Grab thâu tóm Uber: Không dễ làm sáng tỏ thị phần của “ông lớn” quá bán

Grab thâu tóm Uber

Cục Quản lý cạnh tranh đã quyết định sẽ điều tra việc Grab thâu tóm Uber tại Việt Nam do đã có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh. Song, để làm rõ được con số 50% thị phần là khá khó khăn.

30% hay 50% đều khó làm rõ

Sau thông báo của Bộ Công thương về quá trình điều tra sơ bộ cho thấy việc kết hợp giữa Grab và Uber tại Việt Nam có thị phần vượt ngưỡng 50% là vi phạm pháp luật cạnh tranh. Song nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ, con số “50%” này khó có cơ sở chứng minh hợp lý.

Sau thương vụ Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam thì Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương vừa ra kết luận, việc mua bán này đã vượt quá 50% thị phần. Do vậy, đã có dấu hiệu cho thấy, Grab vi phạm Luật cạnh tranh và sẽ bị điều tra.

Tuy vậy, báo cáo Bộ Công thương, phía Grab Việt Nam vẫn khẳng định, việc mua lại Uber Việt Nam thì tổng thị phần của Grab vẫn thấp hơn 30%. Do đó, Grab cho rằng mình không cần phải báo cáo với cơ quan chức năng về giao dịch.

Mặc dù Cục Quản lý cạnh tranh đã cho biết, sẽ điều tra sơ bộ hành vi mua Uber của Grab tại Việt Nam, nhưng phía Grab cũng không đưa ra được căn cứ cụ thể để chứng minh cho nhận định về thị phần nêu trên. Tương tự, tại Philippines, Singapore, Grab cũng bị điều tra sau thương vụ mua Uber.

Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ, việc chứng minh thị phần của Grab đã vượt quá 50% sau khi mua Uber là khá khó khăn để chứng minh con số này.

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia Kinh tế cho rằng, nhận định “Grab đang độc quyền và chiếm trên 50% trên thị trường dịch vụ kết nối vận tải thông qua phần mềm và điều này có thể gián tiếp làm tăng giá cước dịch vụ vận chuyển hành khách, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng” có phần chủ quan.

Lý giải nhận định này, PGS-TS Ngô Trí Long phân tích: “Khi nói “Grab đang độc quyền và chiếm 30 – 50% thị trường liên quan” là người ta đang nói đến thị trường dịch vụ kết nối vận tải thông qua phần mềm. Trong thị trường này thì bên cung cấp dịch vụ là Grab và các doanh nghiệp cung cấp phần mềm kết nối, còn bên mua dịch vụ là các đơn vị vận tải. Như vậy, thị trường này không liên quan đến hành khách đi xe vì tuy cũng sử dụng phần mềm để đặt xe nhưng hành khách không phải trả tiền mua dịch vụ kết nối”.

Bên cạnh đó, trong thị trường dịch vụ vận tải hành khách, các xe sử dụng phần mềm kết nối nói chung hay phần mềm Grab nói riêng không thể chiếm tới 30% thị phần được vì còn có các “ông lớn” khác như Vinasun, Mai Linh và hàng trăm hãng taxi ở địa phương. Đó là chưa kể đến các loại hình vận tải hành khách công cộng khác có thể thay thế cho taxi và dịch vụ vận tải sử dụng ứng dụng kết nối.

Grab thâu tóm Uber
Thương vụ Grab thâu tóm Uber ồn ào thời gian qua thực chất giống một thỏa thuận hơn là mua bán

Cuộc tranh luận còn kéo dài

Cùng chung quan điểm này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico cũng cho rằng, nếu như Cục Cạnh tranh tính con số 50% dựa trên doanh thu toàn bộ của Grab trên doanh thu của taxi công nghệ tại sáu tỉnh, thành phố theo Đề án thí điểm của Bộ GTVT là “chơi không đẹp”. Bởi những hãng khác như Mai Linh, Vinasun… cũng sử dụng phần mềm nhưng số lượng ít, không phổ biến.

“Tiêu chí phản ánh đúng nhất theo tôi là doanh thu. Tuy nhiên, phải tính trên phần trăm mà Grab và Uber được hưởng từ đối tác sau mỗi chuyến xe kết nối thành công (20 – 24%) trên doanh thu của toàn bộ thị trường taxi”, luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ.

Song, luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, dù sao vẫn phải chờ kết luận điều tra của Cục Cạnh tranh để có được cái nhìn toàn diện chính thức về vụ việc này.

Theo một chuyên gia lâu năm trong ngành, đến nay vẫn chưa biết được cụ thể giao dịch giữa Grab và Uber sau thương vụ ồn ào mua bán, sáp nhập vừa qua.

“Phải căn cứ vào giao dịch chuyển nhượng, mua bán mới có thể nắm được vấn đề. Còn trên thực tế, thương vụ thâu tóm này giống một thỏa thuận hơn là mua bán,” chuyên gia này bày tỏ.

Trước đó, ngày 18-5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-CT về việc điều tra chính thức vụ việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam.

Theo đó, Cục Cạnh tranh sẽ tiến hành điều tra vụ việc theo đúng quy định của pháp luật cạnh tranh. Thời hạn điều tra chính thức là 180 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra chính thức; trường hợp cần thiết, có thể gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày.

Chia sẻ thêm về vụ việc, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử, ứng dụng kết nối qua thiết bị di động… là những phát triển của thực tiễn xã hội, đang đòi hỏi phải có sự phân loại, định danh các dịch vụ, các thị trường một cách có hệ thống. Tức là phải có những thay đổi về định nghĩa, khái niệm có liên quan một cách đồng bộ, thống nhất ở tầm luật định.

“Nếu cứ để từng cấp, từng ngành giải quyết vấn đề thì tôi cho rằng việc tranh luận, cãi vã “Grab chiếm thị phần như thế nào trong vận tải” hay trên các thị trường khác như giao hàng, giao nhận thức ăn, tài chính… sẽ còn kéo dài”, PGS-TS Ngô Trí Long nhìn nhận.

– Theo Hải Dương / ANTĐ

Exit mobile version