Số liệu thống kê mới nhất của VAMA về sức mua trong tháng đầu của mùa cao điểm bán hàng cuối năm cho thấy doanh số thị trường ôtô Việt Nam vẫn tiếp tục không có sự biến động nào lớn theo như quy luật của nhiều năm gần đây.
Tuy nhiên, từ sự ra đời của nghị định 116/2017/NĐ-CP, có thể “mảng băng tâm lý chờ đợi” của giới tiêu dùng sẽ tan, chưa kể tác động từ các chương trình giảm giá liên tục của các nhà cung cấp xe hơi sẽ khiến thị trường thêm sôi động và biết đâu, nhiều diễn biến khó ngờ sẽ xảy ra trước khi kết thúc năm 2017.
Thị trường ôtô trong tháng 10 chỉ ghi nhận mức tiêu thụ 21.868 xe, tăng 3% so với tháng 9 nhưng lại giảm đến 22% so với tháng 10-2016. Doanh số tháng 10 không có đột phá đáng kể giống như cùng kỳ những năm trước được lý giải bởi tâm lý tiếp tục chờ đợi của người tiêu dùng. Trong khi dòng xe sản xuất, lắp ráp nội địa tăng nhẹ ở mức 5% thì xe nhập khẩu lại giảm 2% so với tháng trước. Tổng doanh số mười tháng của năm nay cũng bị sụt giảm đến 9% so với cùng kỳ năm ngoái vì chỉ bán được 220.121 xe, trong đó dòng CKD giảm 14% (tiêu thụ được 157.221 chiếc) và dòng CBU tăng nhẹ, ở mức 6% (tiêu thụ được 62.900 xe). Kết quả thống kê thị phần của từng thương hiệu cũng cho thấy sự sụt giảm mạnh ở một vài thương hiệu so với năm 2016. Nổi bật nhất là doanh số của thương hiệu Kia thuộc Tập đoàn Thaco. Mặc dù các mẫu xe Mazda vẫn duy trì được thị phần đã chiếm giữ (13%) nhưng tổng doanh số trong mười tháng của cả ba thương hiệu xe du lịch thuộc Thaco là Kia, Mazda và Peugeot đều bị giảm, trong đó giảm mạnh nhất là Peugeot với mức giảm đến 56%, còn Kia cũng bị giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng đó đã kéo tổng doanh số của Tập đoàn Thaco trong mười tháng qua giảm 1/5 so với cùng kỳ năm trước. Toyota vẫn là thương hiệu đang dẫn đầu trên thị trường xe du lịch hiện nay, chiếm giữ 23,5% thị phần. Ở vị trí thứ hai là thương hiệu xe Mỹ – Ford với mức 11,5%. Các thương hiệu Mazda, Kia và Honda nắm giữ ba vị trí tiếp theo với thị phần lần lượt là 10,1%, 8,9% và 5,3%. Tính chung mười tháng, thương hiệu xe sang Mercedes-Benz hài lòng với kết quả 5.620 xe được bán ra, chiếm 2,7% thị phần, trong khi doanh số của Lexus lại bị sụt giảm đến 53% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh không mấy lạc quan đó, sự xuất hiện của nghị định 116/2017/NĐ-CP được nhiều người nhìn nhận là sẽ có tác động mạnh đến trạng thái của thị trường trong thời gian cuối năm và nhìn xa hơn thì nó thậm chí có thể làm thay đổi hoàn toàn bức tranh toàn cảnh của thị trường ôtô Việt Nam trong những năm tới. Những minh chứng sẽ hiển thị rõ hơn cho đến khi có số liệu kinh doanh của tháng 11, nhưng hẳn là giới tiêu dùng có thể sẽ bị giật ngược tâm lý chờ đợi, còn các nhà cung cấp xe hơi thì rơi vào tình trạng “bị thốc mạnh” trước khi kịp phản ứng để thích nghi với sự thay đổi. Theo nội dung của nghị định trên, từ ngày 1-1-2018, các doanh nghiệp muốn tiếp tục nhập khẩu xe để kinh doanh phải có đầy đủ giấy phép kinh doanh nhập khẩu theo quy định ngay tại nghị định này, đồng thời phải đáp ứng nhiều điều kiện đi kèm, trong đó nổi bật là phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê hay thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng được các quy định tại nghị định. Theo giới quan sát, nghị định mới được cho là thay thế thông tư 20 vốn đã hết hạn cách đây 16 tháng thể hiện thái độ quản lý chặt chẽ hơn và sẽ có tác động đến đà giảm giá của dòng xe nhập khẩu từ năm sau. Lý do là những điều kiện khắt khe sẽ làm giảm số lượng nhà nhập khẩu và những chi phí phát sinh do thay đổi cách thức kiểm định chất lượng xe của Cục Đăng kiểm cũng có ảnh hưởng đáng kể. Đây vừa là một cú knock-out đối với những doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh ôtô không chính hãng, vừa là một ân huệ dành cho các nhập khẩu chính hãng.
