Bí ẩn như…chất lượng xe Trung Quốc

Có một con xe Trung Quốc đang gây áp thấp nhiệt đới trên nhiều kênh review xe Việt cũng như trên các diễn đàn.

Con đấy được mô tả tóm tắt như sau: Phong cách thiết kế Crossover châu Âu này. Tay nắm thò thụt tựa Land Rover này. Màn hình song sinh nét như Mercedes này. Ghế da Nappa này đến nhiều dòng luxury còn chưa có. Nhận diện gương mặt như Iphone X này. Tự động vô chuồng như Tesla này. Giá thì rẻ hơn cả Hyundai Kona này. Cứ tính các gạch-đầu-dòng đồ chơi, tiện nghi, công nghệ, lại thêm cái giá bán ấy nữa, thì các hãng xe Đức, Mỹ, Nhật toàn thế giới chỉ còn cách xấu hổ tự vả vào mặt !!!

Có điều, xem xong thì anh em nào cũng lăn tăn đúng một câu-hỏi-cốt-lõi: Chất lượng nó thế nào, độ an toàn, độ chính xác, độ bền bỉ, độ tin cậy ra sao? (đó là chưa kể nó ảnh hưởng tới môi trường, sức khoẻ ra sao, bảo hành bảo dưỡng bảo mật thông tin thế nào, v.v).

Một câu hỏi hiện tại chưa có lời đáp, cả thế giới chưa có lời đáp luôn- nói thế cho nhanh, bởi ngoài các kênh review xe tiếng Việt và tiếng Trung ra, chưa có bất cứ một trang, kênh đánh giá xe uy tín nào của thế giới lên tiếng về chất lượng “chiếc-xe-của-tương-lai” này. Chất lượng xe TQ với thế giới vẫn luôn là một bí ẩn, như tất cả những gì “bí ẩn” từng diễn ra trong biên giới quốc gia này.

Hiện thời, những người tin tưởng trên đời ngoài sữa mẹ, còn có một thứ khác qui tụ đủ cả Ngon-Bổ-Rẻ, có 2 bảo bối cho niềm tin, là Trung ương và…Mercedes.

– Thứ nhất, xe này của hãng Trung ương, Trung ương bao giờ chả hàng tốt.

– Thứ hai, hãng này liên doanh với Mercedes, nắm giữ 51% cổ phần Mercedes, chia sẻ công nghệ Đức. Nghe cũng hấp dẫn đấy. Nhưng nếu chịu khó đọc kỹ thông tin một tí, thấy niềm tin này cũng bí ẩn và chơi vơi lắm í.

– Thứ nhất: Hàng Trung ương bao giờ chả tốt- câu này nghe quen cực, mà cách đây hai chục năm có lẻ, hồi tớ lên Lạng Sơn mua tivi, được giới thiệu loại Trung ương số 1 thế giới- giờ cái tên ấy theo gió bay đi đâu rồi. Trong ngạch xe hơi, thương hiệu xe TQ dẫn đầu thị trường đại lục và được biết nhiều nhất trên thị trường thế giới là Geely, công ty tư nhân. Còn BAIC, hãng xe được nói ở trên, Trung ương thật, nhưng còn chưa lọt nổi vào Top 20 thương hiệu xe nội địa TQ và trên thị trường quốc tế, thương hiệu này nổi tiếng trong Top 10 “Copy & Paste Cars”.

– Thứ hai, cái mác “Trung ương” của BAIC to ở chỗ, theo luật của chính phủ TQ, các thương hiệu xe nước ngoài muốn vào TQ bắt buộc phải liên danh với một đơn vị của nhà nước. Và để quản không cho thế lực nước ngoài bành trướng, luật cũng qui định trong liên danh, phía nhà nước TQ nắm giữ ít nhất 51% cổ phần. Đây là lý do Mercedes chỉ giữ được 49% cổ phần trong liên danh với BAIC (BAIC-Benz). Ngoài buộc dây với Mercedes, với mác quốc doanh của mình, BAIC còn có hàng loạt các liên danh khác với Saab, Hyundai, … BAIC cũng “to” như SAMCO ở Việt Nam vậy!

