Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) vừa có công văn lần thứ 4 gửi lên Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành nhằm kiến nghị về việc thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP liên quan tới các quy định về nhập khẩu xe ôtô. Trong đó có nhiều lý do được chính các doanh nghiệp trong ngành cho rằng chưa hợp lý.
Đáng lưu ý, về yêu cầu về đường thử bắt buộc đối với nhà sản xuất, lắp ráp xe ôtô trong nước theo quy định tại Nghị định 116, VAMA kiến nghị Chính phủ không áp dụng hồi tố đối với các nhà sản xuất đang hoạt động tại Việt Nam.
“Đây là yêu cầu bắt buộc đối với nhà sản xuất trong nước phải sở hữu hoặc thuê đường thử dài 800m. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chưa có thành viên VAMA nào có sẵn đường thử như vậy. Điều này có nghĩa là mỗi thành viên VAMA cần phải xin thêm đất và đầu tư thêm nhiều tiền vào việc xây dựng đường thử mới, hoặc mở rộng đường thử hiện tại, hay phải thuê đường thử”, VAMA cho biết.
Đồng thời, khẳng định VAMA không thể đáp ứng được yêu cầu này do… không có đủ đất cho việc xây dựng đường thử mới hoặc mở rộng đường thử. Việc thuê đường thử cũng được cho biết là không khả thi do chi phí thuê và vận chuyển xe từ nhà máy đến đường thử và ngược lại rất cao vì Nghị định 116 yêu cầu 100% xe sản xuất ra phải chạy thử trên đường thử.
Trên thực tế, trong khi VAMA với các thành viên chủ yếu là những “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất ôtô như Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam… còn đang “bận” gửi công văn để xin ưu đãi thì phía các nhà sản xuất trong nước lại “âm thầm” bỏ tiền bỏ sức đầu tư nhằm thực hiện đúng quy định, đảm bảo chất lượng cho những sản phẩm được bán ra thị trường.
Theo Nghị định 116, đường thử xe có chiều dài tối thiểu 800m, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để kiểm tra được chất lượng của xe sản xuất, lắp ráp trước khi xuất xưởng: Việc chạy thử xe sau khi được sản xuất, láp ráp là một việc rất quan trọng, đảm bảo cho xe chất lượng ổn định trước khi xuất xưởng, nếu đường thử xe không đáp ứng được tiêu chuẩn, không bố trí được các địa hình thử theo quy định sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của xe xuất xưởng.
Nội âm thầm đầu tư tiền của
Đường thử xe có chiều dài tối thiểu là 800m, bao gồm: đường bằng phẳng 400m (200m để kiểm tra tăng tốc theo quy định, 200m còn lại thử các tính năng khác như kiểm tra số, ổn định lái khi tốc độ cao, tiếng kêu ở tốc độ cao…); đường sỏi đá 25m; đường gồ ghề 25m; đường gợn sóng 25m; đường dốc 30m; đường trơn ướt 25m (đối với xe ôtô chở người dưới chín chỗ ngồi, để kiểm tra hệ thống chống trượt ngang khi phanh-ESP); đường cua; đoạn đường còn lại là khoảng cách giữa các đường địa hình, đường chờ trước khi tăng tốc. Xe trước khi xuất xưởng phải được kiểm tra trên tất cả các loại đường này để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và chất lượng của xe.
Cũng trong một văn bản gửi lên các cơ quan quản lý, một nhà sản xuất trong nước là Công cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) nhấn mạnh: “Nếu không áp dụng quy định về đường chạy thử đối với các nhà sản xuất đang hoạt động tại Việt Nam thì sẽ tạo ra không công bằng giữa nhà sản xuất mới và nhà sản xuất đang hoạt động”.
Phía THACO cũng thừa nhận rằng, để có thời gian cho các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị, Nghị định 116 thậm chí đã có quy định điều khoản chuyển tiếp đối với doanh nghiệp đang hoạt động và áp dụng sau 18 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, tức là sẽ áp dụng từ ngày 18-4-2019.
“Tuân thủ các quy định pháp luật của nhà nước, THACO đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị không chỉ có đường thử xe mà còn cả những cơ sở bảo hành, bảo dưỡng,… đáp ứng quy định tại Nghị định 116 và đã được các cơ quan ban ngành kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất lắp ráp ôtô cho Nhà máy sản xuất xe Bus Thaco. Bên cạnh đó, đối với ôtô nhập khẩu, THACO đã và đang thực hiện hồ sơ trình Bộ Công thương cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô để tiếp tục nhập khẩu ôtô từ ngày 1-1-2018”, THACO khẳng định.
