Ma trận thuê xe tự lái châu Âu: để không sợ hãi

Sau các trải nghiệm chu du châu Âu bằng: xe người nhà/bạn bè, phương tiện giao thông công cộng, ôtô tự lái – khẳng định luôn cho nhanh rằng: Xe tự lái là trải nghiệm tự do nhất, trọn vẹn nhất và cũng khá kinh tế. Sẽ thật hoàn hảo nếu bạn không bị mắc lưới trong ma trận của các hãng cho thuê xe.

Mấy người bạn mình vừa bị chém đẹp vụ thuê ôtô tự lái ở Frankfurt, từ báo giá online 751 euro nhảy lên gần 1.700 euro khi nhận xe, rồi bị charge tiếp 350 euro cho một vết xước “mắt thường khó thấy” ở cản sau khi trả xe!

Phải nói ngay, trải nghiệm tồi tệ này là một thực tế, một Big Problem với nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới, tới mức chủ đề chia sẻ kinh nghiệm và đánh giá dịch vụ của các hãng cho thuê xe châu Âu khá “hot” trên nhiều diễn đàn du lịch. Và những người bạn ít may mắn của tôi không hề “cô đơn” trong ma trận này.

Vấn đề ở đây là, làm sao để thoát khỏi nó. Muốn vậy, trước hết bạn phải hiểu nó và quy trình vận hành của nó.

Và dưới đây là những điểm chính (mang tính phổ quát, không kể những trường hợp nhỏ lẻ) rút ra từ kinh nghiệm đọc hiểu của dăm lần tự thuê xe một mình ở châu Âu (có đôi lần suýt lạc tay lái) và đặc biệt là sự trợ giúp của nhiều tay lái các nước nhiều kinh nghiệm hơn mình (qua chia sẻ của họ trên blog cá nhân và các diễn đàn).

Ma trận thuê xe tự lái châu Âu: để không sợ hãi - 2

Qui trình thuê xe tự lái bao gồm: đặt xe online (1), hoàn tất hợp đồng tại quầy giao xe (2), nhận xe (3) và trả xe (4). Từng bước sẽ diễn ra thế này:

Bước 1: Rất nhanh chóng và dễ dàng thông qua trang web của các hãng cho thuê xe (nhiều lắm: Hertz, Europcar, Avis, Budget, Dollar, Sixt, v.v…) và các trang agency (rentcar, carrental…). Giá thuê hiện lên trên các trang này khá hấp dẫn, nhất là các agency, tùy loại xe, có khi chỉ dưới 10 euro/ngày. Nhanh chóng, dễ dàng, giá hấp dẫn – bước đầu tiên để thu hút bạn bao giờ cũng như thế. Nhưng chớ có vội vàng.

Giá thuê xe theo ngày sẽ cộng thêm phí cho địa điểm và thuế VAT. Thuế này ở châu Âu rất cao nhé. Pháp là 19%, Đức là 20%, Ý và Tây Ban Nha là 21%, Đan Mạch là 25%… Lưu ý là tất cả các phí phát sinh sau này đều phải nhân với VAT khủng.

Khoản phí thứ hai được hiện lên trước khi bạn kết thúc bước 1 là các option tùy chọn như: lái phụ, ghế trẻ em, lốp mùa đông, navi, dịch vụ hỗ trợ…

Và bạn cũng được chào khoản phí thứ ba, đây mới chính là ma trận: bảo hiểm. Tùy từng hãng sẽ đưa ra các khoản bảo hiểm khác nhau. Có hãng kê: Bảo hiểm kính lái, Bảo hiểm đèn xe, Bảo hiểm thân vỏ, Bảo hiểm tai nạn cho người. Hãng khác lại chia ba hạng Basic, Medium, Super v.v…

Các trang agency thì đưa khoản bảo hiểm miễn trừ toàn bộ – đoạn sau mình sẽ nói kỹ hơn về điểm này vì khá phức tạp. Bạn có thể từ chối, để bảo toàn giá xe hấp dẫn ban đầu. Mọi thứ okie.

