Mới đây, trả lời phỏng vấn trên Reuters, ông Arifin Tasrif – Bộ trưởng Năng lượng của Indonesia cho biết, theo kế hoạch giảm lượng khí thải carbon, từ năm 2040, Indonesia sẽ chỉ cho phép bán xe gắn máy điện và từ năm 2050, tất cả xe ô tô mới được bán ở đất nước Vạn đảo này sẽ là xe điện.
Để thực hiện kế hoạch này, Indonesia đã xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện trị giá 1,2 tỷ USD tại Bekasia, Tây Java của tập đoàn Pin Indonesia (IBC) và một công ty do tập đoàn LG dẫn đầu.
Trước đó, Indonesia cũng đã công bố mục tiêu sản xuất 600.000 xe ô tô điện và 2,445 triệu xe máy điện vào năm 2030.
Điều này phù hợp với kế hoạch của Indonesia để trở thành một trung tâm sản xuất xe điện toàn cầu, tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào là quặng đá ong niken được sử dụng trong pin lithium. Hồi đầu năm nay, Indonesia cũng đã công bố chiến lược là quốc gia không có carbon, với tất cả các nhà máy điện chạy bằng than sẽ ngừng hoạt động vào năm 2056.
Indonesia, đặc biệt là ở thủ đô Jakarta, từ lâu đã phải vật lộn với các vấn đề giao thông tắc nghẽn và ô nhiễm không khí. Các mục tiêu đối với ô tô và xe đạp điện nhằm mục đích giảm lượng khí thải CO2 trong nước xuống 2,7 triệu tấn từ phương tiện bốn bánh và 1,1 triệu tấn từ xe hai bánh thông qua việc sử dụng các biện pháp khuyến khích tài chính và các biện pháp khuyến khích khác.
Tuy nhiên, động cơ đốt trong vẫn chưa hoàn toàn biến mất ở Indonesia. Dadan Kusdiana, Tổng giám đốc Năng lượng tái tạo của Bộ Năng lượng Indonesia cho biết: “Chúng tôi không có bất kỳ chính sách nào để ngừng sử dụng động cơ đốt trong, mà chỉ với các biện pháp khuyến khích sử dụng xe điện”.
Vào tháng 4 vừa qua, dịch vụ gọi xe Gojek của Indonesia cho biết, toàn bộ phương tiện xe máy và ô tô sử dụng trên nền tảng của họ sẽ chạy điện vào năm 2030.
Theo số liệu năm 2019, có hơn 15 triệu xe ô tô và 112 triệu xe máy trên các con đường ở Indonesia. Trong 10 năm qua, thị trường Indonesia có trung bình 6,5 triệu xe máy và 1 triệu xe ô tô được bán ra mỗi năm.