Thị trường xe số tự động ngày càng lấn át các dòng xe số sàn, thậm chí thời gian gần đây nhiều thương hiệu gần như không có phiên bản số sàn ở các mẫu xe mới, nhất là những mẫu xe đô thị hay xe gia đình. Vì vậy, đã tưởng khi sắm ôtô phục vụ cho nhu cầu cá nhân thì người ta buộc phải học lái xe số tự động để được cấp bằng B11, nhưng sau hơn một năm chính thức được phép đào tạo và cấp bằng lái ôtô số tự động, tại các trung tâm dạy lái xe, học viên chỉ lác đác.
B1, B2 hay B11?
Nhu cầu sở hữu xe bốn bánh của người Việt gia tăng khá mạnh trong mười năm gần đây. Nếu trước đây chỉ có những doanh nhân hay những người lựa chọn lái xe như một nghề nghiệp mới có nhu cầu học lái ôtô thì nay, đối tượng của các khóa đào tạo lái xe đã mở rộng và gia tăng một cách chóng mặt. Trước năm 2016, muốn thi lấy bằng lái xe hơi, học viên có hai lựa chọn là bằng B1 và B2, trong đó B1 chỉ cho phép lái xe phục vụ gia đình, không kinh doanh hay lái thuê, còn B2 thì cho phép “tất tần tật”. Từ khi thị trường ôtô đi vào giai đoạn tăng trưởng ổn định và nhu cầu về dòng xe số tự động ngày càng lớn, bằng lái xe dành cho số tự động (B11) được cấp từ năm 2016 trên toàn quốc. Thực tế cho thấy, nhiều người sau khi thi lấy bằng B2 (tức là được phép lái xe số sàn lẫn số tự động) nhưng vì không có nhu cầu sử dụng nên sau một thời gian dài không thực hành lái đã mất luôn khả năng vận hành dòng xe này, thậm chí nhiều người trong số đó còn không dám bước lên lái xe số sàn vì không còn quen với việc điều khiển chân côn. Việc cấp phép cho đào tạo và cấp bằng lái xe số tự động có thể được xem là cần thiết cho việc quản lý và giảm thiểu tai nạn giao thông trước xu thế xe số tự động phát triển không ngừng.
Hiện tại, liên quan đến việc cấp phép lái xe ôtô, đang tồn tại song song ba mẫu bằng lái cùng dành cho các dòng xe ôtô dưới chín chỗ ngồi là B1, B2 và B11. Bằng B1 được cấp cho người không hành nghề kinh doanh, được điều khiển các loại xe ôtô chở người đến chín chỗ ngồi, ôtô tải, kể cả ôtô tải chuyên dụng có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg, cả xe số sàn và xe số tự động. Bằng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển tất cả các loại xe từ bốn đến chín chỗ ngồi số sàn và số tự động, ôtô chuyên dụng có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn. Bằng B11 cấp cho những người không hành nghề kinh doanh, chỉ được phép điều khiển các loại xe số tự động chở người từ bốn đến chín chỗ ngồi (kể cả chỗ ngồi của người lái), ôtô số tự động dùng cho người khuyết tật. Tùy theo từng nhu cầu sử dụng xe, học viên có thể lựa chọn các khóa đào tạo và thi lấy bằng lái tại nhiều trung tâm đào tạo khác nhau. Tuy nhiên, việc cùng tồn tại nhiều loại bằng cùng chức năng khiến cho người tham gia cảm thấy bối rối khi lựa chọn, chưa kể nội dung chương trình cũng như thiết kế phần thi sát hạch cấp bằng xe bốn bánh tại Việt Nam bị đánh giá là còn nhiều bất cập, cần được sửa đổi cho hợp lý hơn. Nên chăng chỉ tập trung phân biệt xe số sàn với xe số tự động, bỏ bớt tiêu chí kinh doanh hay không kinh doanh vì chỉ làm phức tạp thêm trong việc kiểm tra, xử lý? Việc lái xe an toàn hầu như không liên quan đến việc chiếc xe đang được vận hành cho mục đích kinh doanh hay không.
Bằng B11 – Liệu có dễ đạt hơn?
