Khi chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa là thời điểm mức thuế nhập khẩu các sản phẩm ôtô từ các nước trong khu vực ASEAN chính thức về mức 0%, với hiện trạng tăng trưởng của ngành công nghiệp sản xuất ôtô, hiển nhiên mọi dự đoán đều thiên về khuynh hướng tiêu cực với bức tranh được phác thảo là ôtô lắp ráp nội địa nhường bước hoàn toàn cho ôtô nhập khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, mục tiêu đạt 40% nội địa hóa để gia tăng xuất khẩu của Hyundai Thành Công, Thaco thu nhận BMW và “bom tấn” VinFast được xem như những ánh sáng kỳ diệu xuất hiện một cách đầy bất ngờ nơi cuối con đường và câu tục ngữ “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” chưa bao giờ được kỳ vọng xác thực đối với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam mạnh mẽ như lúc này.
Dung lượng thị trường – yếu tố then chốt cho mọi sự đột phá
Tổng doanh số của toàn thị trường ôtô Việt Nam trong tám tháng vừa qua đạt gần 180 ngàn xe giảm 6% so với cùng kỳ năm 2016 trong đó dòng xe lắp ráp cũng rơi vào mức giảm 11% trong khi xe nhập khẩu vẫn tăng tỷ lệ đều với mức tăng 10%. Mặc dù đang trong tình trạng thị trường trì trệ do xu hướng chờ giảm thuế sâu vào năm 2018 từ người tiêu dùng và dòng xe nhập khẩu cũng đang chứng kiến nhiều biến động về sản lượng và giá trị nhập khẩu nhưng số phận của dòng xe lắp ráp trong nước có thể được xem như đã được định đoạt trong cuộc cạnh tranh không cân sức về giá bán trong năm sau nếu không có những thay đổi hỗ trợ cần thiết. Điều này càng được minh chứng rõ hơn khi ngày càng nhiều mẫu xe vốn đang được lắp ráp trong nước đã được chuyển đổi sang hình thức xe nhập khẩu khi ra mắt phiên bản mới trên thị trường. Lý giải quyết định này, nhiều thương hiệu cho rằng chi phí sản xuất ôtô tại Việt Nam hiện còn quá cao so với các quốc gia trong khu vực đi kèm là dung lượng tiêu thụ của thị trường còn quá nhỏ bé nên dẫn đến giá thành của xe lắp ráp nội địa cao hơn so với xe nhập nếu được miễn thuế nhập khẩu trong thời gian tới, vì vậy để duy trì phân khúc cũng như lợi nhuận các doanh nghiệp ưu tiên hình thức nhập khẩu.
Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí 151/191 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ người dân sở hữu ôtô với mức 23 chiếc trên 1 ngàn dân vào năm 2014 và cũng không có nhiều thay đổi tính đến thời điểm này bởi tổng lượng xe tiêu thụ của toàn thị trường vẫn còn khá thấp so với nhiều quốc gia khác. Theo dự báo của Bộ Công thương thì nhu cầu ôtô tại Việt Nam có thể đạt từ 800-900 ngàn xe đến năm 2025 và cao hơn 1,5 triệu xe từ năm 2030. Rõ ràng với tiềm năng đã được nhìn thấy, thị trường ôtô Việt Nam trong tương lai có thể chạm tay được với những con số tiêu thụ đáng mơ ước nếu như có được những chính sách hợp lý cũng như sự tăng trưởng của cơ sở hạ tầng giao thông phù hợp. Nhìn lại doanh số của thị trường trong năm năm trở lại đây kể từ năm 2012 có thể dễ dàng nhận thấy nhu cầu sắm ôtô của người tiêu dùng Việt Nam đã và đang ở một tốc độ gia tăng chóng mặt. Nếu năm 2012 dung lượng thị trường cán mốc gần 100 ngàn xe thì chỉ sau năm năm con số ấy đã tăng gấp hơn ba lần và hứa hẹn sẽ tiếp tục cán những cột mốc kỷ lục mới trong năm 2018 khi giá xe dự đoán sẽ rẻ hơn rất nhiều do rào cản về thuế đã được thông thoáng. Tổng doanh số trên thị trường trong năm 2016 đạt vượt con số 300 ngàn chiếc trong khi doanh số tám tháng của năm 2017 cũng đã chạm được mốc gần 180 ngàn chiếc mặc dù đang rơi vào trạng thái thấp điểm của thị trường.
Cùng với những đợt sóng lớn từ những chương trình giảm giá và khuyến mãi rầm rộ vẫn đang được các doanh nghiệp kiên trì thực hiện, nhu cầu mua sắm trong những tháng cuối năm là những hy vọng cuối cùng dành cho thị trường để có thể vượt mức 304.427 xe của năm 2016 và có được tỷ lệ tăng trưởng ổn định tạo đà bùng nổ cho những năm tiếp theo.
Ba cây chụm lại… liệu có tạo nên “hòn núi” cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam?
