Năm 2018 đang bước vào những ngày cuối cùng và tổng quan thị trường ôtô Việt Nam cho thấy đây là năm nhiều sóng gió dành cho cả kẻ bán lẫn người mua. Mặc dù chưa có thống kê cuối cùng, tổng doanh số cả năm 2018 dự đoán sẽ vẫn nhỉnh hơn con số của năm 2017 nhờ vào sự tăng tốc ở vài tháng cuối năm.
Những cơn biến động xuất hiện trong năm nay chắc chắn sẽ là tiền đề cho nhiều thay đổi trong năm 2019, khi thị trường ôtô Việt chuyển mình sang một giai đoạn mới với những cuộc đua mang sắc thái hoàn toàn khác.
Một năm lao đao của dòng xe nhập khẩu
Được xem như “hàng rào” khó vượt đối với dòng xe nhập khẩu, Nghị định 116/2017/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 03 của Bộ Giao thông vận tải có hiệu lực ngay từ đầu năm 2018. Ảnh hưởng của chính sách thắt chặt này đã có tác động mạnh đến thị trường ôtô trong nước ngay từ năm 2017, khi doanh số thị trường sụt giảm mạnh vào lúc đang có tốc độ tăng trưởng cao hai năm trước đó.
Thị trường đã phải mất hơn nửa năm để các doanh nghiệp hiểu và triển khai thủ tục đáp ứng các quy định trong Nghị định 116 và cũng rơi vào cảnh ảm đạm, bởi kỳ vọng của người tiêu dùng giá xe nhập khẩu sẽ giảm mạnh khi mức thuế suất nhập khẩu về 0% không thể trở thành hiện thực.
Theo đó, một trong những nội dung tạo sức ép nhất từ nghị định mới chính là các doanh nghiệp phải cung cấp nhiều loại giấy chứng nhận về chất lượng, xuất xứ của các mẫu xe nhập khẩu cũng như hoạt động kiểm định kỹ thuật cũng khắt khe hơn. Việc đáp ứng tất cả những yêu cầu mới này hoàn toàn không dễ dàng và mất nhiều thời gian hơn, tạo nên cơn sốc thiếu hụt trầm trọng nguồn cung dòng xe nhập khẩu.
Ngay trong tháng đầu năm 2018, lượng xe nhập khẩu đã rơi tự do khi tỷ lệ sụt giảm số lượng lên đến 86,2% so với tháng 12-2017. Một trong những nội dung quy định mới khiến các doanh nghiệp chưa thể cho xe về trong những tháng đầu năm 2018 là yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô (VTA) – một loại giấy chứng nhận được cho là rất khó có được từ các nước xuất khẩu xe, cùng với rào cản về quy định kiểm định ngẫu nhiên từng kiểu loại xe trong một lô xe nhập về.
Sau khi Thông tư 03 được ban hành nhằm hướng dẫn rõ hơn việc thực hiện theo nghị định mới, thị trường luôn nổi sóng với những lần xuất hiện của các lô xe nhập khẩu đầu tiên “vượt rào”. Tổng doanh số của dòng xe nhập khẩu tính đến tháng 11-2018 đã thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn gần 5,6% so với năm 2016. Thị trường ôtô nhập khẩu đang khởi sắc trong những tháng cuối năm 2018, kỳ vọng phân khúc xe nhập khẩu sẽ có một cuộc bứt phá ấn tượng hơn trong năm 2019.
Chóng mặt cuộc đua tăng – giảm giá xe
Do xe nhập khẩu không đáp ứng đủ nhu cầu khiến giá bán xe còn có xu hướng tăng cao, tất yếu sẽ hướng người tiêu dùng đến với dòng xe lắp ráp nội địa. Tuy nhiên, do xe lắp ráp trong nước vẫn còn vắng bóng trên nhiều phân khúc chủ lực nên không thể gánh áp lực thị trường để rồi cũng bị cuốn theo trào lưu tăng giá bán tạo rối ren cho người tiêu dùng trong những tháng giữa năm.
