Câu chuyện recall-triệu hồi không còn lạ. Tuy nhiên, lạ ở chỗ, nhiều người vẫn còn lo lắng khi nghe đến triệu hồi, nhất là những người lần đầu sở hữu và sử dụng ôtô.
Thế triệu hồi-recall là gì? Mỗi hãng có một định nghĩa, mỗi nước một quy định, mỗi người anh em một góc nhìn. Thế nhưng nhìn vào con người đi, sinh ra rồi lớn lên, chúng sinh cũng phải học hành, điều chỉnh và thích nghi các thứ rồi mới đạt đến độ chín mùi. Xe pháo cũng thế, là một quá trình nâng cấp và hoàn thiện. Có những vấn đề được NSX phát hiện sau khi xe đã bán, và triệu hồi–recall để nâng cấp, hay khắc phục những lỗi này theo hướng sửa chữa hoặc đơn giản là làm cho nó tốt hơn.
Vậy triệu hồi có đáng ngại không? Còn tùy vào bản chất và ảnh hưởng của nó. Chỗ này chúng ta phải cực kỳ tỉnh táo, vì nhiều người anh em cứ nghe “triệu hồi” là nghĩ chúng ta nguy to, hay bị NSX lừa dối gì đó. Tuy nhiên, theo góc nhìn chính xác hơn, thì triệu hồi có năm cấp độ khác nhau.
1. Cấp độ đầu tiên là biện pháp đề phòng nhằm giúp sản phẩm an toàn hơn và lỗi chưa xảy ra, các hãng hay gọi là precautionary measures. Cấp độ này là chưa có lỗi, Hãng có thể cập nhật phần mềm, bổ sung này nọ cho con xe nó đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn. Cũng như chúng ta xài điện thoại, hãng nó gửi cập nhật, thì nên mừng chứ vì nó còn quan tâm tới mình. iPhone hay các hãng điện thoại khác đều update liên tùng tục đấy thôi.
2. Cấp độ thứ 2 là hãng trong quá trình kiểm tra chất lượng, đánh giá các kiểu thì phát hiện rằng lỗi có thể xảy ra hoặc không, thường là không. Nhưng dù xác suất là rất hy hữu, hãng vẫn chủ động triệu hồi để bảo đảm quyền lợi của khách hàng.
3. Cấp độ 3, hãng triệu hồi khi lỗi đã xảy ra nhưng chưa ghi nhận sự cố/thiệt hại/tai nạn/thương vong. Cái này có đáng ngại không? Lại tùy. Thông thường những lỗi liên quan đến hệ dẫn động, khả năng vận hành và các tính năng an toàn là đáng lưu tâm. Động cơ, phanh phiếc, hệ thống treo, kẹt chân ga, phanh không ăn, rò rỉ dầu,… đại loại thế. Trong trường hợp này, nếu hãng nhanh chóng tìm ra giải pháp và khắc phục free cho khách, thì lại ok. Ngặt một nỗi ở VN thì phần lớn các triệu hồi dạng này phải chờ chính hãng nước ngoài công nhận và đưa ra giải pháp thực hiện, thế nên trong thời gian này nhân dân cứ gọi là kêu gào thảm thiết.
4. Cấp độ này bắt đầu căng, cơ bản là như trên, nhưng đã có sự cố và thiệt hại về người và của. Cháy xe, tai nạn, nổ, không thực hiện đúng chức năng khi tai nạn xảy ra, ví dụ như túi khí. Đến lúc này hãng mới triệu hồi.
5. Cái này là nguy hiểm nhất. Lỗi đã xảy ra, hậu quả rất nghiêm trọng, nhưng hãng vẫn chưa triệu hồi hoặc cố tình che giấu trong thời gian dài. Thực sự đáng trách.
Hiện nay nhiều người cứ thấy triệu hồi-recall là lo ngại và cứ quy chụp chung triệu hồi là có vấn đề về chất lượng. Tuy nhiên nó phụ thuộc vào tư duy của các hãng khác nhau. Có hãng cái dây an toàn cài không thuận tay là triệu hồi, cái ghế hơi cấn lưng là triệu hồi, nhưng cũng có hãng giấu nhẹm căn nguyên của hàng chục, hàng trăm tai nạn nguy hiểm.
Nhìn chung, nếu thấy triệu hồi là cấp độ 1 và 2, thì chúng ta nên hoan nghênh vì mình chả mất gì, chỉ được cái xe ngon hơn, an toàn hơn. Cái thứ 3, tùy vào bản chất, cũng sẽ lấn cấn chút xíu. Nhưng cả 3 cấp độ triệu hồi mà hãng họ làm được sớm, tận tâm, có trách nhiệm thì chả có gì đáng nói, vì nếu họ không làm, một ngày nào đó chúng ta sẽ phải đối diện hậu quả ở 2 cấp độ triệu hồi sau cùng.
Ở Việt Nam, các hãng xe có thể nói có nhiều cách để thực hiện một đợt triệu hồi, thường thì làm theo chính hãng nước ngoài. Ít thường hơn là do hỏng hóc xảy ra với số lượng xe vượt quá một mức nào đó (tùy hãng có con số định lượng). Một số hãng khác thì chả bao giờ biết đến từ recall – điều này không có nghĩa là xe của hãng đó tốt .
Nếu bạn là người tiêu dùng, hy vọng các thông tin này sẽ giúp ích phần nào để hiểu được là không nên đòi hỏi triệu hồi vì một cái càng rỉ, hay đòi thay máy 100.000 xe ôtô bán tải vì một cái bị thủy kích.
– Copy từ FB Vinh Nguyen