Bosch vừa thông báo bổ nhiệm nhân sự mới: Ông Guru Mallikarjuna đã đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc công ty, thay ông Võ Quang Huệ từ ngày 25-8-2017. Vậy ông Võ Quang Huệ đi đâu? Câu trả lời nằm ở cái tên gây xôn xao dự luận Việt Nam trong vài ngày gần đây: Vinfast.
Cụ thể, sau sự kiện khởi công nhà máy sản xuất ôtô Vinfast, trên trang cá nhân của mình ông Võ Quang Huệ viết rằng: “Tôi cũng muốn nhân cơ hội này để thông báo cho bạn rằng tôi sẽ gia nhập Vingroup với tư cách là Phó tổng giám đốc ngành Ôtô, giám sát dự án Vinfast này, bắt đầu cách đây vài ngày”.
Rõ ràng, đảo một vòng nhân sự “siêu cao cấp” tại Việt Nam, quả thật, chẳng có ai hợp với Vinfast hơn ông Huệ! Doanh nhân đất Quảng từng tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật ôtô ở thành phố Koeln và kỹ thuật cơ khí ở thành phố Achen, Đức – cái nôi trong lĩnh vực cơ khí chính xác. Từ năm 1980, ông làm việc tại Tập đoàn BMW, một trong những công ty sản xuất ôtô hàng đầu thế giới.
Từ kỹ sư, ông dần tiến lên các vị trí quản lý cấp cao, như trưởng đại diện của BMW tại Ai Cập trong sáu năm; trước khi về Việt Nam làm việc cho Bosch vào tháng 8-2006. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ giúp Bosch nhanh chóng làm quen và có thể “cắm dùi” ở Việt Nam, ông được Bosch bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam tháng 2-2008.
Sau 10 năm lãnh đạo Bosch Việt Nam, ông đã giúp Bosch trở thành một trong những công ty sản xuất linh kiện ôtô chất lượng thế giới lớn nhất Việt Nam. Ngoài sản xuất, hiện tại Bosch còn mở rộng thêm ba lĩnh vực khác: nghiên cứu – phát triển, kinh doanh và dịch vụ. Bên cạnh đó, Bosch đang vận hành hai trung tâm: Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ và các giải pháp doanh nghiệp; Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ ôtô tại TP.HCM.
Bosch Việt Nam hiện có một trụ sở chính ở TP.HCM, hai chi nhánh ở Hà Nội và Đà Nẵng cùng nhà máy Gasoline System tại Đồng Nai. Tính đến cuối 2016, Bosch Việt Nam có hơn 3.000 nhân viên cùng 3.100 cộng sự.
Thế nên, có thể nói, tại Việt Nam, không ai có thể hiểu việc chế tạo một chiếc xe hơi chất lượng quốc tế rõ hơn ông Huệ. Còn việc từ làm chủ đến làm thuê? Thật ra, dù ông Huệ có “hô mưa gọi gió” tại Việt Nam thì vẫn phụ thuộc vào công ty mẹ Bosch ở Đức. Thêm nữa, đến một tầm nào đó, người ta sẽ không còn quan trọng việc làm thuê hay làm chủ. Quan trọng nhất: không phải là làm việc cho ai mà làm được cái gì!
“Tôi thực sự tin tưởng rằng việc gia nhập Vinfast sẽ là một bước tiến thú vị trong việc tiếp tục theo đuổi ước mơ của tôi là làm cho Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ nổi bật trong khu vực ASEAN hiện nay và trong nhiều năm tới”, ông Huệ nói.
Bên cạnh ông Võ Quang Huệ, qua những chuyển động gần đây, có thể thấy, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch tập đoàn cũng sẽ là hai trong những “chiến tướng” mà ông Vượng đã, đang và sẽ mời về để lèo lái “con tàu” Vinfast.
Nếu như ông Huệ là người mới thì ngược lại, bà Thủy vốn là “người nhà”. Việc bà Thủy đứng ra trả lời về dự án Vinfast với hãng thông tin chuyên về tài chính Bloomberg, nói lên rất nhiều vấn đề. Bà chắc chắn phải có vai trò gì đó rất lớn trong Vinfast, mới được Vingroup cử làm người phát ngôn. Ví dụ như Giám đốc tài chính chẳng hạn. Vinfast sẽ có gói vay 800 triệu USD với Credit Suisse AG cho dự án sản xuất ôtô này và việc thu xếp làm việc với các định chế tài chính này có lẽ không ai có thể phù hợp hơn bà Thủy – một người có kinh nghiệm tám năm “dùi mài kinh sử” tại Lehman Brothers, một ngân hàng đầu tư từng được cả thế giới ngưỡng mộ.
Trước khi đến với Vingroup, bà Thủy từng làm việc trong Lehman Brothers và dần tiến lên vị trí Phó chủ tịch công ty tại Nhật Bản, Thái Lan và Singapore. Năm 2008, bà được Chủ tịch Vingroup chiêu mộ về làm Trưởng ban đầu tư Công ty cổ phần Vincom. Sau đó lên làm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, rồi CEO năm 2012. Năm 2014, bà từ chức CEO của VinE-com năm 2014 và cả chức Phó chủ tịch tập đoàn.
Tuy nhiên, trong tin bài giới thiệu về Vinfast, Bloomberg vẫn để chức doanh của bà Thủy là Phó chủ tịch tập đoàn. Có lẽ, bà Thủy đã được bổ nhiệm lại, song Vingroup chưa thông báo và Vinfast sẽ là thử thách tiếp theo của nữ doanh nhân sinh năm 1974 sau VinE-com.
Với việc Bosch mất CEO của mình là ông Võ Quang Huệ cho Vinfast, hẳn ban lãnh đạo của nhiều tập đoàn lớn đang ngồi lo lắng về việc giữ nhân sự. Vinfast vẫn còn rất nhiều vị trí nhân sự “siêu cao cấp” khác để trống: makerting, cung ứng, kế hoạch…
Theo thông tin từ một công ty trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí chính xác, một số nhân sự của họ cách đây hơn một tháng đã chuyển sang để chuẩn bị dự án xe điện tỉ phú Phạm Nhật Vượng. Nguồn tin này cho hay những đối tượng được “câu” bằng chế độ lương “khủng”.
- theo Nguoiquanly.vn