Khi mà dòng xe điện (EV) ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia thì dường như tại Việt Nam, người tiêu dùng dường như đang có vẻ vẫn chưa thật sự quan tâm đến sản phẩm công nghệ hiện đại này. Sự hào hứng dành cho chiếc Tesla Model X đầu tiên nhập khẩu về Việt Nam hồi đầu tháng 5 vừa qua cho thấy người tiêu dùng lẫn giới kinh doanh mới bắt đầu chú ý đến dòng xe xanh. Tuy nhiên, để xe điện trở thành một phân khúc mới gia nhập thị trường ôtô, có lẽ phải cần sự nỗ lực từ nhiều phía và thêm cả thời gian.
Sự tăng trưởng bùng nổ của thị trường ôtô thế giới đã kéo theo hệ lụy về lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường đến mức báo động từ các loại xe cộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nhu cầu bức thiết phải có những nhiên liệu sạch hơn dành cho các loại phương tiện di chuyển đã đem đến cho thị trường những mẫu xe xanh sử dụng nhiều loại nhiên liệu khác nhau, trong đó nổi bật là xe lai (hybrid). Theo dự đoán, từ sự tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua, đến năm 2022, thị trường nhiên liệu thay thế sẽ đạt doanh số 614 triệu USD, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục chiếm lĩnh thị trường này, đặc biệt là Trung Quốc. Trong tháng 7-2016, thị phần dòng xe điện ở Trung Quốc đạt mức kỷ lục khi vượt qua ngưỡng 1% của toàn thị trường xe mới. Mặc dù tỷ lệ đó có vẻ không có gì to tát, nhưng 1,1% đồng nghĩa với sự xuất hiện của 34.000 chiếc xe điện mới trên đường phố Trung Quốc chỉ trong một tháng. Tâm điểm thành công của Trung Quốc về phát triển dòng xe điện đến từ việc trang bị hệ thống trạm sạc điện ở khắp nơi. Trong vòng chỉ sáu năm, lượng xe điện tại Trung Quốc đã tăng từ 1.122 chiếc (năm 2010) lên 49.000 chiếc (năm 2015). Yếu tố tư nhân hóa trong việc đầu tư các trạm sạc điện và các trạm sạc dành riêng cho xe buýt cùng các phương tiện vận tải hàng hóa đã giúp nâng tổng số trạm sạc điện tại đất nước này lên con số 160.000. Trung Quốc cũng đang hướng đến năm 2020 sẽ xây dựng được 12.000 trạm sạc trung ương và 4,8 triệu trạm sạc cấp tỉnh để đáp ứng nhu cầu của khoảng 5 triệu xe điện sẽ được sử dụng. Như vậy, với một định hướng quyết liệt, Trung Quốc đang trở thành một trong những trung tâm của thị trường ôtô điện trên thế giới. Trong năm nay, đã có nhiều nhà sản xuất từ Mỹ và châu Âu gia nhập thị trường béo bở và tràn đầy tiềm năng này qua hàng loạt sự kiện giới thiệu những công nghệ an toàn, hiện đại nhất cùng với những cuộc thử nghiệm độ an toàn va chạm cho các mẫu xe mới nhất. Nhiều hợp đồng hợp tác đã được ký kết nhằm giúp cho các nhà sản xuất Trung Quốc đủ khả năng phát triển kỹ thuật an toàn cho các mẫu xe nội địa cũng như có thể tự thực hiện việc thử nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Trên phân khúc xe điện toàn cầu cũng đang diễn ra sự biến chuyển mạnh mẽ. Sau những mẫu sedan nhỏ gọn, thị trường xe điện bắt đầu đi theo xu hướng mới qua sự xuất hiện của những chiếc xe đa dụng SUV hay crossover. Bên cạnh thương hiệu dẫn đầu Tesla, cả Mercedes-Benz lẫn Audi đều đã loan báo sẽ sản xuất những mẫu xe điện đa dụng tầm xa trong tương lai gần. Nhanh chân hơn, ngay từ cuối năm ngoái, Jaguar (hãng xe Anh) đã bước vào cuộc chơi với chiếc I-PACE – một mẫu crossover năm chỗ với sức mạnh động cơ vốn chỉ thấy trên những chiếc Tesla, cụ thể là sản công suất 400 mã lực và khả năng tăng tốc từ 0 lên 100km chỉ trong bốn giây.
