Tính chưa đầy đủ, hiện tại thị trường Việt Nam có khoảng 50 thương hiệu smartphone. Khoảng 20 thương hiệu lớn có mặt tại các kênh chuỗi như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viễn Thông A, Viettel Store… Những thương hiệu còn lại xuất hiện ở các cửa hàng nhỏ hay trên các kênh online, ví dụ Tiki.vn, Lazada.vn, Sendo.vn… Thế Giới Di Động hiện bán hàng cho 20 thương hiệu, FPT Shop bán cho 17 thương hiệu, Viễn Thông A cũng cỡ 13 thương hiệu… Những kênh chuỗi này chỉ bán những thương hiệu lớn như Samsung, Oppo, Apple, Mobiistar, Sony, Lenovo, HTC, Huawei là chính, gần đây có thêm Nokia, Xiaomi, Philips, Freetel…
Những cái bóng mờ nhạt
Năm 2016, Huawei đã đạt được 5% thị phần smartphone tại thị trường Việt Nam. Mục tiêu của thương hiệu này trong năm nay sẽ nâng lên 8 – 9%. Thế nhưng, từ đầu năm tới nay, dù có nhiều nỗ lực tung hàng mới như GR5 2017/2017 Pro, Y3 2017, Y5 2017, Y7 Prime… vào phân khúc cao cấp (từ 10 triệu đồng trở lên) nhưng hình ảnh của Huawei trên thị trường vẫn cứ mờ nhạt. Có nguồn tin nói rằng để trụ được tên tuổi tại thị trường Việt Nam, Huawei đã tốn khá nhiều tiền, ước chừng 50-70 triệu USD để xây dựng thương hiệu và thực hiện các hoạt động tiếp thị.
Dù đã “mạnh miệng” công bố hồi đầu năm ngoái khi tung ra dãy sản phẩm ZenFone 3, trong đó có những sản phẩm có giá ngấp nghé 20 triệu đồng, nhưng đến cuối năm, Asus chỉ chiếm được 2,27% thị phần. Đầu tháng 8 năm nay, Asus sẽ bán dòng ZenFone 4 với kỳ vọng tạo đột biến tại thị trường Việt Nam, nhưng theo nhiều chuyên gia, hãng này sẽ khó làm được những gì như hai năm trước. “Muốn làm, họ phải đổ thật nhiều tiền cũng như dám sống còn với thị trường và người tiêu dùng”, một chuyên gia am hiểu về thị trường smartphone bình luận.
HTC bắt đầu đi xuống từ giữa năm 2015. Đầu năm nay, họ tập trung vào những sản phẩm cao cấp, bỏ hẳn những sản phẩm dòng trung cấp trở xuống và chọn Thế Giới Di Động là nhà bán lẻ độc quyền các sản phẩm HTC U. Nhưng ngay từ giữa quý II năm nay, ông Nguyễn Hồng Châu – Giám đốc HTC Việt Nam chia sẻ: “Việc chọn lựa nhà bán lẻ độc quyền không thành công nên HTC đã mở trở lại 11 kênh bán lẻ để khách hàng có nhiều không gian lựa chọn”. Có lẽ vì thế mà trên thị trường, bên cạnh những dòng cao cấp, HTC vẫn có những sản phẩm tầm trung như HTC 10 Evo, giá bán chỉ 5,99 triệu đồng. Cho dù nỗ lực mở chuỗi, mở hệ thống bán lẻ, xem ra HTC vẫn chưa thể xoay chuyển tình thế.
Vivo vào Việt Nam cũng đã được ba năm nhưng tầm vóc của thương hiệu này vẫn chưa gây được ấn tượng đáng kể. Kết thúc năm 2016, Vivo mới giành được 1,3% thị phần. Như cách đi của nhiều hãng, Vivo muốn dùng thị trường nông thôn làm bàn đạp hướng về thị trường đô thị lớn nhưng cách xây dựng hình ảnh, tiếp thị sản phẩm của họ trên thị trường xem ra vẫn còn khá nghiệp dư. “Không làm không được, nhưng cách làm thương hiệu, tiếp thị của họ kỳ cục lắm. Cuối cùng, chỉ có bà già và con nít tới tham dự. Đó đâu phải là khách hàng của smartphone!” – một vị giám đốc kinh doanh của một kênh chuỗi lớn than vãn.
Freetel là một thương hiệu smartphone đến từ Nhật Bản nhưng vẫn đang phải “chật vật để tồn tại” như chia sẻ của ông Bùi Văn Hòa – Tổng giám đốc Freetel Việt Nam. Hiện tại, tên tuổi này chỉ kinh doanh những sản phẩm có từ hồi ra mắt, cách đây gần một năm. “Bán smartphone tại Việt Nam thật khó” – ông Hòa xác nhận.
Những thương hiệu đình đám một thời như Lenovo, Motorola, Wiko, Obi… có vẻ ngày càng khó trụ tại thị trường Việt Nam. Lenovo chỉ còn lại một vài sản phẩm. Motorola có ra sản phẩm nhưng chỉ bán cho… vui! Sau hơn hai năm, Wiko đã ngưng hợp tác với DigiWorld từ cuối năm 2016 để chuyển sang nhờ Smartcom (thành viên của PetroSetco) làm nhà phân phối nhưng hiện nay chẳng thấy hàng xuất hiện ở các kênh chuỗi, có chăng chỉ ở các cửa hàng nhỏ. Thân phận Coolpad có thể nói cũng tệ chẳng kém kể từ khi hợp tác chung vốn với nhà phân phối Smartcom. Còn nhớ tháng 9 năm ngoái, khi công bố sự hợp tác, Coolpad và Smartcom đã mạnh mẽ tuyên bố rằng sẽ đưa thương hiệu Coolpad nằm trong Top ba smartphone được ưa chuộng nhất tại Việt Nam, nhưng thực tế đâu phải như vậy.
