Tại giải ARRC, đội đua Astra Honda của xứ vạn đảo Indonesia luôn có ít nhất một tay đua vô địch ở các chặng. Chính vì vậy, những chặng thi đấu diễn ra tại trường đua Sentul thường được các đội đua quốc tế xem như cuộc chiến giành vị trí thứ 4. Hai tay đua Việt Nam của đội đua Honda Việt Nam Racing vẫn nỗ lực hết mình mang lại những hi vọng cho toàn đội trong tương lai.
Vị trí thứ 4 gây khó khăn khi ở chặng đua tại Indonesia sẽ có thêm từ 5 – 6 tay đua tự do của nước chủ nhà sẽ đăng kí tham dự, do đó mức độ cạnh tranh sẽ được tăng lên rất nhiều. Cụ thể nội dung AP250 của Cao Việt Nam có sự góp mặt của 30 tay đua và nội dung UB150 của tay đua Lê Khánh Lộc là sự góp mặt của 26 tay đua.
Chia sẻ vê những đối thủ tại giải đấu, “Gã Điên” Cao Việt Nam cho biết: “Những tay đua Indonesia là những đối thủ quá mạnh ở chặng đua này, họ thuộc từng ổ gà trên trường đua, có lẽ họ còn biết cả những hạt cát nằm ở đâu. Trong những phần chạy thử, 10 kết quả tốt nhất luôn thuộc về 10 tay đua Indonesia”.
Trường đua Sentul được xây dựng từ những năm 1995, do đó mặt đường đua bị rất nhiều tay đua phàn nàn. Tuy đường đua có nhiều đoạn đường thẳng tưởng chừng như sẽ dễ dàng cho các tay đua làm quen nhưng chất lượng đường xấu và nhiều ổ gà đã làm điều này không còn mấy ý nghĩa.
Thêm vào đó, các tay đua nước chủ nhà lại thi đấu rất quái, chủ động bọc lót cho nhau ngay từ khi phân hạng. Tay đua Cao Việt Nam cho biết: “Các tay đua Indo toan tính rất kĩ ngay từ vòng phân hạng, họ cố gắng hoàn thành vòng phân hạng tốt nhất càng sớm càng tốt, sau đó thời gian còn lại họ sẽ bọc lót để kéo những tay đua của Indo nên, những tay đua nước ngoài thường xuyên phải đối mặt với việc bị các tay đua Indo vượt lên sau đó hạ ga đột ngột khiến bị giật mình. Tuy vậy những hành động này của họ chưa vượt ra khỏi luật thi đấu nên em không có gì bức xúc quá cả.”
Với những áp lực đó, hai tay đua của đội đua Honda Việt Nam Racing đã có màn thi đấu phân hạng không được như ý khi Lê Khánh Lộc chỉ giành được vị trí xuất phát thứ 25/26, trong khi đó Cao Việt Nam có kết quả khả quan hơn nhưng cũng chỉ dừng ở mức 21/30. Tuy vậy khi xuất phát thì Cao Việt Nam đã có được thêm chút lợi thế khi có 1 tay đua bị phạt phải xuất phát cuối do đó Cao Việt Nam được đẩy lên vị trí xuất phát thứ 20/30.
Ngày đua thứ 1: “Gã Điên” dằn mặt
Khai cuộc thi đấu cho Honda Việt Nam Racing chặng này tiếp tục là Lê Khánh Lộc tại nội dung UB150. Với thành tích top 11 vừa giành được tại Ấn Độ, trước chặng này đã có nhiều kỳ vọng đặt lên tay đua này tuy nhiên với việc chỉ giành được vị trí xuất phát thứ 25/26 thì đội cũng đã xác định sẽ tạm thời ngưng các mục tiêu điểm số tại chặng này, thay vào đó tiếp tục hỗ trợ tay đua này phát huy tối đa khả năng.
Với vị trí xuất phát thấp, Khánh Lộc thi đấu gần như không có sực cạnh tranh với top 15, và kể từ vòng thứ 3 thì anh đã bị top đầu bỏ xa đến khoảng nửa vòng thi đấu. Điểm nhấn của Lê Khánh Lộc trong ngày thi đấu đầu tiên là việc anh thường xuyên đấu tay đôi với tay đua mang số hiệu 71, Haeikal Akmal Zakaria của Malaysia. Kể từ vòng đua thứ 6, Lê Khánh Lộc và tay đua này liên tục “kè” nhau, mặc dù mới chỉ lần thứ 3 tham dự ARRC nhưng Lê Khánh Lộc đã cho thấy anh không phải “dạng vừa” và sẵn sàng “trả miếng”, anh cho thấy một tư duy thi đấu đầy khôn ngoan và bản lĩnh trong cuộc đấu này. Và chiến thắng trong cuộc chạm trán này ở ngày đua thứ 1 cuối cùng đã thuộc về tay đua người Việt Nam, qua đó giúp Lê Khánh Lộc về đích ở vị trí thứ 21/26.
