Những quy định trong Nghị định 116 cũng như thông tư hướng dẫn đã khiến các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô gặp không ít khó khăn.
Trả lời câu hỏi liên quan đến Nghị định 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 2/2/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết từ khi Nghị định có hiệu lực, số lượng xe nhập về Việt Nam giảm 38%.
Trong thời gian vừa qua, đã có một số cơ quan đại sứ, các tổ chức gửi Thủ tướng đề nghị xem xét chỉ đạo các bộ ngành xem xét lại Nghị định 116. Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã từng bốn lần gửi thư kiến nghị lên Chính phủ đề nghị tháo dỡ các khó khăn, cho rằng những quy định trong nghị định này là không hợp lý.
Một số hiệp hội như Hiệp hội các Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, các liên doanh xe FDI cũng đã liên tục xin hoãn thi hành Nghị định 116 ít nhất sáu tháng.
Tiểu ban ô tô – xe máy của Eurocham cũng bày tỏ mong đợi về thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 khi Nghị định này được ban hành nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện.
Hiện nay có ba vấn đề lớn liên quan đến Nghị định này mà các doanh nghiệp cũng như các tổ chức đang quan tâm.
Thứ nhất, liên quan tới vấn đề giấy chứng nhận kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài, Bộ trưởng cho biết giấy này không phải là giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mà là cơ quan hiệp hội có thẩm quyền. Điều này nhằm đảm bảo xe có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, có giá trị.
Đồng thời các cơ quan, hiệp hội có thẩm quyền khi cấp giấy chứng nhận phải có trách nhiệm triệu hồi những xe đó nếu như xe đó trong quá trình sản xuất có lỗi, để bảo đảm quyền lợi cho nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhìn nhận việc ban hành chậm trễ thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 đã khiến các nhà nhập khẩu ô tô gặp không ít khó khăn.
Thứ hai, theo Nghị định 116, nếu như trước đây một loại xe về nước chỉ phải kiểm định chiếc đầu tiên thì nay mỗi lô xe về cảng đều phải chọn ra một chiếc để kiểm định, cho dù các lô đều cùng một loại xe.
Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp phải tốn thêm rất nhiều chi phí và thời gian kiểm định xe. Rõ ràng, khách hàng sẽ phải gánh chịu khoản phí này khi doanh nghiệp luôn muốn đảm bảo lợi nhuận.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đây là vấn đề đang được xem xét.
Thứ ba, Nghị định 116 cũng yêu cầu các nhà sản xuất phải có đường thử dài 800m với tối thiểu 400m đường thẳng trước khi đưa sản phẩm ra lưu hành trên thị trường.
Theo các nhà sản xuất, chính những điều này khiến cho các hãng phải bỏ thêm nhiều chi phí hơn bao gồm phí kiểm định và phí đầu tư đất, mở rộng diện tích để làm đường thử.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã giao cho Văn phòng Chính phủ cùng các bộ ngành xem xét để vừa đảm bảo yêu cầu của Chính phủ là đảm bảo sản xuất trong nước, vừa phải bảo đảm thực hiện điều ước quốc tế mà chúng ta đã cam kết.
Những quy định trong Nghị định 116 trong thời gian vừa qua được đánh giá là một rào cản, hàng rào kỹ thuật khó vượt đối với các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết hiện nay, tất cả các nước đều áp dụng các biện pháp cần thiết này để đảm bảo chất lượng sản phẩm nhập về nước và quyền lợi người tiêu dùng.
Giải thích điều này, bộ trưởng cho biết vừa qua một lô xe BMW khi về cảng Việt Nam đã bị các cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều vấn đề liên quan tới thủ tục, vấn đề xuất xứ của lô xe; cho thấy lô xe này đã qua sử dụng. Nếu không kiểm tra kỹ càng, người tiêu dùng sẽ là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất.
- Theo TheLEADER