Nghị định 116/2017/NĐ-CP cũng được cho là tạo ra không ít lợi thế cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước cho dù cũng có thêm một số ràng buộc tại điều 7. Theo điều 6 (quy định về trách nhiệm đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), nhà nhập khẩu ôtô phải cung cấp cho các cơ quan quản lý nhiều loại giấy tờ mới, trong đó quan trọng là giấy chứng nhận xuất xưởng. Đây là một yêu cầu khó đối với các nhà nhập khẩu bởi theo giới chuyên môn, tại một số nước, loại giấy này thường chỉ dành cho dòng xe bán trong thị trường nội địa, không có trong bộ hồ sơ xuất khẩu xe. Trong khi một vài doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe nội địa đã có những động thái đón đầu nghị định bằng việc giảm giá các mẫu xe nội địa để tăng thị phần thì các doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng vẫn còn khá lúng túng, chưa biết xoay xở thế nào để đáp ứng đủ các điều kiện của nghị định. Biểu hiện có thể thấy là một số thương hiệu xe nhập khẩu đã phải thông báo dời ngày bán chính thức hay ngày giao hàng đối với vài mẫu xe mới nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Hy vọng nghị định 116/2017/NĐ-CP sẽ làm thay đổi tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng, các thương hiệu tiếp tục tung ra nhiều chương trình khuyến mại mạnh trong tháng 11 nhằm mục tiêu tạo sức bật đáng kể cho doanh số của cả năm 2017. Nếu Ford có chương trình khuyến mại dành cho bộ ba Ecosport, Focus và Fiesta cùng với sự ra mắt của hai phiên bản tiêu chuẩn Ford EverestAmbiente MT thì Toyota cũng bổ sung hai phiên bản mới là Innova 2.0 Venture và Innova 2.0J cùng chương trình điều chỉnh giá bán một loạt sản phẩm lắp ráp trong nước như Vios, Altis hay Innova. Thương hiệu Nissan cũng không chịu kém cạnh bằng cách tung ra chương trình tặng quà và ưu đãi giá cho hầu hết các mẫu xe đang phân phối tại Việt Nam. Thương hiệu Volkswagen không chỉ áp dụng mức giảm ấn tượng đến 130 triệu đồng cho khách hàng, mà còn hé lộ việc cung cấp thêm các mẫu xe mới mà đầu tiên sẽ là dòng SUV bảy chỗ, có thể là Volkswagen Atlas hoặc Tiguan Allspace. Một chút màu khác lạ lại đến từ thương hiệu Mazda khi Thaco quyết định tạo sự khác biệt bằng cách… tăng giá bán vài mẫu xe như Mazda3, Mazda6 và Mazda BT-50, lý giải rằng những đợt giảm giá trước đây đã đưa giá xe của hai thương hiệu Kia và Mazda “chạm sàn”.
Như vậy, bức tranh toàn cảnh về thị trường ôtô Việt Nam trong hai tháng cuối cùng của năm 2017 đang dần hé lộ. Tâm lý chờ đợi sang năm sau mới mua xe của giới tiêu dùng có thể sẽ được gỡ bỏ bởi tác động từ nghị định 116/2017/NĐ-CP và sự sôi động của thị trường sẽ trở lại. Những vướng mắc rồi cũng sẽ được hóa giải vì ai cũng hiểu rằng một thị trường có sự cạnh tranh bình đẳng, đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên trên mới có thể phát triển bền vững, lâu dài.