Theo nguồn tin từ Bộ Tài chính, Bộ này vừa có văn bản gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2015 của Chính phủ. Trong đó, Bộ Tài chính có giải trình một số ý kiến về việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước cho xe ôtô.
Sẽ có thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các linh kiện, phụ tùng ôtô sản xuất trong nước?
Phiếu ghi ý kiến Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến: “Đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo thêm về việc giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước cho xe ôtô thì điều chỉnh ở văn bản nào”.
Bộ Tài chính cho biết, việc quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hóa sản xuất trong nước được quy định tại Luật số 106/2016/QH12. Theo đó, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô là giá do cơ sở sản xuất bán ra. Do vậy, trường hợp sửa đổi quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt ôtô theo hướng không tính thuế đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng) thì phải sửa quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Văn bản nêu rõ như sau: “Để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh giữa ôtô sản xuất trong nước và ôtô nhập khẩu, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và đề xuất phương án giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô từ chín chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước”.
Bộ Tài chính cũng dẫn quy tắc đối xử quốc gia nêu tại Điều 3, Hiệp định GATT của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong trường hợp giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được trừ đi giá trị linh kiện sản xuất trong nước “có thể sẽ vi phạm cam kết về phân biệt giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước”.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng một số nước cũng áp dụng quy định cho trừ giá trị linh kiện nhập khẩu hoặc ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất trong nước trong một thời gian ngắn 3-5 năm. Mục đích là để trong trường hợp bị kiện thì “quy định ưu đãi cũng hết hiệu lực” tương tự như trường hợp của Thái Lan và Indonesia.
Do đó, Bộ Tài chính cho hay, Bộ này vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định khi sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ưu đãi ôtô sản xuất trong nước và chướng ngại từ quy định của WTO
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc xác định giá tính thuế như trên sẽ khuyến khích sản xuất lắp ráp, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ôtô trong nước. Tuy nhiên, Bộ này đề nghị cần nghiên cứu quy định trên để không vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử WTO và các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, nhất là những Hiệp định có hiệu lực liên quan đến lĩnh vực ôtô.
Trong khi đó, Bộ Công thương lại ủng hộ đề xuất thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất trong nước theo tỷ lệ nội địa hóa (tức là các linh kiện, phụ tùng được sản xuất trong nước được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt). Theo Bộ Công thương, tỷ lệ nội địa hóa với xe chín chỗ ngồi được đặt mục tiêu là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010, song đến nay mới đạt tỷ lệ bình quân 7 – 10%.
Theo quy định khi tham gia WTO, trường hợp giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được trừ đi giá trị linh kiện sản xuất trong nước “có thể sẽ vi phạm cam kết về phân biệt giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước”. Trước những bất cập hiện tại, Hiệp hội các nhà sản xuất lắp ráp ôtô Việt Nam (VAMA) – đa phần thành viên là doanh nghiệp sản xuất ôtô ngoại lại quan ngại rằng chính sách này sẽ tạo ra một sân chơi không bình đẳng đối với các nhà sản xuất ôtô nói chung và không tuân thủ những cam kết của Việt Nam với WTO.