9.233 chiếc Lamborghini được bán ra trong năm 2022, mua xe mới khách hàng phải chờ đến năm 2024

Lamborghini đã lập kỷ lục doanh số bán hàng trong lịch sử của hãng vào năm 2022 và toàn bộ xe của hãng đã được bán hết đến năm 2024.

Thương hiệu Raging Bull vừa công bố tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 khi đã cung cấp 9.233 xe trên toàn thế giới, tăng 10% so với kỷ lục doanh số trước đó được thiết lập vào năm 2021.

Nhà sản xuất siêu xe cho biết, nếu khách hàng đang muốn mua những mẫu xe mới nhất của hãng, phải chờ đến 18 tháng bởi vì hiện hãng đã được bán hết xe đến năm 2024.

Lamborghini năm 2022
Lamborghini Urus

Mẫu siêu xe SUV Urus chiếm hơn 50% doanh số bán hàng của Lamborghini, với 5.367 xe được giao. Hai mẫu xe tiếp theo thuộc về Huracán với 3.113 chiếc được bán ra và Aventador 753 xe.

Stephan Winkelmann, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Automobili Lamborghini, cho biết: “Xu hướng tăng trưởng và phát triển của chúng tôi vẫn tiếp tục, và điều này cho thấy hướng đi của chúng tôi là đúng đắn và các lựa chọn của chúng tôi cũng chính xác”.

Ông Stephan Winkelmann, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Automobili Lamborghini

Về thị trường, 2.721 chiếc Lamborghini đã được bàn giao cho khách hàng tại Mỹ, nơi vẫn là thị trường số 1 của thương hiệu lịch sử này. Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao chiếm tổng cộng 1.018 xe, tăng 9% so với năm trước. Vương quốc Anh, Đức và Nhật Bản lọt vào top 5 thị trường có nhiều đơn đặt hàng nhất trong năm 2022.

Năm 2023 sẽ là một năm đầy thách thức và thay đổi mà chúng ta sẵn sàng đương đầu bằng cách luôn thúc đẩy bản thân vượt qua, và những thách thức đó đối với người tiêu dùng có thể dẫn đến việc phải chờ đợi kéo dài 18 tháng với 3.000 đơn đặt hàng cho mẫu xe kế nhiệm của Aventador sẽ ra mắt vào cuối năm nay“, ông Stephan Winkelmann chia sẻ.

Ngoài Lamborghini, các thương hiệu đối thủ cạnh tranh như Rolls-Royce và Bentley cũng đạt được doanh số kỷ lục vào năm 2022. Việc mua siêu xe được xem là một trong những cách của các khách hàng cực kỳ giàu có muốn giữ tài sản của họ khi đối phó với sự bất ổn kinh tế do đại dịch gây ra.

Exit mobile version