Có nhiều đánh giá khác nhau về mức độ khó dễ của việc thi lấy bằng lái ôtô tại nước ta so với các quốc gia khác trên thế giới. Hiện nay, nội dung thi sát hạch dành cho học viên tham gia gồm có ba phần: phần lý thuyết thi trên máy tính gồm 30 câu, trong đó thí sinh phải đạt tối thiểu 26 câu để đủ yêu cầu được tiếp tục thi phần thứ 2; phần thi lái trên sa hình được xem là “chủ chốt”, quyết định khả năng đậu hay rớt, gồm 11 bài thi, số điểm đậu tối thiểu là 80/100; sau cùng là phần thi lái trên đường trường trong phạm vi bán kính hai cây số theo yêu cầu của người chấm thi nhằm thể hiện kỹ năng xử lý tình huống trong khi lái xe trên đường. Ngay từ khi việc thi lấy bằng lái xe số tự động B11 được triển khai, nhiều ý kiến cho rằng phần học và thi của loại bằng này đơn giản và dễ đậu hơn so với hai loại B1 hay B2, nhưng thực tế thì số lượng thí sinh rớt trong các đợt sát hạch B11 cũng ngang ngửa các loại bằng khác, bởi xét về nội dung sát hạch thì B11 cũng có đầy đủ các yêu cầu như với B1 hay B2, chỉ có một lợi thế duy nhất là xe số tự động không bị tắt máy khi đang vận hành như xe số sàn – một trong những yếu tố làm cho thí sinh tham gia sát hạch bị trừ điểm nhiều hay thậm chí bị loại trực tiếp trên sa hình. Phần còn lại, hầu hết các bài thi đều đòi hỏi thí sinh thi xe số sàn hay số tự động đều phải thực hiện những thao tác chính xác và phức tạp như nhau, vì vậy khả năng thi rớt đối với bằng B11 cũng rất cao nếu thí sinh không có được sự bình tĩnh và tâm lý vững vàng.
So với trước năm 2016, những phần thi thực hành hiện nay đều được chấm điểm tự động, kể cả trên sa hình lẫn đường trường, do đó khả năng bị rớt của thí sinh cũng rất cao, chưa kể số lượng bài thi tăng lên (thêm phần ghép xe ngang). Không ít người phải dự thi trên dưới chục lần mới lấy được bằng lái xe, đặc biệt là với xe số sàn, tốn kém khá nhiều thời gian và tiền bạc. Thế nhưng mong muốn có bằng để được cầm lái những chiếc bốn bánh vi vu trên đường vẫn thu hút đông người tham gia các khóa dạy lái xe của các trung tâm đào tạo lái xe ôtô. Có điều, do bị giới hạn về dòng xe được phép sử dụng nên số người tham gia lấy bằng B11 hiện vẫn còn rất hạn chế. Đơn cử là trong số gần 300 thí sinh đăng ký thi sát hạch tại Trung tâm Đào tạo Hoàng Gia (TP. Hồ Chí Minh) ngày 9-9 vừa qua, chỉ có 15 thí sinh tham gia lấy bằng lái xe số tự động, trong đó hầu hết là nữ. Bên cạnh đó, các nội dung bài thi cấp bằng lái ôtô hiện tại vẫn bị xem là chưa sát thực tế vì số lượng người có thể một mình lái xe một cách tự tin, an toàn trên đường phố ngay sau khi lấy được bằng là không nhiều. Thông thường, họ phải hoặc nhờ người thân giám sát trong thời gian đầu hoặc tiếp tục thuê thầy và xe của nơi đào tạo để làm quen với đường sá thực tế thêm một khoảng thời gian nữa thì tay lái mới vững. Điều đó cho thấy phần đào tạo cũng như hình thức sát hạch về lái xe bốn bánh ở ta vẫn còn mang nặng tính lý thuyết, trong khi tại nhiều quốc gia khác, người ta không thực hiện việc thi trên sa hình, mà kiểm tra thực tế trên đường, đồng thời thêm yêu cầu là thí sinh sau khi lấy bằng trong một khoảng thời gian nhất định phải lái xe có người giám sát để tích lũy kinh nghiệm, có đủ tự tin khi xử lý các tình huống khẩn cấp trên đường.