Đây là một trong những nội dung nổi bật được quy định tại nghị định số 31/2020 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/5.
Nghị định trên cũng bổ sung một số nội dung về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Theo đó, tổ chức, cá nhân vi phạm giao thông có khả năng tài chính nộp tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện. Người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm sẽ quyết định cho tổ chức, cá nhân được nộp tiền bảo lãnh phương tiện giao thông đó.
Để được nộp tiền bảo lãnh phương tiện, người vi phạm phải làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền để đề nghị nộp tiền bảo lãnh phương tiện. Sau khi người có thẩm quyền ra quyết định, người vi phạm có thể nộp tiền bảo lãnh trực tiếp hoặc qua tài khoản cơ quan có thẩm quyền.
Mức tiền bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt cho một hành vi vi phạm. Trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm cùng một lúc thì mức tiền nộp bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi.
Tổ chức, cá nhân được giao giữ, bảo quản phương tiện có trách nhiệm đưa phương tiện về nơi tự bảo quản.
Sau khi bảo lãnh phương tiện về, người vi phạm không được phép sử dụng phương tiện đó, không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền.
Nếu vi phạm quy định này thì phương tiện có thể bị chuyển về nơi tạm giữ theo quy định.