Không ít lái xe ắt hẳn rất tự tin vào tay nghề lái xe của mình. Tuy nhiên có những thói quen khiến họ phải mất tiền oan cho chiếc xế yêu của mình mà lại không hề biết. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tổng hợp những thói quen xấu khiến ôtô nhanh hỏng để mọi người lưu ý.
1. Sử dụng dầu nhớt không phù hợp với xe
Để xe hoạt động tốt, không bị nóng máy, người dùng cần phải thay nhớt định kỳ. Tuy nhiên, nếu thay dầu nhớt đúng định kỳ mà không đúng chủng loại, không phù hợp với động cơ sẽ rất dễ bị nóng máy, hao xăng, về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng đến các chi tiết động cơ, bó kẹt xilanh.
2. Không quan tâm các cảnh báo trên xe
Trên xe ôtô thường có những biểu tượng cảnh báo trên bảng táp-lô mà các nhà sản xuất đã thiết kế, tính toán rất kỹ lưỡng nhằm giúp người lái biết tình trạng các hệ thống trên xe. Nếu như tài xế không để ý đến những cảnh báo này có thể sẽ bị ảnh hưởng xấu nghiêm trọng. Trường hợp xấu như xe có những rung động, tiếng kêu rít, những triệu chứng bất thường khác hoặc có thể khiến xe bị dừng đột ngột. Lúc đấy lái xe cần kiểm tra ngay lập tức để không làm hại xe.
3. Sai lệch nước làm mát
Theo nguyên lý và những lời khuyên của các chuyên gia có kinh nghiệm ôtô lâu năm thì nước làm mát cần đổ theo tỷ lệ 50:50, nghĩa là đổ 50% nước thường và 50% dung dịch làm mát vào bộ tản nhiệt. Tuy nhiên, nhiều người lại không làm như vậy mà chỉ đổ nước thường vào bộ tản nhiệt. Bởi vậy sẽ làm nước bốc hơi rất nhanh chóng. Còn nếu nhiệt độ ngoài trời xuống quá thấp trong mùa đông có thể gây ra tình trạng đóng băng. Nếu để tình trạng này diễn ra lâu sẽ khiến xe có vấn đề.
4. Đặt tay lên cần số (với ôtô số sàn)
Việc đặt tay lên vô-lăng, một tay lên cần số khi lái ôtô, tài xế chắc hẳn sẽ có cảm giác rất thú vị. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo lên một áp lực cho ổ trực và máy đồng bộ của hộp số khiến chúng nhanh bị mòn. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên đặt cả hai tay lên vô-lăng sẽ giúp người lái có thể chuyển số và giữ được kiểm soát khi phải ngoặt tay lái đột ngột mà lại không ảnh hưởng đến xe.
5. Không dùng phanh, ỷ lại vào số P (với xe số tự động)
Khi đỗ xe, đặc biệt là ở nơi có địa hình dốc, thói quen của lái xe thường ỷ lại vào số P mà không kéo phanh tay. Việc làm này sẽ tạo áp lực lên bánh răng, nếu xảy ra thường xuyên có thể bị mòn, nặng hơn sẽ bị gãy bánh răng. Đơn giản là vì cơ cấu số P chỉ là một bánh răng cóc chèn không có các trục quay. Để sử dụng xe an toàn và bền, người dùng cần thường xuyên sử dụng phanh tay, hạn chế áp lực cho hộp số.
6. Đi luôn ngay khi khởi động xe
Đây có lẽ là hành động của những người hay vội vàng, hoặc có người khởi động máy lại chỉ để làm nóng xe sẽ khiến động cơ bị hao mòn do phải kéo các bộ phận khác khi vòng tua máy còn thấp. Cách khởi động tốt nhất cho xe là sẽ khởi hành ngay sau khi máy đã được làm nóng trong vòng 30 giây đến 1 phút.
