Tôi có bằng lái ôtô hạng B2 đã hơn 2 năm nay. Tôi có học, có thi, nhận giấy phép lái xe rồi nhưng tôi không dám lái xe ra đường.
Lý do, xin nói ngay là việc dạy lái xe (của cơ sở đào tạo) và việc học lái xe (của học viên là tôi và một số đồng nghiệp) đã rất qua loa.
Ở phần thực hành lái xe, chúng tôi được học tất cả 12 buổi trong 3 tháng, mỗi xe có hai học viên và một thầy phụ trách. Phần thực hành chúng tôi học đầy đủ số buổi, chăm chú, cố gắng.
Tuy nhiên, từng đó thời gian chúng tôi cũng chỉ được dạy những kỹ năng cơ bản như điều khiển xe đi đường trường, lên dốc, dừng, quẹo, đèn xinhan, lui xe vào “chuồng”.
Nếu vẫn cứ dạy và sát hạch lái xe như trước nay, dẫu chúng ta có lập ra thật nhiều cơ quan, tổ chức để lo về an toàn giao thông cũng khó có thể giải quyết được câu chuyện an toàn và kéo giảm các kiểu tai nạn do non yếu của tài xế.
Với người chưa từng biết lái xe, nhiều thứ cần biết khác như nút điều khiển cần gạt nước, điều khiển các loại đèn, điều khiển kính chiếu hậu… chúng tôi đều lúng túng không biết nằm ở đâu và sử dụng như thế nào.
Về lý thuyết, nhà trường cung cấp cho học viên tài liệu 450 câu hỏi sát hạch lái xe, một đĩa chương trình sát hạch lái xe trên máy vi tính (để học viên tự học) và một số buổi học tập trung tại trường.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên chúng tôi không tham gia đầy đủ các buổi học, cũng chỉ đọc một ít trong tài liệu. Đến ngày sát hạch, nhóm chúng tôi hầu như ai cũng còn bối rối với hình ảnh các biển báo giao thông.
Trước ngày thi, chúng tôi được tập dượt một buổi tại trường lái ở Củ Chi. Thú thật, không chỉ lý thuyết mà ngay cả thực hành tôi cũng không tự tin vì trong tất cả những lần thực hành, tôi và nhiều học viên đều không thể hoàn thành phần thi “lái xe qua vệt bánh xe”.
Người thầy dạy tôi còn rất trẻ, cũng không tận tình chỉ cho hai học viên. Sau buổi tập dượt cuối cùng, chúng tôi nán lại, quyết tâm vượt qua “vệt bánh xe”. Tôi được một học viên chỉ cách bằng kinh nghiệm của anh (anh này đã biết lái xe từ lâu). Nhờ đó, tôi đã vượt qua phần thi thực hành vào hôm sau với 95/100 điểm.
Ở phần thi lý thuyết, tôi và nhiều học viên được gọi tên vào phòng thi và ngồi vào máy vi tính. Tôi làm được 7 trong 30 câu thì giờ thi sắp hết. Thấy tôi lọng cọng, một anh coi thi bảo tôi đứng dậy rồi anh cầm chuột click hết các câu còn lại.
Trong phòng thi có nhiều người được “hỗ trợ đặc biệt” như tôi. Riêng nhóm chúng tôi, trước ngày thi có nhờ một đồng nghiệp quen biết “gửi gắm” các thầy.
Cả nhóm bốn người chúng tôi đều có bằng lái. Nhưng cầm bằng rồi mới thật sự thấy run. Tôi đã từng rất quyết tâm đi học, có bằng sẽ mua xe. Nhưng học rồi mới thấy kỹ năng của mình ở mức “xóa mù”, lái chưa cứng và còn mù mờ về nội dung các biển báo…
Nếu lái xe ra đường chắc chắn sẽ lúng túng hơn nhìn hình biển báo trên giấy, nên tôi chưa bao giờ dám cầm lái ra đường lớn. Thú thật, cứ mỗi lần mở bóp thấy giấy phép lái xe của mình, tôi lại cảm thấy xấu hổ! Ý định mua xe cũng tạm hoãn.
Bạn tôi sau đó phải tìm thầy kèm thêm một thời gian mới tự tin lái xe. Thầy dạy kèm là những anh tài xế có thâm niên, dày kinh nghiệm và tận tình với tay lái mới như chúng tôi.
Thầy chỉ dẫn gần như từ những kỹ năng lái xe cơ bản đến những pha xử lý phức tạp hơn, những tình huống nguy hiểm giả định có thể gặp trên đường và cách phòng tránh. Thầy chỉ cả những tình huống pháp luật và những câu chuyện về đạo đức ứng xử của tài xế khi có sự cố…
Bạn tôi nói khi học kèm mới thấu cảm cái non nớt và kém cỏi của mình. Nhiều kỹ năng cơ bản còn chưa thạo nói gì đến tình huống phức tạp nên gặp chỗ đông người là luống cuống ngay. Hẳn nhiên, tôi cũng sẽ phải tìm thầy dạy kèm gần như từ đầu trước khi lái xe.
Mỗi lần xem và đọc thông tin một vụ tài xế mới gây tai nạn chết người do lùi xe ẩu, nhầm số và ga hoặc do lái chưa thành thạo tôi lại rùng mình, một cảm giác khó tả khi nghĩ mình và họ, ai cũng có bằng. Những người như tôi không ít, có khác chút giữa người dám lái xe ra đường hay không.
Ngày 11-3, Phòng quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết đã đình chỉ hai tháng tuyển sinh (từ ngày 21-1 đến 21-3) đối với 5 cơ sở dạy lái xe có các giáo viên xài bằng giả. Hết hạn đình chỉ, 5 cơ sở này sẽ tiếp tục được rà soát các điều kiện giảng dạy, nếu đạt mới cho tuyển sinh trở lại.
Các cơ sở bị đình chỉ gồm: Trường dạy nghề tư thục lái xe Thống Nhất, Trung tâm dạy nghề Tiến Phát, Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn, Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát, Trường dạy nghề tư thục lái xe Thế Giới.
Liên quan vấn đề này, Sở Giao thông vận tải TP cũng vừa báo cáo UBND TP về vụ 83 giáo viên xài bằng giả tại 5 cơ sở đào tạo lái xe. Sau khi có kết luận của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sở này đã thu hồi 83 giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành đã cấp do những người dùng văn bằng, chứng chỉ giả.
Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải TP sẽ phối hợp Sở Giáo dục – đào tạo, Sở Lao động – thương binh và xã hội xử lý triệt để các trường hợp giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp lệ…