Bên cạnh đó, nội dung UB150 ở ngày thi đấu đầu tiên phải kể đến một pha té ngã kinh hoàng của tay đua Izzat Zaidi (Malaysia), khi vừa cán đích ở vị trí thứ 5, tay đua này bất ngờ để xảy ra va chạm với tay đua Amirul của đội Yuzy Honda Vietnam Racing Team và bất tỉnh tại chỗ. Hi vọng tay đua này sẽ sớm trở lại thi đấu tại chặng cuối cùng sắp tới.
Tại nội dung AP250, “Gã Điên” Cao Việt Nam bước vào ngày thi đấu thứ nhất với chút “gợn” về chiếc xe của mình, vị trí xuất phát thấp cùng với sự xuất phát không thực sự tốt, Cao Việt Nam lần lượt bị 3 tay đua xuất phát phía sau vượt mặt. Tuy nhiên, bất chấp màn khởi đầu không may mắn, Cao Việt Nam sau đó đã cho thấy một hình ảnh làm hài lòng tất cả thành viên của đội Honda Việt Nam Racing, một hình ảnh thi đấu đầy máu lửa nhưng cực kì lạnh lùng và ít va chạm.
Cao Việt Nam cho thấy những gì tinh túy nhất của mình ở 2 khúc cua cuối cùng. Cao Việt Nam chủ động che chắn trên những đoạn đường thẳng và chỉ có thể thực hiện tấn công ở những khúc cua gắt nhờ vào kỹ thuật cá nhân. Kể từ vòng thứ 8, Cao Việt Nam đã mạnh mẽ vượt lên 13 tay đua khác và cạnh tranh gay gắt để chiếm lấy vị trí thứ 16.
Đến vòng cuối cùng, vị trí thứ 16 này là cuộc cạnh tranh của ít nhất 4 tay đua, Cao Việt Nam sau khúc cua thứ 10 đã bị đẩy xuống vị trí thứ 19, tưởng như mọi chuyện đã an bài thì sau khúc ngoặt cuối (cua thứ 11 và 12) anh đã có một pha xử lý “thần sầu”, cùng lúc anh thoát cua và vượt qua tới 3 tay đua trước mặt rồi đầy khôn ngoan tách top mặc cho 3 tay đua còn lại cạnh tranh cho vị trí thứ 17.
Đây là một kết quả cực kì đáng tiếc cho Cao Việt Nam bởi anh chỉ cách vị trí có điểm đúng 1 vị trí. Sau trận đấu, Cao Việt Nam cho biết: “Nếu không bị trục trặc lúc xuất phát và những cảm nhận không tốt về xe, em sẽ có thể cải thiện được thêm 3-4 bậc thi đấu. Hi vọng ngày mai em sẽ có sự xuất phát tốt hơn.”
Ngày đua thứ 2: Khi hay nhưng không hên
Bước vào ngày thi đấu thứ 2, Honda Việt Nam Racing đã cố gắng để khắc phục tất cả những sự cố đã gặp phải của ngày thi đấu thứ nhất cũng như có những điều chỉnh chiến thuật cho các tay đua. Tuy vậy ở ngày thứ 2 này, may mắn đã không đứng về phía họ.
Tại nội dung UB150 do tay đua đua Izzat Zaidi (Malaysia) phải bỏ cuộc do va chạm, Lê Khánh Lộc được đôn lên vị trí xuất phát thứ 24/26. Và Lê Khánh Lộc đã cho thấy một quyết tâm cực lớn để xóa đi màn trình diễn nhạt nhòa ngày hôm qua. Ngay từ khi xuất phát, Lê Khánh Lộc đã lao lên nhằm chiếm lấy những vị trí cao hơn nhưng đã không thành công. Tiếp theo đó Lê Khánh Lộc dường như còn bị chậm hơn, thậm chí anh còn bị tay đua nữ Miu Nakahara của Nhật Bản (xuất phát cuối cùng) vượt qua. Cả trận Lê Khánh Lộc đã phải chật vật trong cuộc đấu với nữ tay đua này và gần như luôn bị thất thế.
Do là ngày thi đấu cuối cùng nên các tay đua cũng thi đấu “tất tay” hơn, cộng với việc mặt đường sân xấu đã khiến tới 8 tay đua phải bỏ cuộc do trượt ngã hoặc hỏng xe. Qua đó gián tiếp khiến cuộc đấu giữa Lê Khánh Lộc và Miu Nakahara trở thành cuộc đấu cho vị trí thứ 15. Tuy nhiên, Lê Khánh Lộc đã để bị thua trong gang tấc, qua đó vụt mất mục tiêu có điểm ở chặng này trong tức tưởi.
