Các hãng xe ở châu Âu vừa đồng loạt phản đối gay gắt khi hội đồng EU lại mới đưa ra đề xuất muốn giảm thêm 30% lượng phát thải CO2 đối với ôtô lưu hành tại đây vào năm 2030. Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của EU bao gồm hệ thống ưu đãi tín dụng đối với các nhà sản xuất xe hơi nhằm khuyến khích triển khai các dòng xe điện và phạt tiền đối với hãng nào vượt quá giới hạn về lượng khí thải CO2.
Đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm hạn chế lượng khí thải độc hại từ các phương tiện giao thông là một phần trong mục tiêu tới năm 2030 cắt giảm ít nhất 40% lượng khí thải nhà kính so với mức đo được vào năm 1990. EC cũng đặt mục tiêu tạm thời là giảm 15% lượng phát thải CO2 vào năm 2025 để giúp đảm bảo rằng các nhà sản xuất xe hơi sẽ bắt đầu đầu tư sớm. Cơ quan này quan tâm tới pháp chế nhằm kích thích ngành công nghiệp xe hơi châu Âu phát triển các dòng xe điện, trước lo ngại về sự áp đảo của Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ trong lĩnh vực này.
Đồng thời, EU có kế hoạch hỗ trợ bằng cách cung cấp 800 triệu euro (927,7 triệu USD) để thành lập cơ sở hạ tầng cho các điểm sạc xe và 200 triệu euro (232,3 triệu USD) để phát triển pin. Để giúp những nhà sản xuất ôtô đạt được những mục đích về mở rộng quy mô, EU sẽ cung cấp thẻ tín dụng cho những người bán đủ những phương tiện sản xuất ít khí thải nhằm bù lại cho lượng khí thải của toàn bộ xe của họ. Cơ quan quản lý hy vọng để đề ra một tiêu chuẩn về những con số cho những phương tiện thải ra ít khí thải sau này, nhằm việc có được những ưu tiên để được lựa chọn.
Đề xuất này đã bị chỉ trích bởi Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô châu Âu (ACEA), khi họ cho rằng mục tiêu giảm 30% là “quá thách thức”, thay vào đó là giảm 20% vào năm 2030 sẽ khả thi hơn. Các chuyên gia thuộc Hội đồng quốc tế về giao thông sạch (ICCT) đã chỉ ra rằng, mục tiêu cắt giảm lượng khí thải CO2 nhiều tham vọng hơn sẽ thúc đẩy việc phát triển các dòng xe điện. Tuy nhiên, các hãng xe đều cho rằng lộ trình này không có tính khả thi và là sự cố tình gây khó khăn cho họ, vì thời gian quá ngắn để phát triển sản phẩm.
Các cuộc đàm phán gay gắt đã diễn ra giữa các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu trước khi dự thảo chính thức được ban hành thành luật. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo rằng, các quy định phát thải nghiêm ngặt hơn có thể sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng và việc làm.
Các công ty đánh giá dự luật này quá tham vọng. Ngược lại, các nhà vận động môi trường và các nhóm người tiêu dùng lại cho rằng mục tiêu đó là chưa đủ.