Một nhà sản xuất trong nước khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công cũng thừa nhận, các điều kiện về đường thử dài tối thiểu 800m được đưa ra nhằm mục đích bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để kiểm tra chất lượng xe xuất xưởng.
Theo Thành Thành Công, các quy định về đường thử ôtô cũng như các yêu cầu chung về nhà xưởng, dây chuyền công nghệ lắp ráp, dây chuyền hàn, dây chuyển sơn, dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm là các yêu cầu rất cơ bản mà các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp cần đạt được để đảm bảo tối ưu hóa các công đoạn sản xuất, kiểm tra thử nghiệm sản phẩm, đảm bảo chất lượng đầu ra.
“Yêu cầu về đường thử có chiều dài tối thiểu là 800m là đặc biệt quan trọng bởi xe trước khi xuất xưởng phải được kiểm tra trên tất cả các loại đường này để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và chất lượng của xe”, Thành Thành Công cho biết. Thành Thành Công cũng khẳng định đáp ứng được tối đa các điều kiện theo Nghị định.
Không thể bỏ rơi quy định an toàn
Ngoài quy định liên quan tới đường thử 800m, tại công văn kiến nghị lần này, VAMA còn xin hoãn thi hành hàng loạt quy định đối với việc nhập khẩu xe tại Nghị định 116 trong ít nhất sáu tháng với lý do quá trình từ khi đặt hàng, sản xuất, vận chuyển xe ôtô từ nước xuất khẩu đến Việt Nam sẽ mất một thời gian dài.
Theo VAMA, mỗi doanh nghiệp nhập khẩu xe ôtô cũng cần thêm thời gian để xin giấy phép nhập khẩu xe ôtô theo yêu cầu của Nghị định 116. VAMA cũng muốn chỉ áp dụng thử nghiệm an toàn và khí thải với lô hàng đầu với lý do “không thể đáp ứng được yêu cầu này khi cùng kiểu loại xe ở các lô hàng khác nhau nhưng vẫn phải thử nghiệm đi thử nghiệm lại về khí thải và an toàn”. Đồng thời cho rằng, việc kiểm nghiệm tất cả các lô hàng sẽ “không có nhiều ý nghĩa về mặt quản lý nhà nước mà chỉ làm gia tăng thời gian chờ đợi lên thêm hai tháng và chi phí lên thêm 10.000 USD để thử nghiệm đối với mỗi kiểu loại xe trong lô hàng”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các nhà kinh tế, các chuyên gia, người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước cho rằng những kiến nghị của VAMA đang đi ngược lại lợi ích của người tiêu dùng. Trên thực tế, Nghị định 116 ra đời, được đánh giá là dựa trên tiêu chí bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như sự công bằng giữa các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, lắp ráp trong nước với các nhà nhập khẩu, từ đó tạo điều kiện để phát triển một nền công nghiệp ôtô thực sự.
Một số nhà sản xuất trong nước như Thaco hay Thành Thành Công kể trên nhiều lần bày tỏ hoàn toàn đồng thuận với các quy định được nêu trong Nghị định 116 và mong muốn cùng với Chính phủ Việt Nam phát triển ngành sản xuất ôtô trong nước thành ngành kinh tế chủ lực và hướng đến xuất khẩu ôtô theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 của Chính phủ.
Lãnh đạo một hãng sản xuất xe khẳng định: “Là một doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ôtô, chúng tôi ý thức được trách nhiệm của mỗi nhà phân phối bất kể hoạt động ở lĩnh vực nào (nhập khẩu, sản xuất lắp ráp hay bảo hành bảo dưỡng) đều phải làm tròn trách nhiệm của mình, thể hiện qua việc tuân thủ các quy định của pháp luật, cạnh tranh trong một môi trường minh bạch, lành mạnh, không thực hiện các hành vi gian lận thương mại nhằm trục lợi bất chính”.
Không những vậy, vị này còn cho rằng, các doanh nghiệp còn phải tự ý thức được trách nhiệm của mình với mỗi người tiêu dùng do đặc thù sản phẩm ôtô rất phức tạp, đòi hỏi phải tuân theo các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ. Trong đó, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề tối quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô trong dài hạn.
Theo Hoàng Xuân / Vietnamnet