Từ tháng 8-2020, bộ 600 câu hỏi sát hạch lái xe ôtô chính thức áp dụng, trong đó có “60 câu hỏi về tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng” để tính “điểm liệt”, mỗi bài sát hạch lý thuyết sẽ có một câu.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đào tạo lái xe ôtô Việt Nam và có thể là cả thế giới, xuất hiện câu hỏi dạng này. Liệu điều này có mang lại sự đột phá nào cho chất lượng đào tạo?
Không cần bẫy
Theo tác giả Lâm Quang Thiệp, trắc nghiệm là một phép đo trong giáo dục, dùng đề trắc nghiệm để đo một năng lực nào đó của người học. Muốn đo được cái cần đo thì phải chế tác câu hỏi và thiết kế đề trắc nghiệm theo các mục tiêu cụ thể của môn học.
Có năm loại câu hỏi trắc nghiệm là (i) ghép đôi, (ii) điền khuyết, (iii) đúng sai, (iv) tự tạo đáp án và (v) nhiều lựa chọn. Một đề trắc nghiệm có thể được tạo từ một hoặc nhiều loại câu hỏi. Cả câu hỏi và đề đều phải tuân theo các nguyên tắc chế tác, thiết kế nhất định và hoàn toàn không có dạng câu “điểm liệt”.
Do lái xe ôtô không có mục tiêu đào tạo cũng như mục tiêu môn học, nên không thể biết câu “điểm liệt” dùng để đo cái gì. Nhưng có thể thấy rằng cách tính trượt cả bài sát hạch khi chỉ sai 1 câu khó có thể là một phép đo, bởi nó vô hiệu hóa tác dụng đo lường của tất cả những câu còn lại, dù được chế tác cho thang cấp độ trí năng nào.
Cả bài thi bị phủ định chỉ bởi 1 câu, nó giống cái bẫy hơn!
Không phải là tình huống
Có thể đoán được ý đồ người biên soạn từ tên gọi “60 câu hỏi về tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng”. Nhưng nếu đó không phải là tình huống thì rõ ràng là sai với mục đích biên soạn câu hỏi và do đó không đảm bảo chất lượng để sát hạch.
Theo Đại từ điển Tiếng Việt (NXB ĐHQG TP.HCM), “tình huống là hoàn cảnh diễn biến thường bất lợi, cần đối phó”. Câu hỏi tình huống nhằm đo lường khả năng suy xét, trong đó mô tả một kịch bản và người trả lời phải xác định được cách giải quyết thích hợp, nó thường không thể trả lời được bằng cách suy luận từ ngữ hay logic. Với cách hiểu này, hầu hết các câu “điểm liệt” đều không phải là tình huống đúng nghĩa.
Thật vậy, 4 câu hỏi đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông là hỏi về hành vi “có văn hóa giao thông” và hành vi “bị nghiêm cấm”, 11 câu hỏi kỹ thuật lái xe thì hỏi về thao tác “để đảm bảo an toàn”, “đúng quy tắc giao thông”. Ngay cả khi có chữ “tình huống” như câu hỏi 262 thực ra là quy định pháp luật (không được sử dụng điện thoại khi đang lái xe) và điều này hoàn toàn không cần phải suy xét để giải quyết:
262. Khi đang lái xe môtô và ôtô, nếu có nhu cầu sử dụng điện thoại để nhắn tin hoặc gọi điện, người lái xe phải thực hiện như thế nào trong các tình huống nêu dưới đây?
- Giảm tốc độ để đảm bảo an toàn với xe phía trước và sử dụng điện thoại để liên lạc.
- Giảm tốc độ để đừng xe ở nơi cho phép dừng xe sau đó sử dụng điện thoại để liên lạc.
- Tăng tốc độ để cách xa xe phía sau và sử dụng điện thoại để liên lạc.
Với 45 câu hỏi còn lại, về pháp luật giao thông đường bộ, cũng tương tự, chẳng hạn:
17. Hành vi nào dưới đây bị nghiêm cấm?
- Đỗ xe trên đường phố.
- Sử dụng xe đạp đi trên các tuyến quốc lộ có tốc độ cao.
- Làm hỏng (cố ý) cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách.
- Sử dụng còi và quay đầu xe trong khu dân cư.
Cũng không “nghiêm trọng”
Mặt khác, khi so sánh nội dung câu hỏi “điểm liệt” so với các câu hỏi khác trong cùng bộ đề thì càng thấy có vấn đề. Ví dụ, khó có thể biết quay đầu xe tại nơi bị cấm hay lùi xe tại nơi bị cấm cái nào gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng hơn, cũng như kiến thức về cái nào thì quan trọng hơn. Trong khi, làm sai câu 40 là trượt, còn sai câu 42 chỉ mất 1 điểm, rất không công bằng.
So sánh thêm một số câu hỏi khác cũng có kết quả tương tự. Do đó, có thể nhận định rằng “60 câu hỏi về tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng” thực ra cũng như những câu hỏi khác, được lựa chọn theo một cách nào đó không rõ và tính “điểm liệt” mà thôi.
20% không liên quan đến lái xe ôtô
Ngoài ra, sát hạch lái xe ôtô nhưng lại có những câu “điểm liệt” chỉ hỏi về lái xe môtô và xe gắn máy, đó là 11 câu hỏi 45 – 53, 109, 112 ở phần Pháp luật giao thông đường bộ và câu 214 ở phần Kỹ thuật lái xe. Theo quy định hiện hành, người có giấy phép lái xe ôtô không được lái môtô và xe máy, nên không rõ ý đồ thiết kế 12 câu hỏi này là gì, kể cả khi chúng không phải là “điểm liệt”.
Riêng “Câu hỏi 35. Việc sản xuất, mua bán, sử dụng biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng được quy định như thế nào trong Luật giao thông đường bộ? 1- Được phép sản xuất, sử dụng khi bị mất biển số. 2- Được phép mua bán, sử dụng khi bị mất biển số. 3- Nghiêm cấm sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép” thì có lẽ chỉ liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước hay doanh nghiệp.
Khó có thể đoán được tác dụng của 12 câu hỏi này cũng như ý đồ của người biên soạn chúng.
Tóm lại, phương cách tính “điểm liệt” không những chưa từng có trong sát hạch lái xe trước đây mà hiện nay cũng không hề có trong đề trắc nghiệm của các loại hình giáo dục khác như đề tiếng Anh, đề tốt nghiệp THPT,…
Nội dung của “60 câu hỏi về tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng” thực sự không phải là tình huống, mà chỉ là những quy định pháp luật, thao tác an toàn phải tuân thủ. Chúng cũng không phải là những kiến thức quan trọng hơn hẳn những kiến thức khác trong lý thuyết lái xe ôtô và thậm chí còn có ít nhất 20 % số câu hỏi không liên quan đến lái xe ôtô.
Có thể nói những câu hỏi này chỉ có tác dụng như một cái bẫy, làm gia tăng rủi ro cho người dự sát hạch mà thôi.