Lốp ôtô là một trong những phần quan trọng đảm bảo độ an toàn của xe khi vận hành trên đường, nhất là trên đường cao tốc. Người dùng nên kiểm tra lốp xe sau tối đa sáu năm sử dụng và thay mới hoàn toàn sau 10 năm. Và nếu cần thiết hãy thay lốp ôtô mới để đảm bảo an toàn. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến cho bạn biết đã đến lúc phải đưa xe đến garage để kiểm tra.
Vạch chỉ thị mòn
Có một cách đơn giản để kiểm tra xem gai lốp có còn đủ để chạy xe an toàn: Vạch chỉ thị mòn được đúc chìm ở nhiều vị trí khác nhau liền dưới mặt đáy rãnh gai lốp, khi lốp mòn đến mức các vạch chỉ thị này lộ ra thì đó là lúc phải thay lốp.
- Xem thêm: Xe chạy êm là do sử dụng lốp xịn?
Để biết khi nào lốp mòn thì cách tốt nhất là xác định quãng đường xe chạy mỗi năm. Cách đo: chia số liệu trên đồng hồ đo cho số năm sở hữu chiếc xe (trừ bớt quãng đường đã đi trước đó), so sánh kết quả với thông tin bảo hành của mẫu lốp và ước tính thời gian sử dụng.
Gờ vỏ xe
Theo National Highway Traffic Safe Administration (NHTSA), khi độ cao gờ bánh chỉ còn khoảng 0,16cm thì nên thay lốp mới ngay. Vài loại lốp xe sẽ có một thanh nhỏ gắn trên gờ để báo hiệu thời điểm cần thay. Nó sẽ phát ra tiếng động khi đạt mức mòn để cảnh báo người dùng.
Một mẹo khác là cài đồng xu vào giữa các gờ xe với phần đầu của Abraham Lincoln chĩa ra ngoài. Nếu có thể nhìn thấy hết phần đầu thì nên mua lốp mới.
Áp suất lốp
Người dùng cần kiểm tra áp suất lốp ít nhất một lần mỗi tháng. Kết quả nên nằm trong khoảng giới hạn của hãng, thường sẽ được ghi trên cửa rầm hoặc Sổ tay người dùng.
Cách đơn giản nhất là sử dụng hồ đo áp, giá mỗi chiếc chỉ khoảng 100 nghìn đồng và có thể dễ dàng tìm thấy ở các cửa hàng phụ kiện ôtô hoặc trên mạng. Người dùng cũng có thể đo áp suất tại các cửa hàng lốp xe. Một số trạm xăng có sử dụng máy bơm xe kèm đồng hồ đo áp, tuy nhiên độ chính xác không cao.
Thời điểm tốt nhất để kiểm tra là sau khi đã đỗ xe qua đêm. Lúc này lốp xe đã nguội và cho kết quả chính xác nhất.
Độ cân bằng và ăn khớp
Lốp cần phải tròn đều và có sự cân bằng khi kết hợp với bánh xe. Các xưởng cơ khí hoặc cửa hàng lốp xe sử dụng máy cân bằng để kiểm tra. Máy này sẽ quay bánh xe để tìm ra những điểm lồi lõm hoặc mất cân bằng của lốp. Sau đó, họ sẽ gắn thêm vật nặng vào bánh xe để cân bằng lại. Họ cũng sẽ đảm bảo lốp xe và bánh hoạt động ăn khớp nhau. Điều này giúp giảm mòn cho lốp.
Vết lõm trên bề mặt lốp, ngoài việc khiến tuổi thọ của lốp giảm, còn là dấu hiệu cho thấy hệ thống treo hoặc hệ thống lái của xe có vấn đề, làm cho xe luôn “nhún nhảy” trên đường, mất ổn định.
Vuốt tay lên bề mặt lốp, nếu bạn thấy các vết mòn sắc cạnh theo chiều ngang (chỉ một chiều) hoặc chiều dọc thì bạn nên đưa đến các garage chuyên làm lốp để căn chỉnh lại độ chụm của bánh xe.
Luân chuyển
Lốp xe trước thường bị mòn nhanh hơn. Nên luân chuyển lốp trước với sau để kéo dài thời gian sử dụng và đảm bảo an toàn khi lái xe. Việc này áp dụng được cho tất cả xe có dẫn động cầu sau hoặc toàn phần. Theo USTMA, nên đổi chỗ lốp xe sau khi di chuyển trong khoảng 8.000 – 13.000km.
Góc nghiêng của bánh xe không chỉnh đúng khiến lốp nghiêng ra ngoài hoặc vào trong; trường hợp này nên mang xe đến các garage để chỉnh lại. Ngoài ra, vấn đề này cũng có thể liên quan đến hệ thống treo, hoặc lâu không đảo lốp.
Tuổi tác là nguyên nhân chính dẫn đến những vết nứt bất thường trên thành lốp. Những cung đường quá nhiều ổ gà hoặc có lực va chạm mạnh vào thành lốp (vỉa hè, đá tảng…) lâu dần sẽ làm sức đàn hồi của lốp không còn được đồng nhất như ban đầu. Với những trường hợp này, vì sự an toàn của mình và người thân, tốt nhất bạn nên thay lốp chứ không nên khắc phục (vá, dán…).
Ngoài ra, trong trường hợp lốp bị mòn hai bên thành lốp là do bạn đã đi xe trong tình trạng lốp thiếu hơi (non hơi) quá lâu. Đây là trường hợp gây mất an toàn nhất, bởi không những khiến lốp giảm nhanh tuổi thọ và tốn xăng mà vấn đề lớn nhất là rất dễ dẫn đến tình trạng nổ lốp khi đang lưu thông do ma sát tăng lên.
Riêng với trường hợp bơm lốp quá căng cũng sẽ khiến xe không đảm bảo an toàn mà còn khiến xe gằn xóc hơn, nhất là trên đường xấu.