Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, trường hợp ô tô quá hạn đăng kiểm, dù chỉ một ngày cũng có thế bị phạt hành chính từ 2 triệu, nếu là xe của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, tổng mức phạt có thể lên tới 22 triệu đồng.
Cụ thể, theo điểm c, khoản 4, điều 16 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển ô tô có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 1 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Bên cạnh đó, tài xế còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Trường hợp ô tô quá hạn đăng kiểm trên 1 tháng, mức xử phạt hành chính đối với người điều khiển xe sẽ lên đến từ 4-6 triệu đồng theo quy định tại điểm e, khoản 5, điều 16 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
Tuy nhiên không chỉ tài xế, nếu chủ xe là các các nhân, tổ chức cũng sẽ bị xử phạt nếu giao phương tiện quá hạn đăng kiểm cho tài xế xe. Tại điểm b, khoản 8, điều 30 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 8-12 triệu đồng đối với cơ quan, tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự… nếu đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 1 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông.
Trường hợp ô tô, xe cơ giới, xe máy chuyên dụng quá hạn đăng kiểm trên 1 tháng, chủ xe là cá nhân sẽ bị xử phạt từ 6-8 triệu đồng. Chủ xe là tổ chức sẽ bị xử phạt hành chính ở mức 12-16 triệu đồng theo điểm c, khoản 9, điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Do đó, đối với những xe quá hạn đăng kiểm trên 1 tháng, cả tài xế và chủ xe là cơ quan, tổ chức có thể bị phạt tổng cộng lên tới 22 triệu đồng cùng với việc bị tước giấy phép lái xe đến 3 tháng.
- Xem thêm: Hướng dẫn đăng kiểm ôtô cho tài xế mới