Ở chiều ngược lại, nhiều mẫu xe vốn lép vế về doanh số cũng giảm giá bán để gia tăng thị phần, điển hình như Chevrolet, Mitsubishi, Ford và cả Totoya với mức giảm vài chục triệu đồng so với giá công bố trước đó.
Sự hợp tác trở lại giữa VIVA và VAMA tại Vietnam Motor Show
Sau ba năm, hai hiệp hội ôtô Việt Nam một lần nữa kết hợp với nhau tại một kỳ triển lãm trong bối cảnh thị trường 2018 có nhiều biến động. Bên cạnh số lượng đông đảo các thương hiệu tham dự cùng với sự xuất hiện kỷ lục của những mẫu xe mới, VMS 2018 được xem là kết quả vượt rào thành công của dòng xe nhập khẩu, giúp giải tỏa phần nào cơn khát của người tiêu dùng vào mùa cao điểm cuối năm.
Ôtô thương hiệu Việt – VinFast chính thức ra mắt
Sau màn ra mắt tại Paris Motor Show 2018, thương hiệu ôtô Việt Nam – VinFast đã có màn giới thiệu sôi động trong nước với ba mẫu xe Fadil, LUX A2.0 và LUX SA 2.0 thuộc phân khúc hạng A và sedan tầm trung, với VinFast Fadil có giá bán 336 triệu đồng, Lux A2.0 là 800 triệu đồng và Lux SA 2.0 là 1,136 tỉ đồng (tất cả đều chưa bao gồm VAT).
Những chiếc ôtô mang thương hiệu VinFast với chiến lược tấn công thị trường mang tính chuyên nghiệp cao hứa hẹn sẽ đem lại một sức bật mới cho ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam.
Những mẫu xe gây ấn tượng khác
Góp phần tạo nên sự đa dạng của bức tranh toàn cảnh thị trường ôtô năm 2018 của Việt Nam còn là xe Honda CR-V, mẫu xe nhập khẩu đầu tiên vượt rào thành công.
Thương hiệu Nhật Bản đã gây bất ngờ vào những tháng cuối năm 2017, khi tuyên bố giảm đến gần 300 triệu đồng cho mẫu xe CR-V. Honda CR-V lại là mẫu xe nhập khẩu tăng giá nhiều nhất trong năm 2018, đến bốn lần trong vài tháng song doanh số vẫn tăng trưởng tốt và là mẫu crossover được người tiêu dùng yêu chuộng hiện nay. Kế tiếp là mẫu xe đô thị loại nhỏ Toyota Wigo.
Ngay khi vừa ra mắt, mẫu Wigo của Toyota đã lập tức qua mặt Hyundai i10 với doanh số 1.529 xe trong tháng 10. Tương tự, mẫu SUV cỡ nhỏ Honda HR-V cũng đã chiếm ngôi đầu của Ford EcoSport ngay trong tháng đầu tiên ra mắt thị trường.
Bên cạnh thành công của một số xe nhập khẩu hạng phổ thông, thị trường cũng chứng kiến sự chìm lắng của nhiều thương hiệu trên phân khúc hạng sang, điển hình là thương hiệu Lexus. Không thể nhanh chóng vượt quy định, thiếu hụt trầm trọng nguồn cung dẫn đến doanh số giảm sút mạnh.
Sự xáo động của thị trường còn đến từ thay đổi hàng loạt những nhà phân phối xe chính hãng tại Việt Nam trong năm. Đầu tiên là sự chuyển đổi nhà phân phối thương hiệu xe hạng sang BMW từ Euro Auto về tay Tập đoàn Thaco sau khi Euro Auto vi phạm pháp luật.
Thương hiệu Chevrolet cũng có sự thay đổi nhà quản lý khi GM Việt Nam chính thức về tay của VinFast với những chiến lược phát triển kinh doanh nhiều khác biệt hơn. Và trong những ngày cuối năm, thông tin Tập đoàn Tan Chong sẽ không còn là nhà nhập khẩu chính thức của thương hiệu xe Nissan kể từ tháng 9-2019 cũng tạo nên một cú sốc dù tập đoàn này vẫn là nhà phân phối thương hiệu xe Subaru thông qua Công ty Motor Image Việt Nam.