Những tài xế có nhiều năm kinh nghiệm chạy xe khách trên cao tốc cho rằng, tình huống đó rất khó để xử lý, nếu tài xế xe khách thắng gấp, đánh lái, sẽ lật xe, hậu quả còn nghiêm trọng hơn.
Vụ tai nạn giữa xe khách và xe cứu hỏa (đi ngược chiều) trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ khiến bốn chiến sĩ cứu hỏa và hai hành khách bị thương (trong đó chiến sĩ Chử Văn Khánh đã tử vong) là tình huống giao thông rất hy hữu, gây tranh cãi đúng – sai.
Xét khía cạnh pháp lý, Điều 22 Luật Giao thông đường bộ, có thể khẳng định, xe cứu hỏa đi đúng luật, vì đây là phương tiện có mức độ ưu tiên cao nhất trong các phương tiện giao thông trên đường. Dù vậy, trên các diễn đàn, rất nhiều ý kiến cho rằng, xe cứu hỏa không nên di chuyển như thế.
Lý do đưa ra, xe khách đang chạy tốc độ cao nên khó tránh và thời tiết không tốt, ảnh hưởng đến tầm quan sát của lái xe khách, nhất là khi xe cứu hỏa từ đường nhánh rẽ vào cao tốc. Xe cứu hỏa đi đúng nhưng xe khách liệu có sai?
Trao đổi với phóng viên, ông Văn Ngọc Hồng – tài xế xe khách tuyến Quảng Ninh – Hà Nội cho rằng, đây là trường hợp bất khả kháng, tài xế xe khách không có cách xử lý tốt hơn.
Nếu tài xế xe khách đánh lái, thắng gấp sẽ lật xe, hậu quả còn nặng nề hơn. “Bản thân tôi cũng không thể xử lý được. Mặc dù là xe ưu tiên nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho các phương tiện khác”, anh Hồng nói.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Tấn Sinh – tài xế xe khách tuyến Tuyên Quang – Hà Nội – cho hay, xe cứu hỏa không đúng trong vụ va chạm xảy ra chiều 18-3.
Theo đó, trên cao tốc, phương tiện nào cũng di chuyển với tốc độ cao, khi có phương tiện khác đi vào (ngược chiều) sẽ gây bất ngờ, không xử lý được. Ngoài ra, các yếu tố khách quan cũng phải xem xét như trời mưa phùn, đường trơn, hạn chế tầm nhìn của tài xế.
“Tuy nhiên, tài xế xe khách cũng không đúng vì khi đến điểm giao nhau giữa các phương tiện, tài xế này vẫn di chuyển với tốc độ cao. Nói chung cả hai bên đều có lỗi”, tài xế Sinh nêu quan điểm.
Tài xế Nguyễn Văn Trung, lái xe khách tuyến Sơn La – Hà Nội, bình luận rằng vụ va chạm trên rất hy hữu, không thể khẳng định tài xế xe khách sai vì đường xe khách di chuyển là đường cao tốc. Điều quan trọng hơn cả, không thể ngờ tới là việc có phương tiện di chuyển ngược vào đường cao tốc.
“Tôi cho rằng không hợp lý khi xe cứu hỏa chạy thẳng từ ngoài đường nhánh vào làn đường có tốc độ cao nhất. Lúc đó, đường khá đông, điều kiện thời tiết mưa ẩm, tầm nhìn hạn chế, nếu phanh gấp xe khách sẽ lật ngang, có thể gây tai nạn liên hoàn, hậu quả càng thảm khốc hơn”, anh Trung nói.