Năm nay cũng đánh dấu bước đột phá trong việc nâng cao độ dài đoạn đường sau mỗi lần sạc của xe chạy điện, bao gồm cả hybrid, PHEV và EV. Nếu như độ dài trung bình được xác định là khoảng 30 dặm cho các dòng plug-in-hybrid thì các dòng xe điện khác đang tiến xa hơn. Cột mốc thực tế mà các mẫu xe nguyên gốc như Nissan Leaf, Volkswagen e-Golf và BMW i3 đạt được là gần 80 dặm. Kỳ vọng mà ngành công nghiệp xe điện đặt ra là đạt đến độ dài tối thiểu 225 dặm, nhưng trước mắt, giới tiêu dùng sẽ đón chào những mẫu xe điện có thể chạy liên tục trên đoạn đường dài gần 130 dặm, ví dụ BMW i3 94 với 114 dặm, Hyundai Ioniq EV với 124 dặm, Volkswagen e-Golf với 124 dặm. Tuy nhiên, theo khảo sát thì có hơn 87% người lái xe ở Mỹ không chạy đến 73 dặm mỗi ngày, vì vậy độ dài đoạn đường mà các mẫu xe điện đời mới chạy qua sau mỗi lần sạc không phải là rào cản quá cao đối với nhu cầu mua sắm của giới tiêu dùng.
Chính nhờ sự phát triển kịp thời về cơ sở hạ tầng, xu hướng sử dụng xe điện ngày càng được ưa chuộng. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm nay, thương hiệu xe điện hàng đầu Tesla đã gây sửng sốt cho thị trường khi công bố số đơn đặt hàng kỷ lục của mẫu Tesla Model 3. Theo đó, chỉ trong vài ngày sau khi loan báo nhận đặt hàng, đã có khoảng 400 ngàn người đã đặt cọc số tiền 1.000 USD để được đăng ký mua chiếc xe mà họ sẽ nhận vào năm 2018. Khi đó, tổng trị giá đơn hàng mà Tesla thu được lên đến 15 tỉ USD!
Cũng như nhiều dòng xe khác, thị trường xe điện toàn cầu bắt đầu bước vào giai đoạn cạnh tranh mạnh mẽ khi nhiều thương hiệu đã mạnh tay đầu tư để nhanh chóng tung ra những mẫu xe mới. Không chỉ tạo sức hút bằng nhiên liệu sạch, các mẫu xe điện còn là những đối thủ đáng gờm về tốc độ so với những dòng xe khác. Nổi bật về sức mạnh trên dòng xe điện hiện nay là chiếc Tesla S P100D với độ tăng tốc từ 0 lên 100km/g chỉ trong tích tắc, chính xác là chưa đến ba giây. Thời gian gần đây, một cái tên nổi bật về sức mạnh tăng tốc cũng đã xuất hiện: mẫu EP9 của thương hiệu NIO – một công ty con của thương hiệu NextEV tại Thượng Hải. Dù chưa vượt qua được thời gian tăng tốc của Tesla S P100, nhưng EP9 lại được công bố là mẫu xe nhanh nhất trên đoạn đường nước rút dài hơn vì có thể đạt tốc độ từ 0 lên 200km/g chỉ trong 7,1 giây. Một điểm gây chú ý khác từ nhà sản xuất này là chỉ có sáu chiếc EP9 được sản xuất để dành cho các nhà đầu tư sáng lập của NIO. Dù sao thì hãng cũng đã lên kế hoạch trong tương lai gần sẽ tung ra một mẫu xe khác dành cho người tiêu dùng ở phân khúc thị trường riêng biệt hơn, tương tự như cách Tesla đã làm với mẫu Roadster.
Quay về với thị trường nội địa, thời gian gần đây có thông tin rằng IMG Innovation đang dự định triển khai dự án phát triển ôtô điện Tesla tại thị trường Việt Nam, rồi sự hiện diện của tập đoàn sản xuất xe điện của Mỹ – Dimora Enterprises và LLC – hãng xe điện mới nổi trên thế giới với dự án xây dựng nhà máy lắp ráp ôtô điện tại Thanh Hóa. Đó là những tín hiệu khởi đầu đầy hy vọng cho việc phát triển xe xanh. Tuy nhiên, với mức thuế nhập khẩu 70% cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt được tính theo giá thành như hiện nay thì vẫn còn đó rào cản lớn đối với các nhà sản xuất – kinh doanh dòng xe xanh trong cố gắng thâm nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
- Huỳnh Khôi