- Xem thêm: Toyota Việt Nam đồng hành cùng “Giải đua xe ôtô địa hình Việt Nam – Vietnam Offroad Cup 2018”
Sau trận, Lê Khánh Lộc lí chia sẻ: “Chiếc xe của em hôm nay gặp vấn đề rất nặng. Kể từ vòng đua thứ 2 trở đi, mỗi khi vào cua là chiếc xe của em bị giật rất mạnh khiến em bị mất ưu thế hoàn toàn. Em rất tiếc nuối vì chỉ cần chút xíu nữa thôi là em có thể giành được điểm rồi.” Chắc chắn vị trí thứ 16 này không thể khiến Lê Khánh Lộc và toàn đội hài lòng.
Tại nội dung AP250 ở ngày thi đấu thứ 2, sau 1 đêm miệt mài lên phương án, các kỹ sư của Honda Việt Nam Racing đã khắc phục được vấn đề khiến chiếc xe của Cao Việt Nam đề pa không hoàn hảo, qua đó giúp “Gã Điên” tự tin hơn trong ngày thi đấu cuối cùng nhằm quyết tâm cải thiện thứ 16 mà hôm qua anh đã đạt được.
Không còn gặp trở ngại, ngay khi xuất phát Cao Việt Nam bỏ chỗ này thôi , vì race 2 xuất phát vẫn bị lỗi như thường và vươn lên chiếm một vị trí trong top 15, sau đó anh đã liên tục duy trì được vị trí này và bám đuổi top đầu trong hơn 2 vong đua tiếp đó.
Tuy vậy khi đến đoạn cua số 9-10 của lap thứ 10 (mười chứ không phải 3), Cao Việt Nam dường như gặp vấn đề nghiêm trọng, giống Lê Khánh Lộc, chiếc xe của Cao Việt Nam bị giật mạnh khi thoát cua, và đến đoạn đường thẳng chiếc xe của anh cũng không chạy mượt được như thường lệ.
Vấn đề này tiếp tục diễn ra trong phần còn lại của trận đấu qua đó khiến Cao Việt Nam hoàn toàn thất thế trong cuộc đua, qua đó khiến anh chỉ có thể cán đích ở vị trí thứ 20/30, tụt tới 4 bậc so với ngày thi đấu hôm qua.
Với quyết tâm giành được điểm số ở vòng này, kết quả này đã không đạt được đúng mục tiêu đề ra của tay đua và toàn đội. Sau trận anh cho biết: “Em đã không được may mắn, chiếc xe của em hôm nay có vấn đề. Chiếc xe có hiện tượng bị hóc số khi vào cua và trên đường thẳng thì bị tự nảy số khiến em gặp rất nhiều khó khăn. Và kết quả này khiến em không thể vui một chút nào được”.
Tuy nhiên, với “Gã Điên” thì trận đấu đã ở lại, kết quả thế nào thì đã được biểu hiện trên bảng tổng sắp, anh sẽ không bận tâm thêm nhiều và hướng tới chặng đua cuối cùng tại Thái Lan vào tháng 12 tới, anh vô cùng tự tin vào chặng cuối này: “ Giờ đây em sẽ tập trung tối đa vào chặng Thái Lan tới, Chang International Circuit có thể coi giờ như sân nhà của em rồi, em rất tự tin có thể vượt qua được thành tích đã đạt được tại Ấn Độ hồi tháng 8”.
Như vậy, Honda Việt Nam Racing đã khép lại chặng thi đấu thứ 5 tại Indonesia với rất nhiều sự tiếc nuối. Con số 16 có lẽ là một nỗi “ám ảnh” thực sự với toàn đội cũng như các tay đua, tất cả chỉ còn cách mục tiêu có điểm số trong gang tấc. Đặc biệt đội ngũ kỹ thuật của Honda Vệt Nam Racing chắc chắn sẽ có những ngày tháng bận rộn hơn bao giờ hết sau chặng này, bởi nếu những sự cố ở chặng này được tái diễn ở chặng cuối cùng thì sẽ không ai có thể coi đó là câu chuyện của may mắn nữa.
Giờ đây, hai tay đua cùng toàn đội Honda Việt Nam Racing đã trên đường trở về Việt Nam, nhưng trong đầu họ giờ đây sẽ toàn là hình ảnh thành phố Buriram cùng trường đua Chang International Circuit.
Hẹn gặp lại các bạn tại chặng 6, chặng cuối cùng của mùa giải ARRC 2018 sẽ diễn ra tại Thái Lan vào tháng 12 tới.