7. Đạp ga mạnh ngay khi vừa khởi động
Trong trường hợp xe đã để qua đêm hoặc để lâu không chạy, tài xế cần để xe chạy nếu đạp ga mạnh ngay khi vừa khởi động tạo sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, gây mài mòn nhiều hơn ở các chi tiết. Tốt nhất là tài xế cần để xe chạy không tải một hoặc hai phút sau khi khởi động lại. Điều này sẽ giúp động cơ xe nóng lên, dầu bôi trơn bơm lên các bộ phận như piston-xilanh, trục khủy, trục cam…
8. Đạp côn khi đang dừng
Trường hợp này thường xảy ra với các tài xế di chuyển trong thành phố đông người. Hành động này sẽ giúp xe nhích được chút một khi đang tắc đường, hoặc sẽ sẵn sàng di chuyển ngay khi đèn giao thông chuyển màu xanh. Tuy nhiên, thói quen này sẽ khiến người lái nhanh bị mỏi chân, bề mặt của ly hợp và bánh đà sẽ quay trơn, cọ sát gây hao mòn má ly-hợp, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến việc sang số. Vì vậy để xe chạy tốt nhất, thay vì đạp chân côn và để số tiến, hãy nhả chân côn và để số về mo. Khi bắt đầu di chuyển, trước hết hãy đạp nhẹ chân côn rồi mới cho xe chạy.
9. Thói quen đánh lái hết mức
Việc đánh lái tưởng rất đơn giản, nhưng nếu thường xuyên đánh tay lái hết cỡ, lực cơ được sinh ra bị ảnh hưởng khiến nhanh phải bảo trì đầu lái. Vì thế, người lái nên giảm bớt lực quay đầu khiến làm tổn hại đến chiếc xe của mình.
10. Đột ngột chuyển từ số lùi (R) sang số tiến (D)
Điều này thường xảy ra khi tài xế lùi xe, gạt cần số và chạy ngay về phía trước theo quán tính. Về lâu dài, hành động này sẽ làm hỏng hệ thống truyền lực. Để tránh tình trạng này, tốt hơn hết là tài xế cho xe dừng hằn trước khi chuyển số. Việc này chỉ mất thêm một vài giây và sẽ tránh được những hư hại cho trục, động cơ và hộp số trong tương lai.
11. Rà phanh khi xuống dốc
Hành động này diễn ra mặc dù chỉ với mục đích tránh để xe đi quá nhanh. Tuy nhiên, việc này sinh ra nhiệt ở các má phanh và rôto, gây mài mòn và tăng nguy cơ bị quá nóng hay bị méo. Hơn nữa, do làm việc dưới áp lực cao có thể dẫn tới mất phanh, hệ thống thủy lực có thể bị vô hiệu hóa. Trong tình huống này, lái xe hãy thử chuyển sang số thấp hơn. Sự giảm sức ép một cách tự nhiên trong hệ thống truyền lực sẽ giúp xe duy trì tốc độ an toàn. Theo cách này, khi cần nhấn phanh sẽ thấy phanh hiệu quả.
12. Rửa động cơ ôtô bằng cách phun nước ở áp suất cao
Giữ xe sạch sẽ là việc nên làm, tuy nhiên nếu phun nước mạnh vào động cơ sẽ cuốn bụi bẩn đi nhưng lại có thể khiến các bộ phận quan trọng trong động cơ bị lỏng hoặc bật ra. Đặc biệt là những cảm biến, hộp chì, rơ le,…nếu các thiết bị này bị ngấm nước sẽ dẫn đến chập điện,… Vì vậy mọi người cần vệ sinh xe đúng cách, tránh bị phản tác dụng.
13. Bơm hơi xe quá căng
Trên một số dòng xe được các nhà sản xuất khuyến cáo có thể bơm căng hơn mức tiêu chuẩn đến 0,2 – 0,5kg/cm2 để giúp tiết kiệm nhiên liệu hơn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp lái xe bơm quá căng so với mức khuyến cáo có thể dẫn đến lốp mòn không đều và nhanh hỏng hơn.
14. Lau xe sai quy cách
Khi mới rửa xe xong lau sạch nước luôn là điều nên làm. Tuy nhiên, nếu lau xe trong tình trạng khô, bám nhiều bụi bẩn có thể làm sơn xe bị xước. Bởi khi lau, bụi bẩn sẽ bám vào dẻ lau kéo sang những chỗ khác. Việc này diễn ra nhiều lần sẽ khiến xe mất đi độ bóng và có hàng ngàn vết xước trên xe.
15. Đổ đầy bình xăng
Việc làm này sẽ tiết kiệm về mặt thời gian cho chủ xe, vì sẽ đi được chặng đường dài mới phải tiếp tục đổ xăng. Tuy nhiên, khi đổ đầy bình sẽ khiến trọng lượng xe tăng lên, gây tiêu hao nhiên liệu. Còn nếu chỉ đổ nửa bình xăng, trọng lượng xe sẽ nhẹ đi tới khoảng 20 – 50kg và có thể giảm được khoảng 3 – 5%.