Sáng 27-5, mạng xã hội xôn xao đoạn clip dài 2 phút ghi lại cảnh một người được cho là CSGT mặc thường phục, ngồi gần bụi cây và cầm máy bắn tốc độ. Người đăng tải clip viết: “Công an Việt Nam mặc thường phục nấp trong bụi bắn tốc độ và đánh du kích, bị bắt quả tang”.
Sau khi người này đăng tải, đoạn clip được nhiều hội, nhóm trên Facebook chia sẻ lại và nhận được hàng chục ngàn lượt chia sẻ và bình luận, tạo nên những cuộc tranh luận “nảy lửa”.
Nhiều ý kiến không đồng tình việc CSGT thường xuyên đứng ở vị trí khuất để bắn tốc độ các phương tiện tham gia giao thông.
Trước đây, vào ngày 20-2-2017, cử tri An Giang đã gửi ý kiến tới Bộ Công an liên quan đến công tác xử lý vi phạm của lực lượng CSGT. Cụ thể, cử tri không đồng tình việc CSGT thường xuyên đứng ở vị trí khuất để bắn tốc độ phương tiện tham gia giao thông. Việc thi hành công vụ thì cần phải thực hiện một cách công khai, minh bạch.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Công an khẳng định việc CSGT “núp” để bắn tốc độ đối với các phương tiện vi phạm là cần thiết.
Theo đó, thực tế cho thấy chạy quá tốc độ là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNGT. Việc lực lượng CSGT đo tốc độ các phương tiện tham gia giao thông, kịp thời phát hiện, xử lý những người lái xe chạy quá tốc độ nhằm hạn chế TNGT là rất cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều lái xe đã tìm cách đối phó với việc đo tốc độ công khai như đang chạy với tốc độ cao, khi phát hiện các trạm, chốt của CSGT sẽ giảm tốc độ hoặc né tránh; người lái xe bị xử phạt thông báo bằng ám hiệu qua ngón tay như (2 ngón út và trỏ chĩa ra là có trạm CSGT, tay quẹt trên cổ tức có bắn tốc độ, 5 ngón tay đưa lên tức cách 50m có chốt…) cho người lái xe đang tham gia giao thông khác biết để né tránh, gây khó khăn trong việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT…
Chính vì vậy, việc kết hợp giữa hình thức đo tốc độ công khai và bí mật là xuất phát từ đòi hỏi của tình hình thực tế.
Khoản 1 Điều 9 Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT quy định: “Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.
“Do vậy, việc lực lượng cảnh sát giao thông kết hợp biện pháp công khai với bí mật (hóa trang) để đo tốc độ là cần thiết, xuất phát từ thực tiễn công tác và đúng quy định của pháp luật, không phải như một số người cho rằng “cảnh sát giao thông trốn trong bụi cây để bắn tốc độ” – văn bản trả lời kiến nghị cử tri nhấn mạnh.
Từ những cơ sở trên, Bộ Công an khẳng định việc lực lượng CSGT kết hợp biện pháp công khai với bí mật (hóa trang) để đo tốc độ là cần thiết, xuất phát từ thực tiễn công tác và đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, ở nước ngoài, việc Cảnh sát “hóa trang” núp bắn tốc độ như vậy để làm nhiệm vụ làm 1 việc hết sức bình thường, báo chí nước ngoài còn viết bài ủng hộ và kêu gọi người dân phải chấp hành luật giao thông nghiêm chỉnh nếu không muốn bị phạt.
Đồng thời, theo Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền giám sát…” và quyền Giám sát khác hoàn toàn với quyền Kiểm tra; người dân cần hiểu tách bạch và nắm rõ quy định để không vượt quá giới hạn gây khó khăn, ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an đang thực thi pháp luật.