Bugatti đã chính thức trình làng chiếc PHEV đầu tiên có tên gọi Tourbillon và được xem là người kế nhiệm của mẫu siêu xe Chiron sau 8 năm sản xuất với 500 chiếc trên toàn thế giới.
Bugatti Tourbillon được đặt tên theo cơ chế hoạt động chính xác trên một mẫu đồng hồ siêu đắt tiền. Tourbillon có nghĩa trong tiếng Pháp là “cơn lốc”, đây là chiếc siêu xe đầu tiên được sản xuất kể từ khi Molsheim sáp nhập với Rimac.
Động cơ V16 hút khí tự nhiên 8,3 lít hoàn toàn mới của Tourbillon được phát triển với sự hợp tác của Cosworth, có trọng lượng 252 kg, nó có thể tạo ra công suất 1.000 PS và mô-men xoắn 900 Nm. Xe có dẫn động bánh sau thông qua hộp số ly hợp kép 8 cấp mới và bộ vi sai hạn chế trượt điện tử.
Tăng cường cho động cơ đốt trong là ba động cơ điện, bao gồm một động cơ điện 340 PS/240 Nm nằm giữa động cơ V16 và hộp số. Một cặp động cơ 340 PS khác cung cấp năng lượng cho bánh trước, dẫn động bốn bánh, truyền mô-men xoắn qua trục trước.
Tổng công suất hệ thống PHEV của chiếc Tourbillon lên đến 1.800 PS. Chiếc Toubillon có khả năng tăng tốc từ 0 lên 100 km/h chỉ trong 2 giây và vượt qua mốc 200 km/h trong vòng chưa đầy 5 giây.
Đặc biệt, khi sử dụng chế độ chìa khóa đặc biệt Speed Key, chiếc Tourbillon có thể đạt tốc độ tối đa 445 km/h (thấp hơn so với tốc độ 490 km/h của Chiron Super Sport 300+). Cung cấp năng lượng cho động cơ điện là cục pin 25 kWh, cho phép quảng đường di chuyển hoàn toàn bằng điện là 60 km.
Bao bọc động cơ đốt trong là cấu trúc thân xe bằng composite mới được làm từ sợi carbon T800, tích hợp pin, bộ khuếch tán phía sau với cấu trúc chống va chạm được tích hợp và cả cửa hút gió phía trước.
Xe cũng có các bộ phận in 3D, như thanh giằng kết cấu phía trước và phía sau cũng như các tay đòn và thanh đứng trên hệ thống treo đa liên kết toàn diện, giúp giảm 45% trọng lượng của hệ thống treo.
Tourbillon có phanh gốm carbon, chức năng phanh hơi ở cánh sau và hệ thống phanh bằng dây liên kết với hệ thống truyền động thông qua bộ điều khiển phi tuyến tính tích hợp của xe. Các đĩa phanh ẩn sau bánh xe hợp kim 20 inch ở phía trước, 21 inch ở phía sau, được bọc trong lốp Michelin Pilot Cup Sport 2 đặt riêng có kích thước 285/35 R20 ở phía trước và 345/30 R21 ở phía sau.
Về tổng thể, Tourbillon được thiết kế để cân bằng giữa hiệu quả khí động học và yêu cầu làm mát của hệ truyền động. Xe vẫn giữ nguyên đường nét đặc trưng hình chữ C của Bugatti, nhưng được uốn cong lớn hơn về phía dưới, tạo cho vẻ ngoài của chiếc xe thể thao hơn.
Ở phía trước, lưới tản nhiệt hình móng ngựa được làm rộng hơn và các khe hút gió ở hai bên lớn hơn. Nằm bên dưới đèn pha mỏng là cửa hút gió khác dẫn không khí qua chắn bùn phía trước vào các tấm chắn bên.
Bên hông của Tourbillon có thiết kế bởi những đường cong gợi cảm, đặc biệt là phần uốn cong trên bánh sau. Phần đuôi xe, đèn hậu kéo dài cả chiều ngang với dòng chữ “Bugatti” nổi bật, bộ khuếch tán lớn bắt đầu từ ngay phía sau cabin, tích hợp ống xả hình tứ giác mỏng.
Tourbillon có thiết kế buồng lái kép (dual-cockpit) đặc trưng của Bugatti. Cabin được phân chia bằng đường trung tâm, cần gạt nước gắn ở giữa ở phía trước có dải đèn chiếu sáng ở phía sau.
Phía trước người lái, một cụm đồng hồ analog thông tin kỹ thuật có khung được thiết kế và chế tạo bởi các thợ đồng hồ Thụy Sĩ được lấy cảm hứng từ thiết kế của đồng hồ Tourbillon.
Cụm đồng hồ được tạo thành từ 600 bộ phận chi tiết được sản xuất từ titan và đá quý như sapphire và hồng ngọc. Mặt số có thiết kế phức tạp, với đồng hồ tốc độ đồng tâm và bộ đếm vòng tua máy. Cụm đồng hồ này nằm ngay giữa vô lăng trên một trục trung tâm cố định. Cần số được gắn ở hai bên.
Bảng điều khiển trung tâm được làm từ nhôm với pha lê với các mặt đồng hồ bằng nhôm có khía và cần khởi động hệ thống truyền động độc đáo. Một màn hình xoay được ẩn đi và chỉ trong hai giây màn hình xuất hiện ở chế độ dọc (sử dụng camera lùi) và 5 giây ở chế độ màn hình ngang.
Ghế được cố định xuống sàn xe, không chỉ giúp giảm trọng lượng mà còn giúp Bugatti hạ thấp đường mui xe đáng kể, giảm diện tích phía trước và giúp giảm lực cản. Một biện pháp giảm trọng lượng khác là hệ thống âm thanh loại bỏ loa và loa trầm, thay vào đó là các bộ kích thích làm rung các tấm cửa và các tấm khác để tạo ra âm thanh.
Bugatti cho biết, Tourbillon hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm trước khi giao hàng cho khách hàng vào năm 2026. Chỉ có 250 chiếc được sản xuất, với giá bán 3,8 triệu euro (khoảng 103 tỷ đồng).
- Xem thêm: L’Ultime – Chiếc Bugatti Chiron thứ 500