Bước 2: Hoàn tất hợp đồng tại quầy. Đây là bước quan trọng nhất và bạn dễ ngã ngửa nhất. Lúc này nhân viên hãng sẽ đưa cho bạn gợi ý một số gói bảo hiểm khác, trong đó quan trọng nhất là gói bảo hiểm miễn trừ toàn bộ sự cố xảy ra.

Như đã từng chia sẻ, nếu mua gói này thì sau đó an tâm mà đi, bất kể xây xát, đâm đụng, gì. Song khoản này khá cao, nó có thể nhân đôi con số ban đầu. Bạn có thể từ chối, okie. Nhưng chuyện gì sẽ tới ở bước 3 và 4?

Dừng lại nói kỹ chút về bảo hiểm toàn phần rất “hiểm độc” đây. Bạn có hai lựa chọn: hoặc mua qua công ty thứ ba, khoản này gọi là Excess insurance (ERI), hoặc mua từ chính hãng cho thuê xe, được gọi là Super Collision Damage Waiver (SCDW).

Theo khảo sát của trang tiêu dùng Anh, Which.co.uk, thì SCDW có thể cao gấp vài lần tới 15 lần ERI! Thế nhưng chúng ta lại rất khó có thể mua ERI. Vì sao?

Vì mua bảo hiểm bên thứ ba ERI có nghĩa bạn vẫn sẽ phải trả các khoản phát sinh cho hãng thuê xe, sau đó làm thủ tục đòi lại từ công ty bảo hiểm.

Thủ tục đòi lại sẽ rất nhiêu khê, ai từng đi đòi bảo hiểm đều biết, nhất là khi bạn không phải là công dân của nơi công ty bảo hiểm đăng ký (nước sở tại hoặc Mỹ).

Mang hộ chiếu Việt Nam, đồng nghĩa với việc bạn gần như chỉ có lựa chọn duy nhất là mua bảo hiểm từ chính hãng, như đã nói, có thể cao gấp 15 lần! Trừ phi Bảo Việt tham gia vào thị trường này!

Bước 3 và 4: Nếu đã mua cái bảo hiểm toàn phần kia rồi thì nhận xe và trả xe (bước 4) đều nhanh trong bảy nốt nhạc.

Dĩ nhiên, cũng nên cẩn thận dòm ngó cái xe trước khi nhận, chụp lại đồng hồ cây số (trong trường hợp thuê có giới hạn km, dư cây nào tính tiền cây đó, khá mắc) và cả đồng hồ báo xăng vì bạn sẽ phải đổ đầy xăng như khi nhận vào lúc trả, nếu không sẽ bị charge tới 150 euro!

Nếu không mua bảo hiểm toàn phần, sẽ phải cùng nhân viên hãng check rất kỹ mọi chi tiết góc ngách trước khi nhận xe và khi giao trả.

Và gần như cầm chắc rằng bạn sẽ bị “bắt đền” như nhóm bạn mình đã bị, vài trăm euro cho một vài vết xước nhỏ. Chưa kể, sẽ mất rất nhiều thời gian và cảm hứng cho chuyện này.

Mà bạn biết không, cũng trang Which.co.uk đã công bố một khảo sát của họ cho thấy các hãng cho thuê xe đã “tố” lên 300% cho các hư hỏng không bao giờ được sửa chữa!!!

Hôm nay tạm dừng ở đây. Mai sẽ chia sẻ tóm tắt về các công ty cho thuê xe tốt nhất và tồi tệ nhất ở châu Âu với các con số cụ thể cho mọi người so sánh. Cũng như cách khiếu nại nếu gặp trục trặc.

Nhưng chốt lại, vẫn khẳng định một điều, đi qua ma trận này, mình và cả những người bạn vừa bị sốc với ma trận nói trên, vẫn phải thú nhận rằng thuê xe tự lái khám phá châu Âu là một trải nghiệm thật tuyệt vời và bọn mình không hề muốn dừng lại. Tuyệt vời thế nào sẽ tiếp tục chia sẻ sau.

Exit mobile version