30 phút sau khi trả xe về bãi của Europcar ở sân bay Frankfurt thì nhận được biên bản kiểm tra xe gửi qua email, có hình ảnh 5 phương 8 hướng xem ra rất pro.
Đọc các chi tiết mô tả (tiếng Đức, dĩ nhiên qua phiên dịch của anh Gúc) choáng váng luôn : nào thì là ăng ten nóc biến mất, vết lõm cản sau, xước rất nhiều vành nọ vành kia…
Lẽ dĩ nhiên mình đã mua bảo hiểm toàn phần cho mọi tình huống, kể cả mất xe, nên thực ra chả thèm quan tâm, chỉ kinh ngạc sao mình có thể … phá xe thế chứ !
Và đấy chính là vấn đề. Khi làm thủ tục nhận xe tại quầy, mình được giao chìa khoá cùng chỉ dẫn tới bãi xe, ô số bao nhiêu, số xe bao nhiêu, lên xe là đi, không có nhân viên của hãng tới cùng kiểm tra ký giao nhận gì hết.
Nghĩa là những gì được phát hiện mất với xước hôm nay có từ trước khi mình nhận xe hay không, cóc biết. Lúc nó hậu kiểm cũng không có mặt mình.
Thế là không Fair. Chưa nói thực tế, xe đi thuê không phải là xe vừa lăn bánh, liên tục qua tay hết khách này tới khách khác, mà nó soi như soi xe mới tậu !!!
Theo mình tìm hiểu thì đây chính là “bài” của các hãng thuê xe doạ và ép khách hàng phải mua những gói bảo hiểm cao ngoài gói căn bản.
Khoản này không hề hiện lên total phí khi bạn đặt thuê xe online, kể cả từ chính hãng, mà sẽ được nhân viên chào bán khi bạn tới nhận xe.
Mức phí tuỳ theo giá trị xe và nhân với số ngày thuê. Kinh nghiệm mình thuê xe trong 5 chuyến tự lái châu Âu thì phí bảo hiểm tương đương tiền thuê xe.
Nếu bạn chỉ mua gói căn bản, thì khi trả xe, sẽ bị soi kiểu này, và tài khoản của bạn sẽ bị trừ thẳng thừng – như chiếc xe còi Opel Costa, mức phạt cao nhất gần 500€!!
Bảo hiểm là bắt buộc trong trường hợp này nhưng cũng như mọi dịch vụ bảo hiểm khác, khách hàng luôn là thượng đế cầm lưỡi dao.
Biết mà đành chịu, trừ phi bỏ thật nhiều thời gian nghiên cứu thật kỹ luật, nhất là luật khiếu nại của bọn tư bản thì mới hòng đấu lại.
Còn nếu không, nhất là chỉ đủ thời gian thảy chìa khoá xe vào box, kéo vali lên máy bay, thì tốt nhất nên mua bảo hiểm toàn phần từ đầu, để đỡ lo lắng.
Đường xa vạn dặm, không ai biết chuyện gì có thể xảy ra, có thể chỉ bé như viên đá dăm bắn lên từ autobahn có thể làm nứt kính lái.
Thêm nữa, nên đặt thuê xe chính hãng để có chuyện gì còn túm được thằng có tóc. Một số trang thuê xe dạng agency chào giá vô cùng hấp dẫn, rẻ có khi chỉ bằng nửa chính hãng.
Nhưng hãy vô cùng cẩn trọng vì cuối cùng bạn phải ký hợp đồng và nhận xe từ hãng, sẽ có những khoản phí khác được đưa ra choáng váng. Và bạn thì chả biết tìm cái agency đó ở đâu.
Bonus: Các bạn Đức cũng cứ dọa nhau vụ Autobahn đạp xe mát ga không giới hạn tốc độ không thu phí.
Thực ra: – Chủ nhật qua, 6/10, Autobahn từ Berlin đi Frankfurt am Main chả khác gì Long Thành – Dầu Giây cuối tuần. Khởi hành Navi báo 18:04 tới nhà, thực tế lăn bánh xe vào sân khi đồng hồ chỉ 23:19!
– Mọi xe ở Đức lưu hành đều đóng các khoản phí đường nguyên năm, tính theo dòng xe đời xe, dung tích, phổ biến ở mức trên dưới 400€/năm, cỡ gần 1 triệu/tháng. Còn đi cao tốc hay đường làng, thậm chí mấy tháng không đi cũng mặc. Thu hết rồi thì cho bọn láng giềng thỉnh thoảng qua đi ghé free lại được tiếng là giàu không thèm tính toán. Giá thuê xe ở Đức (có lẽ vì thế mà ) đắt hơn Pháp, Ý, Tây Ban Nha.
Việt Nam ta sắp xây cao tốc Bắc Nam. Học Đức thì đổ đồng thu tất tật tiền đường vào xe đóng hàng năm, rồi bảo free cao tốc, thế là vừa được tiếng chơi ngon vừa đỡ mất công xây trạm thu phí, đỡ tắc nghẽn…