Thị trường ôtô đầu năm 2017: Đã có dấu hiệu của một năm đầy chuyển biến

Sau khi thành công rực rỡ về doanh số với lượng xe bán được đạt gần 305 ngàn chiếc trong năm 2016, thị trường ôtô Việt Nam trong những tháng đầu năm 2017 đã bắt đầu có những dấu hiệu bước chậm lại bởi nhiều nguyên nhân đã được tiên đoán từ trước. Hơn thế, 2017 có thể sẽ là năm có nhiều sự thay đổi tại các phân khúc thị trường.

Trong tháng 1, lượng xe bán ra đã giảm 13% so với tháng 1-2016 và sụt đến 39% so với tháng trước đó. Mặc dù nguyên nhân được cho là tháng này trùng với thời điểm cận Tết Nguyên đán nhưng rõ ràng, những thay đổi về thuế suất và nhiều yếu tố khách quan khác bắt đầu có ảnh hưởng trực tiếp vào nhu cầu mua sắm xe của giới tiêu dùng và năm 2017 chắc chắn sẽ không thể tiếp tục giữ được mức tăng trưởng như năm 2016. Tâm lý chờ đợi giá xe sẽ giảm từ năm 2018 thể hiện rõ nhất qua con số tụt giảm về xe du lịch trong tháng 1, khi mức tiêu thụ của dòng sản phẩm này chỉ đạt 14.749 chiếc, giảm đến 35% so với tháng trước đó, cho dù có nhỉnh hơn 5% so với tháng 1-2016. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15-2, đã có 12.042 xe ôtô nguyên chiếc được nhập khẩu về, so với cùng kỳ năm 2016 tăng gần 63,4%. Chỉ trong tháng 1, lượng ôtô dưới chín chỗ ngồi nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia đã đạt 3.408 chiếc, bằng 45% tổng lượng xe nhập từ hai quốc gia này trong cả năm 2016. Nguyên nhân xe nhập khẩu tăng mạnh có thể do thuế nhập khẩu đã giảm đi 10% (còn 30%) từ ngày 1-1 và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe dung tích nhỏ cũng giảm trước đó, đồng thời việc chuyển đổi kinh doanh xe lắp ráp nội địa sang xe nhập nguyên chiếc cũng giúp cho số lượng xe nhập khẩu tăng đột biến trong giai đoạn đầu năm. Tuy nhiên, số xe nhập khẩu bán được trong tháng đầu năm lại thấp, chỉ được 4.728 xe, giảm 51% so với tháng 12-2016 và 18% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, có thể thấy rằng trong khi các nhà kinh doanh đang tỏ ra rất kỳ vọng vào doanh số bán hàng khi giá xe giảm nhờ thuế giảm thì giới tiêu dùng lại bình thản đón chờ cơn sóng giảm giá lớn hơn vào năm 2018.

thi-truong-oto-viet-nam-dau-nam-2017-xh-695-2017-ok

Đối với phân khúc xe lắp ráp trong nước, một viễn cảnh kém tươi sáng đã dần hiện rõ. Nhiều dòng xe lắp ráp trong nước vốn nắm giữ vai trò chủ lực của nhiều thương hiệu lớn trên thị trường đã chính thức nhường chỗ cho xe nhập khẩu. Lượng bán ra của dòng xe lắp ráp nội địa trong tháng 1 chỉ được 15.504 chiếc, giảm 34% so với tháng trước đó và giảm 11% so với cùng kỳ năm 2016. Sự hiện diện của xe nhập khẩu thay thế cho nhiều mẫu xe lắp ráp nội địa như Toyota Fortuner, Honda Civic, Ford Ranger, Ford Everest, Suzuki Ciaz, Mitsubishi Pajero Sport, Honda Accord, Toyota Hilux… cho thấy dòng xe lắp ráp trong nước sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước làn sóng nhập khẩu ồ ạt từ các nước thuộc khối ASEAN khi thuế nhập khẩu sẽ trở về 0% từ đầu năm 2018.

Về mặt cạnh tranh, trong hoàn cảnh có những tác động mạnh mẽ của sự thay đổi thuế suất thì vũ khí duy nhất mà các thương hiệu sử dụng để tăng doanh số chỉ là chiêu giảm giá bán. Trước sự thành công vượt trội của Thaco trong chiến lược cạnh tranh bằng giá quyết liệt trong năm 2016, việc phải giảm giá bán là điều khó tránh khỏi đối với những thương hiệu khác trong thời gian tới. Đạt được sự tăng trưởng ấn tượng về doanh số, sự theo đuổi chiến lược giảm giá bán của Thaco từng được ví như kiểu kinh doanh “Ăn xổi ở thì” nay lại trở thành khuynh hướng của thị trường ôtô hiện tại. So với phong cách kinh doanh truyền thống của Toyota (luôn cố gắng giữ vững giá trị thương hiệu để bảo vệ khách hàng) thì dường như việc liên tục hạ thấp giá xe trong những khoảng thời gian quá ngắn mà Thaco triển khai trong những tháng cuối năm 2016 – đầu năm 2017 đã tạo nên một sự khác biệt hoàn toàn và gây tác động không hề nhỏ đối với chiến lược kinh doanh của các đối thủ. Để tiếp tục cạnh tranh, các thương hiệu khác cũng phải đi theo xu thế giảm giá và tùy theo nhu cầu và tiềm năng thị phần mà đưa ra chính sách giảm hoặc tăng giá khác nhau. Nếu như Toyota Camry thế hệ mới từng gây bất ngờ với mức giá thấp hơn phiên bản cũ thì ngược lại, chiếc SUV Toyota Fortuner đang có hướng đi ngược lại. Có thể nói, mẫu SUV thế hệ mới của Toyota đang là điểm sáng nổi bật nhất trong bức tranh ảm đạm của thị trường ôtô nước ta trong những tháng đầu năm nay khi lượng xe bán ra vượt quá dự kiến ban đầu. Cụ thể, trong tháng 1, Toyota dự kiến bán được khoảng 1.000 chiếc Fortuner nhưng thực tế đã đạt tới 1.237 chiếc (theo số liệu của VAMA). Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng đón nhận hàng loạt chương trình giảm giá hấp dẫn từ các thương hiệu khác như Nissan (giảm đến 100 triệu đồng cho Nissan X-Trail) hay Honda (CR-V được giảm đến 45 triệu đồng)… Đối với các thương hiệu chiếm thị phần lớn, cuộc chiến về giá có thể không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận do được chuyển tiếp từ giá bán sang lượng tiêu thụ, nhưng các thương hiệu chiếm thị phần nhỏ trên thị trường có thể bị rơi vào hoàn cảnh “Trâu bò đấu nhau, ruồi muỗi chết”. Chạy đua theo xu thế giảm giá không chỉ làm giảm đáng kể lợi nhuận của các thương hiệu có thị phần thấp, mà còn làm hao mòn giá trị thương hiệu. Trong nỗ lực giữ vững thị phần, ngoài việc phải chấp nhận giảm giá bán, các thương hiệu cũng có những cách lách phân khúc như cách làm của Ford đối với Ford Focus Trend.

Trước những diễn biến đang và sẽ xảy ra, năm 2017 hứa hẹn sẽ tiếp tục có một cuộc đua giảm giá bán mạnh mẽ giữa các thương hiệu trước khi đạt đến điểm đỉnh vào năm 2018.

 

Exit mobile version