Khỏi cần nói, thương hiệu làm lợi nhiều nhất cho BAIC là Mercedes. SAMCO trong Mercedes-benz Việt Nam cũng vậy mà. Nhưng ở Việt Nam SAMCO dính tên và dính đất để “ăn tiền” thôi, còn BAIC thì tìm cách ăn cả giá trị thương hiệu và công nghệ của các đối tác nữa. Nên ngoài việc cùng sản xuất xe Mercedes tại TQ, BAIC còn tranh thủ chế thêm các sản phẩm riêng của mình từ việc chia sẻ nền tảng công nghệ, điển hình là chiếc BAIC BJ80, BJ90 nhái lại G-Class. BAIC BJ80 trông chả khác gì một chiếc G-Class về ngoại và nội thất, chỉ có động cơ và công nghệ thì Mercedes không cho xài chung, nên phải mượn từ hãng Nhật, chỉ có giá 42.600 USD, trong khi bản “xịn” Mercedes G-class bản mới giá từ 230.000 USD. Nhưng người tiêu dùng TQ cũng chả mặn mà với G-Class nội địa giá rẻ, job này coi như thất bại.

Bí ẩn như…chất lượng xe Trung Quốc
BAIC BJ80 trông chả khác gì một chiếc G-Class

Chỉ có người Đức là đau trong vụ này. Mà “há miệng mắc quai”. Người phát ngôn của Mercedes-Benz, Toby Mueller, chỉ dám bày tỏ thái độ không hài lòng với chiếc “G-Class Bắc Kinh” trên Instagram chứ trên kênh chính thức, Mercedes “ngậm bò hòn làm ngọt”. Bởi lẽ trong cuộc hôn nhân cưỡng ép này, Mercedes đang kiếm lợi lớn. 1/4 số lượng xe Mercedes bán trên toàn cầu là sản xuất tại BAIC-Benz và bán tại Trung Quốc!

– Thứ ba, quay về cái con xe gây áp thấp nhiệt đới xứ Việt đi, thì có liên quan gì tới Mercedes không? Không, không, trăm lần không, vạn lần không – anh Mercedes hát thế!

Mà BAIC thì cũng chả muốn. Bởi như đã nói, hợp tác chia sẻ công nghệ với Mercedes như vụ làm G-Class giá rẻ thất bại-rẻ với G xịn thôi, chứ vẫn là đắt nhất trong các sản phẩm SUV của BAIC (hừ, công nghệ Đức, chất lượng châu Âu, dù có nhân công Tàu gánh đỡ thì cũng lấy đâu ra mà rẻ!). BAIC quyết định đẻ ra thương hiệu mới, Beijing, với công nghệ tự có (loại gì, như thế nào hiện thời chưa ai biết). Bản thân Mercedes-Benz Technology cũng đã rút hoàn toàn khỏi liên doanh BAIC Deben Technology Center Co., Ltd. Bắc Kinh trở thành chủ sở hữu 100% của trung tâm công nghệ này. Toàn bộ các giám đốc điều hành nước ngoài của BAIC Deben đã rút khỏi hội đồng quản trị. Hiện tại, các giám sát viên, giám đốc, giám đốc và thậm chí cả tổng giám đốc của BAIC Deben đều là người Trung Quốc. Sản phẩm đầu tiên của thương hiệu Beijing có thể hiểu là chả có chia sẻ hàm lượng công nghệ nào từ phía Mercedes.

– Thứ tư, nói thêm chuyện ngoài lề về người Đức ở đại lục. Mercedes đã để khoảng 15% cổ phần rơi vào tay TQ (con số này không nhỏ, nó có thể kiểm soát phần nào các quyết định chiến lược của hãng xe Đức). Gần 10% nằm trong tay Geely, người đã mua 100% hãng xe Volvo của Thuỵ Điển, giao dịch giấu tên thông qua ngân hàng HSBC, thương vụ hoàn tất nhiều người mới ngã ngửa. Còn 5% BAIC mua được thông qua một công ty con hợp tác giữa BAIC và Daimler ở đại lục. Tất nhiên người Đức cũng tìm cách mua lại cổ phần của BAIC để tạo thế cân bằng đồng thời nỗ lực ngăn chặn việc người khổng lồ Trung Quốc công khai bày tỏ mong muốn tăng thêm cổ phần ở Daimler.

Anh Tàu này lúc nào cũng thâm cung bí sử. Mình mày mò thông tin tùm lum vậy thôi chứ ai hỏi: Thế chốt lại cái con-xe-của-tương-lai ấy có tin được không? Thì mình thú thật rằng: Thôi để tương lai trả lời. Chứ hiện tại nửa thế kỷ đời mình chỉ biết trên đời này duy nhất có một thứ Ngon-Bổ-Rẻ mà thôi: Sữa mẹ.

 

Exit mobile version