Vẫn có thêm những thương hiệu mới
Chỉ ba thương hiệu Samsung, Oppo và Apple đã chiếm tới 80% thị phần smartphone Việt Nam. Như vậy, 20% còn lại là sân chơi chật hẹp của những tên tuổi khác. Vậy mà trong năm nay vẫn có một số nhà sản xuất smartphone cả trong và ngoài nước vẫn liều mình nhảy vào cuộc chơi.
Đầu tiên là Nokia “tái xuất giang hồ” với dòng 3310 hồi đầu tháng 6. Gần đây là các dòng smartphone Nokia 3/5/6. Nhưng theo lời ông Lý Anh Chương – chủ chuỗi kinh doanh điện thoại di động Anh Chương (Pleiku), cách kinh doanh của Nokia khó tạo được ánh hào quang như ngày xưa vì “nói nhiều mà chẳng làm được bao nhiêu”.
Thương hiệu smartphone của Tập đoàn Trassions Holdings (thành lập năm 2006) đến từ Hongkong là Tecno Mobile đã chính thức xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ cuối tháng 6 năm nay. Ngoài Tecno, Trassions Holdings còn sở hữu hai tên tuổi khác là Infinix và iTel. Tại buổi ra mắt sản phẩm mới, ông Lê Hoàng Giang – Giám đốc phụ trách Tecno Mobile Việt Nam cho rằng tên tuổi này sẽ “sống được” tại Việt Nam. Nói mạnh là vậy nhưng ông Giang thừa hiểu rằng Infinix đang khốn khổ như thế nào ở thị trường này. Cũng có hàng nhưng vì iTel còn khá mới mẻ nên chưa thể nói được gì nhiều. Hiện iTel chỉ bán hàng giá thấp.
Nếu không có gì thay đổi, ngày 8-8 tới, Bkav sẽ trình làng mẫu Bphone 2 sau thất bại của Bphone 1 cách đây hơn hai năm. Bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc truyền thông của Bkav cho biết: “Bphone không chỉ là tâm huyết của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc ông Nguyễn Tử Quảng, mà còn là niềm tự hào của đội ngũ chuyên viên Bkav. Chúng tôi hy vọng Bphone thế hệ mới sẽ được người tiêu dùng đón nhận”. Hiện Bkav đã thuyết phục Thế Giới Di Động cùng tiếp thị và kinh doanh dòng smartphone này. Giám đốc kinh doanh ngành hàng di động của Thế Giới Di Động Đoàn Văn Hiểu Em xác nhận: “Thế Giới Di Động sẽ bán Bphone 2, nhưng không phải theo hình thức độc quyền như lời đồn đại trong mấy ngày qua”. Theo một nguồn tin, Bphone 2 có những đặc điểm đáng chú ý là màn hình AMOLED kích thước 5,5 inch, độ phân giải của camera sau đạt 21 megapixel, của camera trước là 5 megapixel, chip xử lý Snapdragon 625, tám nhân 64bit, 3GB RAM, 32GB ROM… Giá bán dưới 10 triệu đồng.
Asanzo vốn nổi danh về tivi và hàng điện gia dụng (nồi cơm điện, máy đun nước nóng, máy lọc nước, loa di động, máy lạnh…) đang trong quá trình hoàn thiện phần mềm để tung những chiếc smartphone Asanzo đầu tiên ra thị trường. Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Asanzo cho biết rằng thời điểm chính thức giới thiệu smartphone của họ là tháng 8 sắp tới. Cũng theo ông Tam, đã có hơn 6.000 cửa hàng bán điện máy là đối tác của Asanzo đăng ký bán mặt hàng này. “Xác định lộ trình hoàn vốn của mặt hàng smartphone là hai năm, chúng tôi tận dụng thông tin, thị trường và các kênh bán lẻ ở tỉnh để tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Việc thêm mặt hàng smartphone sẽ làm gia tăng giá trị cho hệ sinh thái sản phẩm của Asanzo. Vì vậy smartphone của Asanzo có giá chỉ từ 5 triệu đồng trở xuống”, ông Tam cho biết thêm.
Dù khắc nghiệt nhưng trước sức quyến rũ của doanh số ước chừng 3,5-3,8 tỉ USD trong năm nay, nhiều nhà sản xuất smartphone trong và ngoài nước vẫn “lao vào như con thiêu thân”. Nếu may mắn, sau vài năm bán hàng, người ta có thể kiếm được vài chục triệu USD, nhưng số đông chưa may mắn đã tiêu tốn cả trăm triệu USD mà tương lai vẫn còn mờ mịt. Xem ra, các nhà kinh doanh smartphone cũng nên suy ngẫm lời nhận xét của ông Bùi Văn Hòa – Tổng giám đốc Freetel Việt Nam: “Thị trường Việt Nam nghiệt ngã gấp hàng chục lần so với những thị trường mới nổi như Trung Đông hay châu Phi. Còn tiếp thị, còn khuyến mại với cả núi tiền thì còn bán được hàng, nhưng hễ ngưng lại là… chết!”
- Minh Tú