quá trình sử dụng đã thế chấp nhiều lần, giá trị xe chỉ còn 50 – 60% so ban đầu.