Chưa bao giờ những chiến lược phát triển ngành sản xuất ôtô tại Việt Nam lại nóng như lúc này tại thời điểm mà được cho là đã quá muộn cho những nỗ lực thậm chí là để duy trì chứ chưa đề cập đến việc tăng trưởng, phát triển dành cho ngành sản xuất ôtô Việt Nam. Thế nhưng, chỉ trong vòng hai tháng, không chỉ có một mà những ba loan báo về chiến lược “vượt vũ môn” trong ngành sản xuất, lắp ráp xe bốn bánh tại Việt Nam, đem lại những tia sáng mới nơi cuối con đường và khơi lại ước mơ một mẫu ôtô “Made in Vietnam” sẽ sớm có mặt trên thị trường trong thời gian gần nhất. Nếu như Hyundai Thành Công là một cái tên đang được nhắc đến nhiều nhất khi đi ngược xu thế bằng việc gia tăng số mẫu xe lắp ráp nội địa thay thế cho những mẫu nhập khẩu thì Thaco Trường Hải đang gây “náo loạn” thị trường ôtô Việt Nam khi thu nạp được thương hiệu xe sang nổi tiếng BMW về đội của mình. Tuy nhiên, chấn động nhất và tạo nên sự tranh cãi nhất có lẽ là sự xuất hiện của cái tên VinFast từ tập đoàn đình đám nhất hiện nay – Vingroup. Đầu tiên, trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô lớn như Toyota, GM, Mitsubish hay Ford nhấp nhỏm cho việc từ bỏ sản xuất, lắp ráp trong nước nhiều mẫu xe chiến lược trong bối cảnh thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN sẽ bằng không vào năm 2018 thì Hyundai Thành Công lại đang nhìn thấy một con đường phát triển mới ở chiều ngược lại khi họ đang sở hữu thương hiệu ôtô chưa có nhà máy sản xuất lớn nào tại khu vực Đông Nam Á cũng tương tự như Mazda của Thaco. Chính vì vậy, thay vì sẽ chuyển sang nhập khẩu để hưởng thuế ưu đãi tại chính sân nhà thì cả hai doanh nghiệp này đang có những chiến lược đầu tư sản xuất nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm do mình lắp ráp, sản xuất để thụ hưởng sự ưu đãi tương tự tại các quốc gia khác trong khu vực thông qua việc tập trung tăng trưởng trên phân khúc xuất khẩu. Tuy nhiên các mẫu xe do cả hai doanh nghiệp này lắp ráp tại Việt Nam hiện vẫn chỉ đạt tỷ lệ nội địa hóa ở mức trên dưới 20% chưa đủ điều kiện để hưởng mức thuế ưu đãi (phải trên 40%) nên một chiến lược hợp tác táo bạo đã được nêu ra về việc tiến tới sử dụng chung những linh kiện mà hai bên sản xuất được để những mẫu xe lắp ráp trong nước sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa sớm hơn so với kế hoạch. Đồng thời nhằm nhanh chóng nắm bắt những cơ hội mới về xuất khẩu tạo tiền đề tăng trưởng cho ngành công nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Kế tiếp, sự kiện BMW lựa chọn Tập đoàn Thaco là nhà phân phối chính thức của thương hiệu tại thị trường Việt Nam thay cho đối tác cũ là Euro Auto cũng là một cơn nhiễu động không nhẹ cho thị trường xe sang. Mặc dù, nếu xét về năng lực kinh doanh trên phân khúc xe sang thì dường như Thaco hơi bị mất điểm khi Peugeot sau hơn hai năm về với tập đoàn này thì thị phần ngày càng giảm sút. Tuy nhiên, việc sở hữu những cơ sở sản xuất quy mô, hiện đại có lẽ là điều mà BMW quyết định chọn Thaco khi nhiều nghi vấn được đặt ra sau cuộc ký kết lịch sử này: liệu chăng BMW đang có chiến lược sẽ sản xuất, lắp ráp dòng xe sang BMW tại Việt Nam để có được sự cạnh tranh tương xứng hơn đối với các đối thủ như Mercedes-Benz hay Lexus. Sự hợp tác mang tính lịch sử này có thể sẽ tạo nên một bức tranh hoàn toàn mới cho phân khúc thị trường xe sang Việt Nam trong những năm tiếp theo. Qua đó được hưởng lợi nhiều nhất chính là người tiêu dùng khi sự tương đồng năng lực sẽ tạo nên một sự cạnh tranh quyết liệt hơn về giá giữa các thương hiệu. Cuối cùng, gây cơn sốt mạnh nhất có lẽ là sự lấn sân của Tập đoàn Vingroup vào thị trường ôtô khi chính thức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ôtô VinFast với mục tiêu gây nhiều tranh luận về công suất dự kiến là 500 ngàn xe/năm cùng tỷ lệ nội địa hóa đạt 60% vào năm 2025 trong khi theo dự đoán của các ngành chức năng thì nhu cầu về ôtô của người tiêu dùng Việt Nam trong năm này chỉ đạt tối đa khoảng 900 ngàn chiếc. Bên cạnh đó, với tỷ lệ nội địa hóa của ngành ôtô nước ta hiện còn khá khiêm tốn ở mức dưới 20% thì việc đặt ra mục tiêu 60% như VinFast đề ra là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Nhưng tất cả đều có thể khi tập đoàn này đã minh chứng bản lĩnh của mình trên nhiều lĩnh vực khác và VinFast cũng là một tia hy vọng cho giấc mơ “ôtô Việt” cũng như mong ước ngành ôtô Việt Nam sẽ có cơ hội chuyển mình để có thể hoàn thành những mục tiêu, chiến lược đã được đề ra trong rất nhiều năm qua.
- Huỳnh Khôi