Một trong những vụ việc đang được dư luận bàn tán xôn xao trong 2 ngày qua đó là trường hợp xe ô tô 7 chỗ VinFast Lux SA 2.0 bị bốc cháy vào khoảng 17h ngày 26-4 trên cao tốc TPHCM – Trung Lương. Nguyên nhân của vụ cháy vẫn chưa được xác định nhưng vì chiếc xe này mang thương hiệu Việt, nên sự cố của nó khiến nhiều người quan tâm.
Ngay sau khi vụ cháy xe ô tô VinFast được chia sẻ trên mạng xã hội và các diễn đàn về ô tô, một số nguồn tin cho biết điều tra ban đầu, chủ xe đã thay đổi dàn đèn trên xe. Tuy nhiên, VinFast hiện chưa xác định thông tin này và doanh nghiệp cho biết sẽ có kết quả điều tra trong thời gian tới.
Đoạn video lan truyền trên mạng cũng cho thấy, phần thân xe cháy rụi, phần mâm xe cũng cháy và rơi vụn ra chứ không còn được nguyên hình dạng.
TBKTSG Online đã trao đổi với một số chuyên gia và người có kinh nghiệm về ô tô, qua đó, các ý kiến cho rằng hầu hết tai nạn cháy xe thường xảy ra do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả yếu tố đến từ con người, nguyên nhân cơ học và nguyên nhân hóa học.
Theo Hiệp hội phòng cháy chữa cháy Hoa Kỳ (NFPA), có một vài lỗi thiết kế sẽ tạo điều kiện thuận lợi để gây ra cháy ô tô. Chẳng hạn như việc bố trí các dây điện bên trong xe không đủ an toàn sẽ tiềm ẩn nguy cơ chập mạch, hay các bộ phận phát ra nguồn nhiệt cao được đặt gần bình chứa nhiên liệu cũng có khả năng khiến chiếc xe bốc cháy.
Ông Nguyễn Minh Đồng, từng làm việc tại Trung tâm nghiên cứu và thiết kế của Tập đoàn ô tô Volkswagen tại Đức cho rằng, ở các nước việc ô tô bị cháy khi đang lưu thông có thể xảy ra với cả các dòng xe của các thương hiệu từ phổ thông đến xe sang, nhưng cực kỳ hiếm thấy. Vấn đề sẽ gây chú ý nhiều hơn khi sự cố xảy ra ở sản phẩm mới hoặc một nhà sản xuất mới.
Theo chuyên gia này, về lý thuyết thì nguyên nhân dẫn đến cháy nổ xe khi đang chạy có rất nhiều. Nhưng khi nhìn vào clip xe bị cháy đăng tải thì có thể có thể hướng đến các nguyên nhân gây cháy cụ thể. Khả năng cao nhất là hệ thống làm nguội bôi trơn trục của turbo bị rò rỉ nhớt vì nhiệt độ của turbo cũng có thể lên đến từ 800 – 1.000 độ C. Nếu nhớt rò rỉ trong tình trạng này thì cũng có thể dẫn đến bị bốc cháy vì turbo nằm gần ống xả.
Tiếp đó là do rò rỉ từ hệ thống dẫn xăng trong phạm vi của động cơ vì ống xả động cơ có thể nóng lên đến từ 800-1000 độ C. Nếu động cơ ngừng hoạt động trước khi bốc cháy thì khả năng rò rỉ hệ thống xăng làm giảm áp suất cung cấp xăng. Nếu trong phạm vi động cơ có hơi xăng thì bình ắc quy nếu không siết chặt cũng sẽ sinh ra tia lửa dẫn đến bốc cháy.
Trong khi đó, chia sẻ trên báo Giao Thông , kỹ sư chuyên ngành ô tô Lê Văn Tạch, chủ một gara ô tô ở Vĩnh Phúc nhận định, chập điện là một trong những lý do thông dụng và cũng là nguyên nhân đáng sợ nhất có thể gây ra các vụ cháy xe.
Theo ông Tạch, giả định rằng loại trừ các nguyên nhân ngoại cảnh như đi vào đường rơm rạ, đâm va trong tai nạn giao thông, nhiên liệu kém chất lượng hoặc hành vi phá hoại có chủ đích…., thì tia lửa điện là điều phải nghĩ đến khi các xe còn mới mà bị cháy.
Hệ thống điện không chỉ gói gọn ở khoang động cơ mà còn xuất hiện nhiều vị trí trên xe, từ bảng đồng hồ đến cửa ra vào, dưới thảm trải sàn, dưới ghế… nếu dây dẫn bị hở, chạm mạch có thể gây cháy.
Giải thích về các lý do rò rỉ nhiên liệu, ông Tạch cho rằng, một số dòng xe đời mới có trang bị cảm biến áp suất bình nhiên liệu, sẽ có tín hiệu cảnh báo nếu bị rò rỉ trên đường ống bơm nhiên liệu. Một nguyên nhân khác nữa có thể do con ốc tiếp mát không được siết chặt khiến ốc lỏng dần dẫn đến đánh lửa. Ngoài ra, khi rửa xe hoặc đi trong trời mưa hay vùng ngập nước, nếu nước vào các điểm đấu nối, giắc cắm mà tại điểm đó không có khả năng chống nước thì cũng có thể dẫn đến chạm chập điện.
Một nguyên nhân khác là chủ xe trang bị thêm các phụ kiện cho xe như camera hành trình, đèn… nhằm tăng khả năng an toàn khi di chuyển. Thế nhưng lắp đặt các phụ kiện không đúng cách, cũng như không có các bộ phận đảm bảo an toàn như cầu chì, quạt tản nhiệt… sẽ tiềm ẩn không ít nguy cơ xảy ra quá nhiệt và cháy nổ.